- VietNamNet nhận được bài viết của PGS Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm chức danh giáo sư. Dưới đây là nội dung bài viết.

Khi tôi làm việc ở Bộ GD-ĐT  được biết khi soạn thảo Quyết định 174/2008/QĐ-TTG ngày 21/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTG ngày 17/04/2012 của Thủ tướng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 174, lúc đó cũng đã có ý kiến trong Ban soạn thảo và các nhà khoa học đề nghị nên giao quyền cho các trường đại học xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS, PGS trên cơ sở về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Nhưng do chất lượng đội ngũ nhà giáo và năng lực tự chủ của các trường chưa đồng đều. Mặt khác, GS, PGS là chức danh cao quý của nhà giáo trong các trường đại học đã được nhà nước quan tâm bằng các chính sách đãi ngộ như nhà giáo ở các trường đại học công lập khi được bổ nhiệm GS, PGS được ưu tiên trong việc giao đề tài, đề án khoa học và các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao (Điều 6, Quyết định 174), được tăng một bậc lương, GS được xếp vào ngạch giảng viên cao cấp (Khoản 2, Điều 6, Quyết định 20).

Hơn nữa, các chính sách đãi ngộ đối với GS, PGS sẽ ngày càng được chú trọng. Thí dụ như Nghị định 141/2013 của Chính phủ đã quy định nhà giáo ở các trường đại học công lập được bổ nhiệm PGS được xếp vào ngạch giảng viên cao cấp, GS được xếp vào ngạch chuyên gia cao cấp.

Về Nghị định này, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện và các trường đại học ngoài công lập căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật này để thực hiện các chế độ ưu đãi theo cơ chế tự chủ của nhà trường.

Từ những lý do cơ bản trên, Ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện hiện tại, nếu không có tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình và tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc, việc xét, bổ nhiệm GS, PGS giao ngay cho các cơ sở GDĐH sẽ dễ xảy ra chất lượng không đồng đều, thiếu đi tính công bằng, ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo và đặc biệt làm gia tăng quỹ lương dành cho giáo dục.

Việc phân cấp cần phải có lộ trình phù hợp, cho nên trong Quyết định 20, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho HĐCDGSNN xét công nhận đạt tiêu chuẩn, còn việc bổ nhiệm GS, PGS giao cho Thủ trưởng các cơ sở GDĐH thực hiện trên cơ sở các nhà giáo đã được HĐGSNN công nhận đạt chuẩn (Khoản 3 và 4, Điều 16, Quyết định 20). Việc làm này cũng đã được các trường triển khai từ năm 2013 trên cơ sở Thông tư hướng dẫn số 30 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Đang rà soát theo hướng phân cấp

Hiện nay, tôi được biết Thường trực HĐCDGSNN cũng đã chỉ đạo Văn phòng HĐCDGSNN phối hợp với các vụ chức năng của Bộ nghiên cứu đề xuất sửa đối bổ sung Quyết định 174Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo hướng cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn xét và bổ nhiệm GS, PGS cho các ứng viên chủ yếu làm công tác giảng dạy hoặc làm công tác nghiên cứu khoa học. Rà soát, bổ sung, sửa đổi thủ tục, quy trình bổ nhiệm theo hướng phân cấp việc xét và bổ nhiệm giao cho các cơ sở GDĐH tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy trình bổ sung, sửa đổi được phê duyệt, xây dựng lộ trình phân cấp phù hợp với năng lực tự chủ của các cơ sở GDĐH. HĐCDGSNN là cơ quan giúp Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ GDĐT kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện.

Như vậy có ý kiến cho rằng Bộ GDĐT và HĐCDGSNN ôm đồm việc này tôi thấy chưa chính xác, mà cần tìm hiểu các văn bản pháp luật liên quan tổ chức thực hiện cho đúng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phù hợp

Đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, theo các quy định pháp luật hiện hành thì Hiệu trưởng trường được giao quyền bổ nhiệm GS, PGS trên cơ sở các nhà giáo của trường đạt tiêu chuẩn được HĐCDGSNN công nhận thì hãy làm tốt việc này, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hướng tới đạt tiêu chuẩn GS, PGS và có chính sách thu hút các nhà khoa học để sớm đủ điều kiện thành lập HĐCDGS cấp cơ sở để chủ động xét và bổ nhiệm các nhà giáo của mình vào ngạch GS, PGS khi được phân cấp.

Hiện nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục công lập do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quản lý, nằm trong Hệ thống GDĐH Việt Nam. Nên việc trường tổ chức tự phong GS, PGS cho cán bộ, giảng viên của trường và các nhà giáo ngoài trường có nhu cầu là không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về GDĐH tại Khoản 2, Điều 17 (Quyết định 174), Khoản 1 và 2, Điều 16 (Quyết định 20), Điều 11, 12, 13, 14 và 15 (Quyết định 174) về thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Vì thế, trường nên dừng việc làm đơn phương này khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép.

  • PGS Trần Quang Quý (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)