- Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Đăng Hưng  khẳng định ông luôn cổ vũ việc cải tổ giáo dục Việt Nam, nhất là thay đổi cách tổ chức hệ thống đại học phù hợp với xu thế hội nhập. Ông cho rằng Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng đề xuất quy chế cho việc trao quyền bổ nhiệm cho các trường ĐH.

{keywords}
GS Nguyễn Đăng Hưng

Thưa ông, việc trường đại học tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là một xu hướng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là một điều hoàn toàn mới mẻ. Quan điểm của ông về chuyện này như thế nào?

Tôi đã từng đề xuất và ủng hộ xu hướng này. Vấn đề đặt ra là phải có tiến trình, chọn lựa địa bàn thí điểm phù hợp, nhất là đề xuất điều kiện, quy chế mới thật sự chặt chẽ cho việc thực hiện.

Còn hành động tuỳ hứng, mang tính cục bộ hay cá nhân cảm tính thiếu cân nhắc sẽ mang lại nguy cơ gây đổ vỡ, làm mất uy tín cho công tác cải tổ, mất lòng tin ở tiến trình đổi mới đại học.

Ông có thể kể quy trình bổ nhiệm GS, PGS của đại học nước ngoài?

Ở các nước tiên tiến có nền giáo dục đại học vững mạnh, việc chọn lựa PGS, GS là việc của các đại học. Bỉ cũng thuộc về các nước này. Tại Pháp, hiện vẫn duy trì những Hội đồng chức danh cấp quốc gia cho từng ngành nhưng hội đồng này luôn luôn phối hợp chặt chẽ với các trường khi có yêu cầu chọn lựa và bổ nhiệm.

Tuy nhiên, quy chế bổ nhiệm các chức danh PGS, GS (hay các chức năng thấp hơn như trợ lý thường trực, giảng viên thường trực…) đều phải dựa vào một quy chế thống nhất áp dụng cho tất cả các trường, tất cả các ngành trong cả nước. Chính Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế thống nhất này sau khi tham khảo đầy dủ các chuyên gia quốc tế, đối chiếu các quy chế hiện hành ở các nước phát triển.

Nếu trường bổ nhiệm hay chọn lựa theo quy chế riêng là phạm luật.  

Trường không thể bào chữa là Chính phủ chưa cấm nên được quyền bổ nhiệm. Chức năng PGS, GS liên quan đến việc giáo dục đào tạo cho cả một ngành nghề, trực tiếp ảnh hưởng đến xã hội trong thời gian dài cả chục thế hệ sinh viên.

Ông có thể chỉ những ưu điểm và mặt trái việc các trường đại học tự bổ nhiệm GS, PGS trong bối cảnh chất lượng tự đánh giá giáo dục Việt Nam còn chưa rõ ràng?

Việc chính phủ các nước tiên tiến đều giao cho các trường đại học quyền bổ nhiệm nhân sự, rồi ban giám hiệu các trường giao cho các tổ chức cơ sở như khoa hay bộ môn tổ chức tuyển chọn nhân sự có những ưu điểm được trắc nghiệm qua hằng thế kỷ.

Không có cơ cấu nào nắm rõ thực tế hơn các cơ sở. Đây chính là tinh thần thực thi dân chủ cơ sở. Mọi chọn lựa ở xa hay trên xuống có thể dẫn đến những bất cập, yếu kém thậm chí không đạt yêu cầu. Nhưng giao cho cơ sở không có nghĩa là cơ sở muốn làm gì thì làm.

Ở trên, tôi đã nói đến những quy chế, tiêu chí mà cơ sở phải tuân theo. Trước nhất bổ nhiệm nhân sự phải thông qua một quá trình công khai, chặt chẽ.

Việc áp dụng quy chế và tiêu chí phải thông qua một ban kiểm định chuyên môn khách quan vô tư. Ban kiểm định phải bao gồm những thành viên chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề cần bổ nhiệm.

Thông thường, ban kiểm định không thể chỉ bao gồm người của trường mà phải có các thành viên chuyên gia đến từ các trường bạn, các trung tâm nghiên cứu, thậm chí từ quốc tế. Đó là điều kiện cho tính khách quan vô tư của ban kiểm định.

Việc thành lập một ban kiểm định trong quá trình bổ nhiệm là điều tối cần thiết cho phép ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.

Nếu các trường đại học Việt Nam được thực hiện quyền tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì việc này cần được thay đổi như thế nào?

Trước hết, Bộ GD-ĐT nên tham khảo các chuyên gia, các đại học tiên tiến nhanh chóng đề xuất quy chế cho việc trao quyền bổ nhiệm cho các trường ĐH.

Nên cân nhắc là quy chế này phải bảo đảm tính kế thừa phát xuất từ quy chế cũ phong học hàm, học vị hiện hành. Nên thống nhất chỉ có một chức danh cho cả nước. Không thể có chuyện hai ba thứ GS, PGS khác nhau. Không thể có chuyện một trường đòi bổ nhiệm GS cho trường mình và cho cả người ngoài trường chẳng giảng dạy gì, chẳng có liên kết gì đặc biệt (trừ chức danh GS danh dự).

Bộ GD- ĐT nên chọn những trường có mặt bằng cao nhất nước làm thí điểm, giao ưu tiên cho các trường ĐH mạnh, đủ tiêu chuẩn về năng lực học thuật, chuyên môn... Trong giai đoạn thí điểm, Bộ không buông lỏng mà phải có cơ chế theo dõi, kiểm tra từng trường hợp cá biệt.

Những trường chưa hội tụ đủ năng lực chuyên môn (thành viên giảng dạy cơ hữu còn yếu kém, điều kiện giảng dạy còn thiếu sót, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn..) thì nên kéo dài thời gian chờ đợi.

Bộ GD-ĐT nên nghiêm khắc với các hành xử vội vã, tuỳ tiện, đình chỉ ngay những bổ nhiệm bất cập, huỷ bỏ những trường hợp bổ nhiệm không phù hợp với các tiêu chuẩn tối thiểu.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang thực hiện việc tự bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một đại học “bắn phát súng” mới mẻ này. Theo ông, trường đại học phải hội đủ những điều kiện như thế nào để thuyết phục dư luận?

Đại học bắn phát súng mới mẻ này ít ra cũng có một đóng góp tích cực. Đại học này đã thí điểm cái không nên làm, cái cần nên tránh. Cũng may, tính bất cập của sư áp dụng quy chế tự trị đại học đã quá rõ ràng, quá thô thiển. Bộ GD-ĐT đang đứng trước một thách thức. Bộ cần nên can thiệp và điều chỉnh ngay.

Cảm ơn ông!

  • Lê Huyền

Ông Nguyễn Đăng Hưng là giáo sư của Đại học Liège (Bỉ). Ông từng làm việc ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng và sau đó giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung trong việc ra đời một tạp chí khoa học. Hiện nay vụ việc đang được cơ quan pháp luật thụ lý.