- Trái ngược với tình trạng bùng nổ vào những ngày cuối cùng đợt xét tuyển đầu tiên, quãng thời diễn ra đợt 2 xét tuyển vào ĐH, CĐ diễn ra rất bình lặng. Thông tin về tình hình tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT đều đặn cập nhật không có nhiều thay đổi qua các ngày.

Trường đại học “dài cổ” chờ thí sinh

Tới thời điểm này, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, vẫn còn 41 trường ĐH phía Bắc, 29 trường ĐH phía Nam, 45 trường CĐ phía Bắc và 54 trường CĐ phía Nam công bố còn chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung với số lượng không hề ít.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Lãnh đạo rất nhiều trường chung nỗi lo không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Một trong số những trường ngoài công lập những năm trước không mấy lo lắng về việc tuyển đủ chỉ tiêu là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, thì năm nay đứng ngồi không yên. Từ khi bắt đầu đợt xét tuyển, mỗi ngày trường chỉ nhận được vài chục bộ hồ sơ. Số lượng chỉ tiêu còn lại vẫn lên tới gần 4 nghìn hệ đại học và 400 chỉ tiêu cao đẳng.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mọi năm trường tự chủ tuyển sinh thì chỉ cần tuyển theo nguyện vọng 1 đã gần đủ chỉ tiêu. “Nhưng bây giờ chúng tôi cứ phải nhặt từng hồ sơ, không biết khi nào mới đủ chỉ tiêu. Không hiểu sao năm nay lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít như thế” – ông Hóa than.

Không chỉ trường ngoài công lập rơi vào tình cảnh khó khăn, mà không ít trường công lập cũng lâm vào tình trạng đếm  - chờ từng thí sinh.

Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam có gần 2.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhưng đến ngày 1/9 mới nhận được hơn 300 bộ hồ sơ ĐKXT. Cũng như ông Vũ Văn Hóa, “Không hiểu thí sinh đi đâu?” là câu hỏi mà vị cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường này tự đặt ra.  

Trường ĐH Mỏ - Địa chất tính đến ngày 3/9 mới nhận được hơn 700 hồ sơ ĐKXT, bằng 40% chỉ tiêu.

Ông Cao Văn, hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cũng bày tỏ sự lo lắng khi mỗi ngày chỉ nhận được vài chục bộ hồ sơ ĐKXT. “Chúng tôi có hơn 1 nghìn chỉ tiêu, nhưng nếu tình hình cứ thế này chắc chúng tôi chỉ tuyển được một nửa”….

Thí sinh đi đâu?

Số liệu thống kê về tuyển sinh những năm qua – từ năm 2002 bắt đầu phương thức thi “3 chung” tới năm 2014 kết thúc “3 chung” – cho thấy số lượng chỉ tiêu tăng liên tục trong hơn 10 năm qua. Điều này khiến cho từ vài năm trở lại đây việc tuyển sinh của các trường đã rất khó khăn.

{keywords}

(Hệ số K được hiểu là “tỷ lệ chọi”)

Tới năm 2015 này, thay đổi phương thức thi mới, theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia có 1,004,484 thí sinh đăng ký dự thi,

Tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Trong khi tổng số chỉ tiêu vào đại học năm 2015 của cả nước là khoảng hơn 439 nghìn, Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển còn lại là chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển  bằng kết quả học tập ở THPT.

{keywords}
Thống kê chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015

Khi Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2015 là 15,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học (của các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển), số thí sinh này chỉ nhiều gấp 1,52 lần.

Như vậy, số chỉ tiêu tuyển sinh so với số lượng thí sinh có nhu cầu và đủ điều kiện quy định đã ở mức gần bão hòa.

“Khi các trường ra sức vét cạn nguồn tuyển, chất lượng đào tạo rồi sẽ ra sao? Có lẽ, đây chính là lý do khiến tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng. Cứ nhìn vào đó, nhiều thí sinh và gia đình có lẽ sẽ lựa chọn con đường học lấy một cái nghề còn hơn cố kiếm bằng đại học. Và khi đó, tình trạng các trường không tuyển đủ chỉ tiêu chắc chắn không chỉ dừng lại ở năm nay, cho dù Bộ có “tính hộ” các trường tới cỡ nào” – một chuyên gia tuyển sinh bình luận.

Ngân Anh