Sau khi Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, tối cùng ngày, nhà trường đã điện thoại thông báo hôm nay (1-9) Sâm phải có mặt tại trường để nhận giấy báo nhập học.

Trước đó, cũng trong chiều 31-8, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết:  “Trường hợp em Trần Văn Sâm, theo hồ sơ phía tỉnh Bình Thuận chuyển cho trường, sơ yếu lý lịch và quyết định đều ghi nhận là viên chức ngành y tế và được Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cử đi ôn để thi liên thông y đa khoa".

Bà Phương cũng cho biết thông thường hội đồng của tỉnh xét chọn theo nguyên tắc lấy các em từ điểm cao trở xuống. Việc Sâm điểm thi cao mà không trúng tuyển là do việc xét của địa phương.

Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao em Sâm làm đơn xin chuyển sang diện TS tự do, nhà trường vẫn không nhận hồ sơ thì bà Phương cho biết: “Suốt quá trình ôn thi và sau khi thi xong chưa có kết quả, em Sâm hay địa phương vẫn không thay đổi về đối tượng. Chỉ khi có danh sách nhập học em Sâm mới xin thay đổi thì theo quy định không chuyển được vì mọi kết quả đã xong xuôi”.

Cũng theo bà Phương, ở Bình Thuận có một trường hợp tương tự em Sâm với điểm số 25,5 và địa phương cũng cho rằng bị nhầm, không phải diện viên chức. Nhà trường có trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế và đề nghị nếu tỉnh có nhu cầu bổ sung chỉ tiêu và có văn bản gửi nhà trường thì lúc đó nhà trường sẽ xem xét. Đây là nhu cầu của địa phương vì các em đi học kinh phí do tỉnh chi trả.

Cuối giờ chiều 31-8, trao đổi qua điện thoại với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, cho biết Sở đã nắm thông tin vụ việc và bước đầu đã có trao đổi với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. “Cụ thể, Sở sẽ có công văn đề nghị nhà trường bổ sung thêm chỉ tiêu để em Sâm và một trường hợp khác được nhập học”.

Gần 21 giờ ngày 31-8, Sâm điện thoại cho phóng viên báo tin vui vừa nhận được điện thoại của ĐH Cần Thơ cho biết em đã được bổ sung vào danh sách trúng tuyển. Ngày hôm nay (1-9), Sâm sẽ lên đường đi Cần Thơ làm thủ tục nhập học.

Sâm tốt nghiệp y sĩ trung cấp và hơn hai năm nay làm “thí công” không ăn lương tại Phòng khám đa khoa Mũi Né. Mặc dù mỗi tháng được phòng khám cho 500.000 đồng và 4-5 tháng mới được thanh toán một lần nhưng Sâm vẫn cố gắng vượt qua dù gia cảnh rất khó khăn. Sâm cho biết do khát khao trở thành bác sĩ giúp bà con ngư dân nghèo Mũi Né nên em vừa làm vừa ôn thi.

Theo Gia Tuệ/Phương Nam - Pháp luật TP.HCM