- "Góc nhìn thẳng" của VietNamNet đã có cuộc trao đổi với T.S Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội về dự kiến đưa chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản vào cấp tiểu học thay cho vị trí lớp trưởng.


Nhà báo Kiều Oanh: Kính chào quý vị và các bạn. Vừa qua, việc bình bầu chức danh hội đồng tự quản đã được triển khai ở một số trường tiểu học. “Góc nhìn thẳng” số này có mời đến trường quay T.S Vũ Thu Hương – giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cảm ơn bà đã tham dự chương trình.

Câu hỏi đầu tiên xin gửi đến bà: Sau khi chứng kiến những hình ảnh học sinh tiểu học tranh cử chức danh Chủ tịch hội đồng tự quản, bà có suy nghĩ gì?

T.S Vũ Thu Hương: Thực ra thì tôi nghĩ rằng đây cũng là một hoạt động rất là thú vị đối với trẻ - một hoạt động rất mới. Trẻ em được phát biểu ý kiến và được đưa ra những lời hứa và trẻ chắc chắn sẽ phải thực hiện những lời hứa như vậy.

Tuy nhiên, nếu như đây là một buổi tranh cử thực sự do trẻ em hoàn toàn tự chủ thì rất tốt. Nhưng nếu như có một sự chỉ đạo của người lớn, ví dụ như viết kịch bản hộ các em thì tôi nghĩ chắc chắn là không hay rồi.

- Theo bà, đổi mới giáo dục có nên làm phức tạp hóa những vấn đề đã trở thành nề nếp, ví dụ đơn giản như là cô giáo chủ nhiệm chỉ định chức danh lớp trưởng hoặc thực hiện công việc thay cán bộ luân phiên như các trường đã làm lâu nay?

Tôi nghĩ giáo dục không phải bắt đầu từ những việc rất lớn, mà là bắt đầu từ những việc rất nhỏ bé. Đây là một trong những việc nhỏ bé mà có lẽ chúng ta cũng nên xem xét lại. Trẻ em khi được bổ nhiệm làm chức lớp trưởng thì các em giống như là một thứ tay sai của cô giáo, làm tất cả những gì cô giáo sai bảo và nhiều khi có những hành động mà rất nhiều phụ huynh đã phản ánh như là đánh bạn, vu tội cho bạn – những việc rất là không nên, nhưng nếu như các em thực sự đứng ra tranh cử và các em đứng ở vị trí đó là do lá phiếu của các bạn thì chắc chắn những vấn đề kia sẽ không xảy ra. Tôi nghĩ là việc này chúng ta cũng phải nên xem xét lại.

- Qua vấn đề này, bà thấy tính giáo dục trong việc giáo dục trẻ, cho trẻ chơi một trò chơi là tranh cử ở lứa tuổi này là như thế nào?

Tôi không tán thành việc cho trẻ em chức vụ khi trẻ còn đang đi học tiểu học. Tôi nghĩ chức vụ có lẽ chỉ nên bắt đầu từ cấp 2. Bởi vì cấp 1 chúng ta nên đạt tới một cái gọi là giáo dục công bằng. Tất cả các vị trí đều như nhau, các em đều giống nhau từ ở thành phố, nông thôn, miền núi. Điều này tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm nhưng làm chưa đến nơi. Ví dụ chúng ta đã cho các em mặc đồng phục. Cái này cũng là muốn tạo sự công bằng với tất cả các em. Việc cho các em chức vụ rõ ràng là đã không tạo ra sự công bằng. Tôi hi vọng là một thời gian sau chúng ta sẽ sửa đổi để đạt được một mức độ công bằng tốt hơn.

- Cá nhân bà có đánh giá như thế nào khi cho trẻ tiểu học tranh cử chức Chủ tịch hội đồng tự quản? Có lợi và hại như thế nào?

Thực ra trẻ em khi được tham gia một hoạt động như vậy thì chắc chắn các em sẽ tự tin hơn rất nhiều. Các em sẽ dám nói và dám làm. Ngoài ra, các em cũng rất khao khát và mong muốn làm những công việc như vậy. Chúng ta thấy trẻ em Việt Nam vốn rất thiếu tự tin. Đây cũng là một cách dạy cho trẻ em tự tin hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với lứa tuổi nhỏ thì chức vụ cũng sẽ mang lại nhiều hậu quả. Có lẽ chúng ta nên dời việc này đến cấp cao hơn là THCS. Còn với các em, chúng ta nên nghĩ ra hoạt động khác để gia tăng tính tự tin cho trẻ.

- Tức là bà không ủng hộ việc thực hiện việc bình bầu chức danh ngay ở cấp tiểu học, mà nên để cấp cao hơn. Vậy thì bà có đề xuất cụ thể như thế nào để thực hiện việc này hiệu quả hơn ở lứa tuổi này?

Tôi cũng đã nhiều lần đề xuất lên Bộ GD&ĐT là chúng ta nên đạt cấp độ công bằng ở cấp tiểu học. Nghĩa là tất cả các em đều không có chức vụ gì cả và tất cả các em đều như nhau trong mắt các thầy cô giáo.

Tuy nhiên, thứ nhất là chúng ta còn quá đông học sinh trong một lớp và việc quản lý các em cũng không đơn giản, cho nên việc quản lý các bạn có giá trị trợ giúp các thầy cô rất nhiều. Vì vậy, cho nên muốn đạt được giá trị giáo dục công bằng, thì chúng ta phải điều chỉnh số lượng học sinh trong một lớp. Và phải điều chỉnh phong cách dạy của lớp học, làm sao cho phù hợp với điều đó.

Theo tôi nghĩ, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ đạt đến điều đó nhưng chúng ta phải đợi một thời gian dài và đây là bước chuẩn bị cho những hoạt động như vậy.

- Theo bà đánh giá thì bước chuẩn bị và đang tập dượt ở các trường như thế đã có một động lực thúc đẩy để thực hiện ở các trường khác hay chưa?

Theo như tôi theo dõi ở các trường có "mô hình trường học mới" (VNEN) thì các em thường tự nhiên hơn rất nhiều so với mô hình trường cũ. Đó là một ghi nhận khi chúng ta áp dụng mô hình này.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy đã xuất hiện một số hiện tượng là giáo viên đã viết lời cho các em nói, thậm chí trong lúc các em học bài nhóm, các em cũng không biết nói gì và giáo viên cũng phải viết lời để các em nói.

Những hiện tượng tiêu cực như vậy chúng ta phải xử lý và chỉnh sửa làm sao để cho mô hình trường học đó phù hợp hơn với học sinh tiểu học Việt Nam.

Cảm ơn bà đã tham gia chương trình.

  • VietNamNet