Trước những điều lưu ý khi lên Facebook đăng tải trên bảng nội quy học sinh của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh - TP Thái Bình, TS Vũ Thu Hương bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Mới đây, thông tin về bảng nội quy mới được đăng tải trên trang Confession của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh - Thái Bình thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Bên cạnh những quy định thông thường, điều khiến các bạn học sinh thích thú chính là nội dung Những điều cần lưu ý khi lên Facebook. Đây là một điểm rất mới và thú vị mà không nhiều trường có, được in trong sổ sinh hoạt của các học sinh trong trường.

Những điều cần lưu ý khi lên Facebook của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh như sau: 

1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt. Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt. 

2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai. 

3. Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bảy tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh. 

4. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng. 

5. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân. 

6. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook.

{keywords}

Chia sẻ về bản nội quy được đăng tải trên trang Confession của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh - TP Thái Bình. Ảnh chụp màn hình.

Theo tìm hiểu, người đưa ra quy định mới này là thầy Nguyễn Xuân Vinh - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Đức Cảnh. Thầy Vinh cho hay, bản quy chế được đề ra xuất phát từ thực trạng nhiều học sinh từng lên mạng xã hội để nói xấu thầy cô, khiêu chiến bạn bè qua những dòng trạng thái trên mạng xã hội. Từ đó, xảy ra không ít mâu thuẫn, tranh cãi nảy lửa và việc chia sẻ những thông tin sai lệch sự thật khiến nhiều người hoang mang…

 Ngay sau khi bản quy chế được đưa ra, khá nhiều học sinh tỏ ra thích thú với những quy định mới này. Thu Thảo, học sinh THPT Nguyễn Đức Cảnh, viết: "Hay quá! Phải có những quy định cụ thể thế này, các bạn mới hạn chế được tình trạng nói tục, chửi bậy, thậm chí đá xoáy nhau, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khó lường". 

Đồng quan điểm với Thảo, nhiều học sinh để lại những lời nhận xét tương tự trên trang Confession. Tuy nhiên, cũng có không ít cô cậu học trò khá lo lắng với quy định mới này.

 Trước đó, năm 2013, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng từng ra quy định Những điều cấm kỵ khi lên Facebook dành riêng cho học sinh trong trường. Quy định bao gồm 4 điều cơ bản như trên. 

Tương tự trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, lý do ra quy định xuất phát từ thực tế, rất nhiều học sinh dành thời gian vào các diễn đàn và mạng xã hội, lơ là học hành. Thậm chí nhiều em nghiện, nếu không có cách quản lý tốt sẽ rất nguy hiểm. 

Bên cạnh những quy định trên, trường THPT Lương Thế Vinh cũng đưa ra những lưu ý trong việc sử dụng trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. 

"Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người. Bởi thế, người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết của mình. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân".

 Nhà trường nhấn mạnh: "Nếu tôi đọc được Facebook của bạn, chắc chắn tôi sẽ biết bạn là người như thế nào!". 

Cần có thêm những biện pháp răn đe 

Trước những quy định mang tính mới mẻ này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ việc làm của các trường THPT. Bà cho biết, thực tế đã xảy ra quá nhiều câu chuyện đau lòng vì nguyên nhân các bạn trẻ chưa đủ nhận thức về những vấn đề sẽ gặp phải khi sử dụng mạng xã hội.

 Ngay như câu chuyện của 2 thiếu nữ hẹn nhau "giải quyết" mâu thuẫn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ trong ít ngày vừa qua cũng là ví dụ tiêu biểu của việc sử dụng Facebook một cách bừa bãi. Bởi vậy, việc đưa ra quy định cho trẻ vị thành niên trong vấn đề sử dụng Facebook là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, dù có quy định, việc học sinh vi phạm vẫn xảy ra với con số đáng lo ngại. Về việc này, Tiến sĩ Thu Hương bày tỏ, với các trường học, những biện pháp kỷ luật của nhà trường sẽ giúp các em điều chỉnh hành vi một cách hiệu quả. Nếu có những vi phạm trên các trang mạng xã hội, nhà trường có thể coi đó là vi phạm nội quy và xử phạt như những vi phạm khác. Ngoài ra, nhà trường cũng nên liên kết với ban quản lý các trang mạng xã hội để quản lý những khách hàng tuổi vị thành niên này. 

Tốt hơn hết, các trường học nên đề ra những quy định xử lý và răn đe. Song bên cạnh đó, việc quan tâm đến tâm sinh lý của lứa tuổi học trò là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu. Nếu cuộc sống của các em nhiều niềm vui phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi, chắc chắn mối quan tâm đến các trang mạng sẽ giảm đi đáng kể. 

Để làm được điều đó, nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như các sân chơi, các câu lạc bộ, các nhóm làm việc... Đây là một trong những cách giúp hạn chế ảnh hưởng không tốt của các trang mạng xã hội đến giới trẻ nhà trường.

(Theo Zing)