Học tập ở môi trường khang trang, trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp, địa phương để bắt nhịp ngay môi trường làm việc ngay khi ra trường… là lợi thế của sinh viên khi ĐH Mở TP.HCM thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Đào tạo theo hướng ứng dụng

Ngày 12/6/2015, Trường ĐH Mở TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017. Theo lãnh đạo Nhà trường, Trường đã và đang thực hiện đổi mới hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

{keywords}

Một thách thức lớn trong thời gian qua của trường là học phí bị giới hạn trong khung quy định của cơ sở đào tạo công lập và những ràng buộc về thủ tục, quy trình khiến Trường khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Nghị định 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ đã mở ra một cơ hội lớn cho trường để phát triển. Tự tin vào các tiền đề đã có, Trường mạnh dạn lập đề án trình Chính phủ và đã được Chính phủ phê duyệt ngày 12/6/2015.

{keywords}

Trên cơ sở hội thảo về đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng giữa các Khoa đào tạo với chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp… Trường bắt đầu triển khai các đổi mới về đào tạo từ khóa mới.

Theo đó, ĐH Mở TP.HCM xác định lại mục tiêu đào tạo của các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, trong đó chỉ rõ các kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết của sinh viên khi ra trường đi kèm với các địa chỉ làm việc cụ thể từng ngành, chuyên ngành đào tạo.

{keywords}

Đưa vào chương trình đào tạo các nội dung gắn kết với thị trường lao động thông qua mạng lưới quan hệ rộng rãi của Trường với các doanh nghiệp, địa phương, tổ chức nghề nghiệp. Cụ thể là các chương trình đem thực tiễn vào Nhà trường và đem sinh viên vào thực tiễn.

Trong chương trình thứ nhất, sinh viên trong nhiều môn học được nghe báo cáo và thảo luận về thực tế với những chuyên gia từ bên ngoài sau khi đã được trang bị lý thuyết. Trong chương trình thứ hai, sinh viên được trải nghiệm thực tế qua các đợt tham quan, kiến tập, khảo sát thực tế, thực tập… trong từng năm học để có thể quen thuộc với môi trường làm việc ngay khi ra trường.

Ngoài ra, trường sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp huấn luyện kỹ năng trong suốt chương trình đào tạo; bao gồm các kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng mềm như thích nghi, truyền thông, quản lý thời gian, quan hệ đối nhân…

Cải thiện môi trường học tập và hỗ trợ sinh viên

Cải thiện môi trường học tập

Bên cạnh việc xác định lại định hướng đào tạo, ĐH Mở TP.HCM cũng kế hoạch cải thiện điều kiện học tập cũng như bảo đảm lợi ích của sinh viên. Trong đó trước tiên là đưa vào sử dụng cơ sở mới khang trang từ năm học 2015-2016.

Đồng thời, trường sẽ đẩy mạnh tổ chức lớp học các môn chuyên ngành với quy mô hợp lý cho phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm.

Gia tăng lợi ích sinh viên

Đặc biệt, trường có kế hoạch cấp 500 suất học bổng khuyến khích học tập và vượt khó cho sinh viên khóa mới, bên cạnh 20 suất học bổng tài năng từ 120%-200% học phí dành cho các sinh viên có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2015.

Triển khai các hoạt động định hướng và tư vấn nghề nghiệp ngay từ năm đầu tiên và trong suốt quá trình học tập để chuẩn bị tốt cho sinh viên tiếp cận thị trường lao động sau khi ra trường.

Thành lập từ năm 1990, Trường thường được biết đến dưới tên ĐH Mở bán công TP.HCM. Năm 2006, Trường trở thành cơ sở đào tạo công lập với tên gọi Trường ĐH Mở TP.HCM.

Là trường tự chủ về tài chính ngay từ khi thành lập, với nguồn lực có hạn của mình, Trường chủ động cân đối để đầu tư phát triển từng bước, cả về đội ngũ giảng viên,chương trình đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp.

Đến tháng 12/2014 trường có hơn 400 giảng viên với hơn 100 tiến sĩ, bên cạnh đó còn gần 50 giảng viên đang theo học các chương trình nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 17 ngành bậc đại học, 5 ngành bậc thạc sĩ và bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2013.

Văn Hùng