- 185 giáo viên mầm non huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị cắt hợp đồng sau 34 tháng công tác đã gửi đơn kêu cứu đến một số cơ quan báo chí.

Theo đơn thư phản ánh thì 185 giáo viên khi nhận quyết định nhận vào các trường mầm non trong huyện dạy học theo quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Sóc Sơn vào ngày 01/9/2012 có điều khoản: "Các giáo viên phải tham gia một kỳ thi tuyển gần nhất tại đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng, nếu tham gia kỳ thi mà không đỗ hoặc không tham gia kỳ thi đó sẽ bị cắt hợp đồng".

Tới năm 2013-2014, huyện có tổ chức một kỳ thi viên chức dành cho các giáo viên có bằng tốt nghiệp khá, giỏi tham gia. Đáng chú ý là có một số giáo viên trong số 185 giáo viên gửi đơn kêu cứu cũng tham gia kỳ thi đó nhưng không đỗ mà vẫn tiếp tục được giảng dạy tại trường.

  {keywords}

Các giáo viên mầm non ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội trao đổi với PV.

Năm học 2013-2014 toàn bộ giáo viên không tham gia kỳ thi tuyển viên chức cũng vẫn được giữ lại tại trường mầm non để tiếp tục chương trình dạy học của mình. Công việc lên lớp của những giáo viên này được duy trì đến năm học 2014-2015 vì huyện thiếu giáo viên.

Đến cuối năm 2014 huyện lại tiếp tục có một kỳ thi viên chức nữa và 185 giáo viên đã tham gia thi nhưng không đỗ và lại tiếp tục được giữ lại công tác cho đến hết năm học 2014-2015.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2014, tất cả các giáo viên trên đều nhận được thông báo của phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn đưa về các trường với nội dung như sau: UBND huyện và phòng Nội vụ giao cho hiệu trưởng các trường ký thanh lý hợp đồng với các giáo viên đang làm hợp đồng, tiếp tục gia hạn đối với các giáo viên đó và ký thêm hợp đồng làm việc 6 tháng kể từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 30/06/2015.

Đến ngày 01/7/2015, 185 giáo viên mầm non ký hợp đồng dạy học nhận được thông báo của phòng Nội vụ Sóc Sơn gửi về trường với nội dung: "Yêu cầu kế toán các trường không đưa danh sách các giáo viên hợp đồng vào bảng lương quý 3".

Ngày 13/7/2015 tất cả các giáo viên mầm non đang ký hợp đồng và các hiệu trưởng các trường mầm non trong huyện được mời đến Hội trường UBND huyện nghe thông báo cắt toàn bộ hợp đồng đối với 185 giáo viên đã được ký hợp đồng dạy học trước đó.

Cũng trong đơn thư phản ánh của các giáo viên, qua 34 tháng công tác tại các trường của 185 giáo viên, mỗi trường lại có những cách ký hợp đồng khác nhau, có trường chỉ ký duy nhất 1 lần, có trường trong vòng 34 tháng lại ký 3 lần hợp đồng. Và đến thời điểm này thì toàn bộ 185 giáo viên chưa nhận được bản thanh lý hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng lao động nào từ UBND hay phòng Nội vụ.

Chính vì vậy, 185 giáo viên này đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, lo lắng vì chưa biết cụ thể nội dung công việc tiếp theo của mình sẽ như thế nào?

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn 'lấy làm tiếc'

Chiều 30/7, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Xuất- Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Sóc Sơn cho rằng, công đoàn ngành không thể có tiếng nói gì bảo vệ giáo viên khi tất cả các cô kí hợp đồng với nhà trường. Điều khoản cũng nêu về trường hợp giáo viên bị cắt hợp đồng nếu không đáp ứng được điều kiện.

Trong khi đó, tại buổi thông báo với 185 giáo viên cùng lãnh đạo các trường mầm non ngày 13/7, ông Hồ Việt Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn cho biết, việc cắt hợp đồng với các giáo viên thực hiện theo công văn số 5686/UBND-NC ngày 31/7/2014 của UBND TP Hà Nội về việc chấn chỉnh công tác quản lý biên chế, tiền lương CBCC các sở, ban, ngành. Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu các quận huyện tránh sử dụng hợp đồng lao động thay thế cho các công chức viên chức. Để giáo viên có thời gian chuẩn bị, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các trường kí tiếp hợp đồng với các giáo viên cho đến hết năm học (tháng 6/2015).

Phó Chủ tịch Lê Hữu Mạnh cho biết: "Chúng tôi lấy làm tiếc phải thực hiện việc này" nhưng quyết định trước đó của UBND TP nêu rõ.

Trước băn khoăn của giáo viên quyết định của họ ghi không thời hạn, ông Mạnh cho biết nội dung cũng ghi rõ nếu trường các cô đang công tác còn chỉ tiêu, các cô đăng ký thi và không vượt qua kỳ tuyển dụng thì phải cắt hợp đồng.

"Đáng lẽ chúng tôi phải làm cương quyết từ năm 2013 khi thi tuyển xong, trường hợp nào không đỗ phải cắt ngay hợp đồng" - lời Phó Chủ tịch Lê Hữu Mạnh.

Về việc nhiều giáo viên đã gần đủ 36 tháng để đủ điều kiện xét đặc cách, ông Mạnh cho biết: "2 năm qua việc xét đặc cách qua thi tuyển và xét tuyển về cơ bản đã giải quyết hết cho các giáo viên mầm non có thời gian công tác ở trường từ ít nhất 3 năm trở lên. Kỳ thi vừa qua cũng là lần cuối huyện xét đặc cách đối với các giáo viên này. Nếu chúng tôi kéo dài việc này trong năm tới thì huyện sai. Việc các cô nói huyện không tính toán đến quyền lợi các hợp đồng của giáo viên là không đúng. Chuyện rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải quyết định."

Văn Chung