- Một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Điều lệ trường tiểu học sửa đổi là nhắc lại quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều ao ước bấy lâu của nhiều trường ở các thành phố lớn nhưng thực tế không khả thi.

Có con đang học ở một lớp có gần 60 cháu tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), chị Hoàng Lan không khỏi lo lắng.

Nhiều học sinh thấp bé khi bị xếp ngồi dưới lớp sẽ gặp khó khăn khi tiếp thu bài giảng. Hiện ở các lớp tiểu học, giáo viên vẫn luân phiên đổi chỗ học sinh sau 2-3 tuần.

“Đây đâu phải điều gì mới. Điều lệ trường tiểu học (năm 2010) đã quy định lớp học không quá 35 em nhưng có thấy trường nào, lớp nào ở Hà Nội cân đối được sĩ số đó” – chị Lan nói.

{keywords}
Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Chung).

Lớp học đông, theo chị Lan sẽ dẫn tới nhiều cái khó.

Thứ nhất, cô sẽ không bám sát được từng em, nên hiệu quả học chắc chắn là thấp hơn. Do đó, về nhà bố mẹ phải đánh vật với con nhiều hơn để bù vào những thiếu hụt trên lớp. Thứ hai, từ hệ quả của việc thứ nhất sẽ dẫn tới tình trạng học thêm ở tiểu học, hoặc các con phải học ở nhà nhiều là do lớp quá đông.

Cho dù các con được học 2 buổi/ ngày nguyên tắc là về nhà không cần phải học bài, làm bài tập nữa nhưng thực tế không phụ huynh nào dám thực hiện như thế, vì biết rằng không thể đòi hỏi cô giáo quá cao khi mà 50-60 học sinh/lớp.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sĩ số lớp đông, theo anh Hoàng Việt (Thanh Xuân, Hà Nội) là do tâm lí chọn trường chọn lớp cho con khá phổ biến.

Việc triển khai quy định trên ở các vùng nông thôn không khó, nhiều vùng khó khăn còn không đến 35 học sinh mỗi lớp. Riêng đối với đô thị lớn thì việc tăng cơ sở vật chất trường học không thể tương ứng được với tốc độ tăng dân số.

{keywords}
Học sinh tiểu học ở Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văm Chung).

Cố gắng mỗi năm giảm được 1 học sinh/ lớp

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cũng than thở: “Quy định yêu cầu chúng tôi phải nhận hết các cháu trên địa bàn, thậm chí chỉ cần có bố mẹ tạm trú ở đó và có xác nhận của công an phường. Hàng năm các lớp đều quá tải, sĩ số lúc nào cũng trên dưới 60 cháu”.

Từ thực tế đứng lớp, cô Minh giáo viên chủ nhiệm lớp 5 với gần 60 học sinh chia sẻ mỗi khi bố trí lớp học nhóm, chia tổ cô đều gặp khó trong việc quan tâm các em. Vừa qua, với việc triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư 30 khiến khối lượng công việc của cô thêm vất vả.

Cô phải hoàn thành tổng kết vào học bạ cho gần 60 học sinh, làm ngày đêm đến gần 1 tuần mới xong. Chuyện thầy cô phải thức thâu đêm hoàn thành sổ sách đã trở thành ám ảnh với không chỉ cô mà nhiều giáo viên trong trường.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Long Biên cho rằng, quy định trên không phải mới. Vấn đề là lãnh đạo địa phương phải quyết tâm thực thi để giảm sĩ số hiện tại.

Đối với Long Biên, quận đã có chương trình xây dựng đầu tư công từ nay đến năm 2020 với cố gắng mỗi năm giảm được 1 em/lớp. Bên cạnh đó, quận này cũng thường xuyên điều tra, dự báo số học sinh ở các cấp học trong ít nhất 5 năm để có kế hoạch dành quỹ đất xây mới trường học.

“Nếu không phán đoán kịp thời thì vừa qua chúng tôi có nguy cơ vỡ trận tuyển sinh khi dân số tập trung về các khu đô thị mới như Việt Hưng, Sài Đồng, Thạch Bàn tăng đột biến” – vị lãnh đạo này cho biết. Phân tuyến tuyển sinh chỉ là giải pháp tình thế. Nếu tổng số học sinh tăng thì không có giải pháp nào ngoài tăng tổng số trường, giảm số lớp và sĩ số học sinh.

Năm qua, quận Long Biên đã xây dựng thêm 2 trường tiểu học mới và nâng số lớp ở các trường thành quy mô chuẩn quốc gia với đủ 30 lớp học. Tổng số phòng học được xây mới ở quận này năm qua đạt gần 100 lớp đáp ứng có trên dưới 4000 chỗ học mới.

Thêm trường vẫn không đủ chỗ học

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trong hai năm qua, quận Cầu Giấy xây thêm 3 trường mới, các quận khác như Thanh Xuân cũng xây mới và mở rộng thêm phòng học nhưng vẫn không kịp với tốc độ tăng dân cư, khiến sĩ số các lớp học vẫn vượt quá 35 cháu trên mỗi lớp.

Trong khi ít lần họp báo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi trả lời về vấn đề này cũng đã khẳng định “Bộ có biết việc này (sĩ số lớp vượt 35 em - PV)

Trên thực tế, ở các thành phố lớn, số học sinh ngày càng một đông lên do hiện tượng di cư làm gia tăng dân số cơ học. Việc tốc độ xây trường không theo kịp tốc độ tăng dân số là trách nhiệm của UBND các thành phố đó. Nhưng với Bộ GD-ĐT, mọi trẻ em đều phải được đi học.

Câu chuyện “hành khách đông nhưng xe vẫn phải chạy, không thể loại em nào xuống” vẫn được lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội hay các thành phố lớn đưa ra để lí giải cho việc họ phải buộc chấp nhận giải pháp sĩ số tăng để đảm bảo quyền lợi được đi học cho các cháu.

  • Văn Chung

Quy định 35 học sinh/lớp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục tối thiểu

Tại dự thảo điều lệ học sinh tiểu học vẫn giữ quy định trong điều lệ đã ban hành về sĩ số không quá 35 học sinh/lớp. Nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên cho rằng quy định này lạc hậu so với thực tế, vì sao không điều chỉnh?

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT): Hiện nay tại một số trường ở thành phố lớn, sĩ số học sinh/lớp của một số trường tiểu học ở mức cao, nhiều nơi trên 50 học sinh/lớp. Tuy nhiên, điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành áp dụng trên toàn quốc, căn cứ vào mục đích, chương trình giáo dục và đối tượng học sinh chứ không thể căn cứ vào tình trạng ở một số nhà trường để “nắn” quy định theo.

Với chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, việc quy định sĩ số không quá 35 học sinh/lớp là phù hợp với khả năng đầu tư, yêu cầu dạy học, tâm sinh lý học sinh và khả năng bao quát, thực hiện nhiệm vụ dạy học của giáo viên. Đây là quy định nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục tối thiểu.

Ở những nước tiên tiến, một lớp học tiểu học thường không quá 25 học sinh. Trên thực tế nước ta, tại nhiều trường, sĩ số học sinh tối đa chỉ ở mức 35 học sinh/lớp, có thể còn thấp hơn.

Những nơi có sĩ số vượt quá quy định này, lãnh đạo ngành GD-ĐT của các địa phương đó phải có giải pháp và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên, mở rộng mạng lưới trường học, thực hiện nghiêm túc quy định tuyển sinh để đảm bảo thực hiện đúng quy định này.

Cá nhân tôi đề xuất ở những nơi tạm thời chưa giảm được sĩ số học sinh như quy định thì cấp chính quyền hỗ trợ ngành giáo dục có thể bố trí hai giáo viên một lớp.

(Theo Vĩnh Hà - Tuổi Trẻ)