Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học mới với nhiều thay đổi quan trọng trong đánh giá học sinh và cách tổ chức mô hình lớp học.

 

Sẽ có chủ tịch hội đồng tự quản

Theo dự thảo, mỗi lớp sẽ có không quá 35 học sinh. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học.

{keywords}
Một tiết học của học sinh theo mô hình VNEN ở Cà Mau. (Ảnh: Văn Chung).

Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Những lớp cùng trình độ lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung.

Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép học sinh nhiều trình độ. Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh.

Tổ chức lớp học với "Chủ tịch hội đồng tự quản" và các ban (như ban thể thao, ban văn nghệ, ban học tập...) là cách mà mô hình trường học mới (VNEN) đang được Bộ GD-ĐT thí điểm ở hàng ngàn trường tiểu học trên cả nước, theo một dự án vay vốn ODA.

Dự thảo điều lệ trường tiểu học mới cũng quy định tăng quyền của học sinh, trong đó nhấn mạnh các em được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.

Học sinh được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định.

Không công bố tên học sinh có khuyết điểm trước lớp

Dự thảo đưa ra nhiều quy định theo tinh thần của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Khác với trước, trường tiểu học phải tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện, không tập trung vào kết quả đánh giá cuối kì, cuối năm. Hiệu trưởng trường tiểu học xác nhận trong học bạ Hoàn thành chương trình tiểu học; kết quả đánh giá của học sinh được tổ chức bàn giao cho trường trung học cơ sở cùng địa bàn.

Học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lí giáo dục khen thưởng theo các hình thức: Khen trước lớp; Khen trước toàn trường; Tặng giấy khen.

Đối với học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp và tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; Thông báo với gia đình nhằm giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền

Dự thảo cũng quy định các hành vi giáo viên không được làm như ép buộc học thêm thu tiền, cố ý đánh giá sai học sinh.

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp.

2. Xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam; dạy sai nội dung, kiến thức.

3. Cố ý đánh giá sai chất lượng giáo dục của học sinh.

4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

5. Uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường, sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp.

6. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén chương trình giáo dục

Văn Chung