- Ngay sau khi kết thúc 4 ngày thi, các cụm thi sẽ bắt tay ngay vào việc làm phách và chấm thi. Có cụm đã thực hiện làm phách theo hình thức cuốn chiếu, xong môn nào làm luôn môn đó.

Phải xong trước 20/7

Tại nhiều cụm thi khác nhau trên cả nước cũng có kế hoạch rọc phách bài thi song song với quá trình tổ chức thi để kịp thời hạn bởi số bài thi của thí sinh năm nay nhiều hơn những năm trước rất nhiều do năm nay số môn thi tăng gấp 3 lần. Thời hạn chót cho các cụm thi nộp kết quả lên Bộ GD-ĐT phải kết thúc công tác này là 20/7.

Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ lợi cho biết, theo kế hoạch, từ chiều ngày 1/7, bài thi của các môn đã thi xong được rọc phách để chấm thi.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Văn Chung)

Ông Vũ Ngọc Huyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết cụm thi này sẽ bắt đầu rọc phách từ ngày 5/7. Ngày 9/7 tập huấn cán bộ chấm thi. Và tới ngày 10/7 sẽ bắt đầu chấm. Lực lượng cán bộ chấm thi của Học viện tương đối đủ.

Ngoài ra, Học viện còn kết hợp với giáo viên của Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở GD-ĐT Bắc Ninh để chấm những môn Học viện không có người chấm như Tiếng Đức, Tiếng Nhật, và một số môn tự luận để đảm bảo tính khách quan như Ngữ Văn, Lịch sử.

Trường ĐH Hồng Đức cho biết với cụm thi do trường này chủ trì, công tác chấm thi sẽ bắt đầu từ ngày 10 – 20/7. Trường phấn đấu đến ngày 20/7 sẽ chấm xong để có kết quả xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ theo đúng kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Cụm thi này điều động khoảng 600 cán bộ tham gia công tác chấm thi, là giảng viên và cán bộ của Trường ĐH Hồng Đức, giáo viên THPT của Sở GD-ĐT Ninh Bình, Sở GD-ĐT Thanh Hóa (chấm các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý). Ngoài ra có 1 bài thi tự luận Tiếng Nhật đề nghị Bộ GD-ĐT giới thiệu nơi chấm thi.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, thì từ ngày 5/7 trường sẽ triển khai luôn khâu chấm thi. Kế hoạch là tới ngày 18/7 sẽ hoàn thành khâu này.

Ông Tuấn cũng cho biết dự kiến có 96 cán bộ chấm thi, trong đó một nửa là giảng viên của trường, nửa còn lại sẽ nhờ giáo viên phổ thông của Sở GD-ĐT Hà Nội và và Sở GD-ĐT Hòa Bình. Riêng phần luận bài thi ngoại ngữ các tiếng Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức, trường sẽ gửi về Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội nhờ chấm…

Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc triển khai các công tác liên quan đến chấm bài thi của thí sinh đã được bắt đầu ngay từ ngày 2/7 bằng việc. Dự kiến đến 15/7 công tác chấm thi sẽ hoàn thành.

Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết việc chấm thi của trường sẽ bắt đầu vào ngày 6/7. Năm nay trường huy động tổng số 150 cán bộ của trường, Trường ĐH Khoa học Xã hội &Nhân văn và 1 trường THPT hỗ trợ chấm thi.

Dự kiến trước ngày 20/7 công tác chấm thi sẽ hoàn thành.

Tại cụm thi Học viện Kỹ thuật quân sự, Phó Giám đốc Lê Minh Thái cho biết trong ngày 5/7 học viện sẽ tiến hành dọc phách bài thi tự luận của thí sinh. Công tác chấm thi dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 15/7.

Cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì dành cho thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có đến hơn 37.000 thí sinh dự thi.

Theo ông Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, do số lượng thí sinh dự thi lớn nên hội đồng thi quyết định dồn túi bài thi, làm phách theo hình thức cuốn chiếu ngay từ ngày 2/7.

Với số lượng bài thi lớn, Trường ĐH Vinh sẽ huy động cả giáo viên nhà trường và giáo viên từ các sở GD-ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia chấm thi.

Trước đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT địa phương tỏ ra khá băn khoăn về việc chấm thi chặt – lỏng giữa các cụm thi địa phương – cụm thi đại học và ngay cả giữa các cụm thi đại học với nhau.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng có dư luận băn khoăn về việc các cụm thi chấm lỏng, chặt khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Đam, barem chấm thi Bộ ra chính xác, các điểm thi nghiêm túc thực hiện sẽ không phải lo lắng về vấn đề này.

Bài thi được chấm ra sao

Theo Quy chế, bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm liệt là 1,0.

Bài thi của thí sinh được chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.

Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau:

{keywords}

Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định về chấm thi có rất nhiều khâu, từ chấm thử, chấm lại trong chấm thi giúp chủ tịch hội đồng chấm điều chỉnh kịp thời cách chấm cũng đã có. Nên địa phương, thí sinh cũng yên tâm công tác này sẽ được tiến hành hoàn toàn công bằng, khách quan.

Các đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015:

Xét tuyển nguyện vọng 1: Từ ngày 1/8 đến 20/8 và công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25/8.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1: Từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9 và công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/9.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2: Từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10 và công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10/10.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3: Từ ngày 10/10 đến hết ngày 25/10 và công bố điểm trúng tuyển trước ngày 30/10.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 4 dành cho các trường cao đẳng: Từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11 và công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/11.

Các trường ĐH-CĐ và các sở GD-ĐT báo cáo kết quả tuyển sinh 2015 về Bộ GD-ĐT chậm nhất là ngày 31/12/2015.

  • Ngân Anh – Văn Chung