- Sáng ngày 2/7, có một nhóm 5, 7 phụ huynh ngồi trò chuyện rôm rả trong quán nước trước công trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân.

Đây là điểm thi của Sở GD-ĐT Hà Nội, dành cho những thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp.

Sau 3 buổi thi, nhóm phụ huynh này đã trở nên rất thân quen. Không biết có phải vì mục tiêu thi cử của con cái không quá cao, mà tâm trạng của những phụ huynh này khá thoải mái, không có vẻ căng thẳng như những phụ huynh chờ con ở các điểm thi đại học.

Họ nói đủ thứ chuyện, nhưng chủ yếu vẫn là việc các con làm bài tốt hay không, có đủ điểm để cầm tấm bằng tốt nghiệp không, tới việc: “Bọn học đại học, có tận hai, ba bằng, ra trường vẫn thất nghiệp đầy ra”.

{keywords}

Chị Sinh (áo trắng): "Mình ở nhà chân lấm tay bùn nhưng đưa con đi thi cũng phải ăn mặc đẹp một tí".

Một chị vừa kể chuyện vừa cười như mếu: “Hôm qua thằng con thi xong môn Toán, bảo làm được 6 câu. Nhưng tối về so với mấy cái đáp án trên mạng, lại tiu ngỉu bảo chắc con chỉ được 2 điểm”.

Hai, ba người gật gù bảo con mình cũng không làm được mấy, rồi trấn an nhau rằng “Các ông ở Bộ Giáo dục đã bảo chỉ 3 điểm một môn là đỗ tốt nghiệp rồi mà, lấy môn nọ bù môn kia, không lo lắm đâu”…

Xòe hai bàn tay ra, chị Bùi Thị Mai ở Từ Liêm “khoe”: Đây này, đưa con đi thi mà móng tay tôi vẫn đen sì vì cấy lúa với hái rau đây này. Sáng nay, đón con về buổi chiều lại phải ra đồng làm tiếp. Ngày kia mới phải đưa nó đi thi nốt môn cuối”…

Khi câu chuyện xoay đến việc tại sao con không chịu học đại học, chị Nguyễn Thị Kim Sinh, ở Xuân Đỉnh, phân trần: “Mình cũng rất muốn con học đại học chứ. Đã hướng con theo nghề bác sĩ, giáo viên, rồi mấy trường nữa rồi. Nhưng con nhất định không chịu, nó bảo là nó biết sức của nó không học được mấy ngành đấy”. “Lúc con quyết định không thi đại học, vợ chồng chị thấy thế nào?”. “Mình cũng buồn, ai mà chả muốn con học hành giỏi giang đỗ đạt cao. Nhưng thôi đành phải theo ý con. Chồng mình cũng bảo kệ nó. Đọc báo thấy có em bị bố mẹ ép học nên tự tử, mình sợ lắm. Nuôi con mười mấy năm trời, cưng nó như trứng mỏng chẳng bắt làm gì, chỉ việc học, giờ mà ép nó có làm sao thì mình chết à?”.

Chị Nguyễn Thị Lệ, cũng ở Xuân Đỉnh, thì tặc lưỡi: “Nó không chịu học thì mình có muốn cũng chẳng làm được gì. Nó cứ lấy được cái bằng tốt nghiệp cho yên tâm rồi tính tiếp”.

Cậu con trai của chị Lê Thị Ngoan, ở Dũng Tiến, Thường Tín, cũng chưa có nguyện vọng học lên cao hơn vào thời điểm này. “Xã chúng tôi có nghề thủ công, thêu may kết cườm, nhiều việc lắm. Thằng con tôi cũng làm máy thêu nhiều năm rồi, nó muốn tiếp tục làm công việc này để kiếm tiền chứ không muốn học đại học ngay, vì thấy nhiều anh chị học xong mãi vẫn chưa có việc làm, cũng phải nhận hàng thêu về làm thêm”…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nếu như mọi năm có khoảng 20% học sinh lớp 12 không thi ĐH, CĐ thì năm nay, tỉ lệ này đã tăng lên 30%.

“Con gái tốt nghiệp xong muốn đi học thêm thanh nhạc rồi thi vào trường cao đẳng nghệ thuật. Mình sẽ cho nó làm hết những điều nó muốn. Nếu làm không xong mới bắt về làm nông với bố mẹ. Nhà mình có cả ao nuôi cá, có đất trồng rau – mỗi buổi sáng hái 60 bó đi bỏ ở các chợ quanh đấy, ngan, gà, vịt đủ cả, có cả 3 con chó với 6 con mèo…” – chị Sinh tính đường đi nước bước tiếp theo cho cô con gái…

Còn nửa tiếng nữa mới kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, nhưng Nguyễn Thị Phượng, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đã làm xong bài và ra sớm. Gọi chai nước ngọt, vừa uống Phượng vừa góp chuyện. Em cho biết bố mẹ bắt em học đại học nhưng em không thích, mà muốn tốt nghiệp xong sẽ đi làm ở một công ty điện tử để tích lũy rồi mở cửa hàng kinh doanh riêng.

“Trước đây em vẫn định thi vào trường cao đẳng y tế, nhưng từ giữa năm lớp 12, em không còn mong muốn đó nữa. Cả nhà phản đối quyết định không thi đại học của em, nhưng em vẫn nhất định làm theo ý mình. Em không áy náy gì lắm với bố mẹ đâu, vì tính em đã muốn thì em sẽ làm bằng được. Cũng may, sau rồi bố mẹ cũng không gây áp lực cho em nữa”.

{keywords}
Mệ con chị Lê Thị Ngoan ra về sau buổi thi Ngữ văn

Chẳng hiểu đầu cua tai nheo phương thức thi cử mới cũ thế nào, mấy bà mẹ này chỉ mong con làm bài suôn sẻ. “Ôi chúng tôi cứ nói cười như vậy nhưng mà cũng lo lắm đấy. Nuôi nó học mười mấy năm trời tốn bao nhiêu tiền mà giờ cái bằng tốt nghiệp cũng không có thì không xong”.

Trước khi đứng dậy ra cổng trường ngóng con, chị Lệ còn rất “ngây thơ” nhắc đi nhắc lại, “Các nhà báo hãy viết đề xuất của chúng tôi với Bộ GD-ĐT là cố gắng sắp xếp cho các cháu làm lại bài thi môn toán, để các cháu đạt điểm cao lên một tí, lấy được cái bằng tốt nghiệp cho yên tâm”!

  • Ngân Anh

Toàn cảnh ngày thứ hai thi THPT quốc gia

Thông tin từ 97 cụm thi trong cả nước, nhận định đề thi của chuyên gia, xu hướng làm bài và những câu chuyện cảm động của ngày thi thứ hai được VietNamNet cập nhật chi tiết.

Toàn cảnh ngày thứ nhất thi THPT quốc gia

Sáng 1/7, thí sinh bước vào ngày đầu kỳ thi THPT quốc gia kéo dài 4 ngày (1,2,3,4/7).