Hàng năm, bên cạnh một lượng lớn cử nhân đại học sư phạm ra trường tìm việc, thì còn một lực lượng đông đảo cử nhân cao đẳng sư phạm ở 63 tỉnh/ thành xung vào đội ngũ những người kiếm tìm cơ hội để được đi dạy.

Quê tôi là một huyện nhỏ của tỉnh miền núi phía Bắc. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, không có tiền, không quen biết.

Tôi thi vào sư phạm theo định hướng của bố mẹ. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, nhưng không muốn tôi phải chân lấm tay bùn mà vất vả như mình, nên muốn tôi thi vào sư phạm hoặc y, vì hai nghề này thời đại nào cũng cần, công việc ổn định, không phải lo lắng.

Tôi nghe lời, nhưng cũng được chọn ngành mình yêu thích là Tiếng Anh. Khi học, khi tiếp xúc với các em nhỏ, tôi đã thật sự yêu thích công việc này.

Nhưng yêu thích công việc là chuyện… của tôi. Nhưng tìm cách để được làm công việc yêu thích thì không phụ thuộc vào tôi nữa rồi, dù tôi có thể tự hào về lực học của mình, cũng như khả năng thực hành, vì tôi đi dạy kèm từ năm thứ hai, và kết quả thực tập của tôi rất tốt.

{keywords}
  Được đứng lớp là mơ ước của đa số cử nhân sư phạm (Ảnh Văn Chung)

Trước khi tôi thi tốt nghiệp, mọi người trong gia đình đã có buổi nói chuyện, và xác định, nếu biết ở đâu có chỉ tiêu để xin việc cho tôi thì chỉ có cách nhờ tới các chú – là người có điều kiện kinh tế vì có công ty riêng, có quen biết trong huyện - giúp đỡ.

Tâm sự với các bạn trong lớp, bạn nào cũng xác định xu hướng chung là khó xin việc, muốn xin cần có tiền. Thi công chức không dễ, chỉ tiêu chẳng bao nhiêu, mà vào làm lương thấp, nhưng cho đến lúc này ai cũng quyết tâm sẽ thi khi đến đợt tuyển dụng.

Lớp tôi có 25 người thì chỉ có 2 người có cơ hội sớm có việc làm đúng ngành. Lý do là 2 bạn này thuộc dạng “con ông cháu cha”, có người nhà làm trong ngành. Tuy nhiên, cả hai bạn đó đều không thích học sư phạm, mà phải học theo định hướng của gia đình là ra trường có chỗ làm việc, nên các bạn đó học không tập trung, nên không đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Như vậy, năm nay 100% sinh viên lớp tôi ra trường trước mắt không ai thấy “cửa” có ngay việc làm.

Mọi người đừng cho rằng chúng tôi kén chọn, không chịu về vùng sâu vùng xa mà chỉ muốn ở lại thành phố nên mới không có việc. Nhưng sâu hay xa cũng là chỗ những người “không tiền, không quan hệ” như tôi đừng hòng với tới. Những anh chị khóa trước đã bảo rằng về vùng sâu vùng xa bây giờ thậm chí còn khó hơn về thành phố, vì sẽ được hưởng phụ cấp nhiều hơn trong khi điều kiện sinh hoạt ở những vùng đó đã được cải thiện rất nhiều.

“Phương án” dạy hợp đồng không chỉ tôi mà các bạn cùng khóa đều đã tính đến, nhưng thực tế, chúng tôi thấy cũng khó khăn chả kém thi biên chế. Mà cũng không phải có tiền là xin được, còn phải quen biết quan hệ rất… lằng nhằng may ra mới được một chỗ.

Từ nay đến một ngày “đẹp trời” nào đó, khi có một chỗ dạy trong một ngôi trường, tất cả chúng tôi xác định là sẽ phải xoay xở tìm việc làm tạm thời để sống.

Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục với công việc gia sư trong thời gian tới. Vào năm học, chỉ có thể đi dạy kèm vào buổi tối, nên ban ngày tôi sẽ làm những công việc như thu ngân, bán hàng ở một số cửa hàng mà tôi đang “nhắm” để xin việc.

Đấy là may mà tôi còn học ngành Tiếng Anh, là một ngành mà bây giờ mọi người cho con học thêm nhiều, nên cơ hội đi gia sư của tôi không quá hiếm hoi. Chứ các bạn học mấy ngành sử, địa thì “bi đát” lắm. Có bạn đã cho biết nếu như các nhà máy lớn có đợt tuyển công nhân sẽ đăng ký tuyển.

Hỏi tôi có buồn vì thất nghiệp kiểu này không ư? Cho đến giờ tôi chỉ thấy mình không may mắn, không gặp thời. Nếu một lúc nào đó, tôi không thể bám trụ với kiểu làm mấy nghề một lúc như hiện nay, bỏ hẳn mà theo một nghề khác, cứ cho là vẫn dùng tới vốn liếng Tiếng Anh đi, khi đó tôi mất phần “dạy”, chắc là tôi sẽ cảm thấy đáng tiếc lắm, vì tôi thực sự yêu thích công việc dạy dỗ đám trẻ nhỏ.

Ngân Anh ghi theo lời của một tân cử nhân cao đẳng sư phạm 

“Tôi có đam mê và lòng yêu mến các em nhỏ, nên dù biết nghề sư phạm khó xin việc, tôi vẫn quyết định thi vào. 4 năm học trong trường, tôi vui vì được giáo dục nghiêm khắc, tạo cho mình những hành vi chuẩn mực nhất của xã hội, được mọi người nói sinh viên sư phạm ngoan hiền... Nhưng bên cạnh đó tôi cũng có nhiều lo lắng, bởi mỗi lúc ai hỏi “Em học ngành gì?”, nghe tôi trả lời, mọi người đều thốt lên “Ôi sư phạm hả? Khó xin việc lắm”, nghe mà thấy rất buồn.

Tới lúc tốt nghiệp, tôi mới hoang mang khi đối mặt với việc tìm kiếm chỗ làm. Gia đình tôi không có điều kiện kinh tế cũng như quen biết, nên tôi chỉ mơ được về dạy học ở xã, hay vùng sâu vùng xa cũng được.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần chờ việc trong thời gian dài. Cũng như nhiều bạn khác, tôi đã tính cả tới việc sau này sẽ phải làm trái ngành, trái nghề.

Tôi chỉ mong muốn Nhà nước hãy bố trí cho mọi người ra trường đều có công việc, vì đã đào tạo ra thì phải có chỗ làm chứ đừng đào tạo ra rồi làm khó dễ, không sắp xếp việc làm cho mọi người, nhất là đối với những ngành đặc thù như sư phạm.

Hồng Phương (tân cử nhân đại học sư phạm)

Những ngành sư phạm tạm dừng xét tuyển

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trong tuần qua, bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết UBND tỉnh có khuyến cáo hạn chế việc tuyển giáo viên THCS, THPT vì hiện nay tỉnh chỉ thiếu giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, tỉnh thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, bác sĩ.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, năm nay trường quyết định sẽ tạm ngừng xét tuyển một số ngành sư phạm. Có thể tương lai trường cũng sẽ không đào tạo các ngành này nữa vì tỉnh không có nhu cầu.

Theo PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, năm nay, căn cứ trên nhu cầu nhân lực do Sở GD-ĐT cung cấp, trường quyết định sẽ không đào tạo ngành giáo dục thể chất.  

(Theo Đăng Nguyên - Thanh Niên số ra ngày 6/7/2015)