- Một lần, tôi đi cùng đoàn cán bộ của Bộ GD-ĐT xuống một trường đại học làm việc, trong đoàn có một anh (tạm gọi là anh Bảo), trước là nhân viên trường này, sau lên Bộ GD-ĐT làm, rồi lên chức vụ phó.

Trong lúc làm việc, một vài cán bộ ngồi phía sau hất cằm lên phía hàng nghế đầu, nơi có anh Bảo ngồi, nói: "Bảo đấy, trước làm cùng phòng với mình". Anh phía sau cười khẩy, giọng bâng quơ: "Nó đấy à, ghê nhỉ!". Chị bên cạnh trề môi: "Trông cũng ra dáng quan cách...". Anh kế bên đang vặn mồm để nhổ râu thì phụ hoạ: "Chuyện, giờ người ta lên sếp!"

Ngồi cuối nghe hết, tôi chẳng biết nên gọi là dèm pha, dè bỉu, chì chiết... hay gì gì nữa. Tóm lại giới trẻ hôm nay gọi là GATO, còn lịch sử nghìn năm kêu là đố kị.

Tính đố kị của người Việt từ đâu ra mà gớm vậy, sống thọ đến vậy?

"Đố kị đến từ hôm qua"

Là một đất nước nông nghiệp nên tôi sẽ bắt đầu từ nông thôn.

Mối quan hệ và các thiết chế làng xã ở nông thôn (nhất là miền Bắc) cực kì chặt chẽ, “chất” phong kiến đậm đặc, ở đó vai trò dòng tộc, họ tộc là rất lớn. Họ nào đông, có nhiều người đỗ đạt là tiêu chí của sự vinh quang. Các họ khác “tức nhau tiếng gáy”, mang tâm lý " không thua chị kém em", thậm chí coi sự vượt mặt của dòng họ nào đó như cái gai. Thế rồi chẳng biết từ lúc nào, chuyện dòng họ, dòng tộc đua ganh như thế ăn sâu vào mỗi cá nhân.

Cùng là nông thôn nhưng Nam Bộ có một số đặc trưng khác. Là vùng đất mới, cư dân tứ phương nên tính cố kết cộng đồng nơi đây lỏng lẻo hơn. Mặt tích cực của đặc trưng này là người dân không bị giam hãm, bó buộc trong những quan niệm, tập quán, quy ước cứng nhắc, cổ hủ. Nhờ có những điều kiện về tự nhiên nên tính mở (trong tôn giáo, sinh hoạt, địa giới, giao thông…) của làng xã miền Nam khá lớn. Cấu trúc xã hội mở như thế tạo cho người dân Nam Bộ tính phóng khoáng, tự do. Phải chăng vì thế mà (nhìn chung) người Nam Bộ ít bị tính đố kỵ chi phối?

Một câu hỏi nữa đặt ra là liệu tính đố kỵ có liên quan tới “giai cấp” và “bao cấp”?

Chúng ta từng cổ động nhiệt thành cho giai cấp công nhân (hàm ý người lao động chân tay), giai cấp được cho là tiên tiến nhất. Trong khi đó, có một thời kỳ vai trò của trí thức, nhà buôn…bị xem nhẹ.

Mà đã là người lao động thì phải khổ khổ, nghèo nghèo... Ai hôi nách có lỡ xức tí nước hoa ngay lập tức bị liệt vào hàng “tiểu tư sản”, là thành phần phải đấu tranh loại bỏ hoặc cần được “giác ngộ”. Phong trào rạch quần ống loe, cắt bỏ những bộ tóc dài (của đàn ông) là minh chứng.

Thời bao cấp là thời của mọi người cùng tiến, dàn hàng ngang mà tiến, ai nhấp nhô chút đỉnh "coi như xong". Mua được tí thịt rang mà hàng xóm ngửi thấy là nguy, dao thớt băm chặt láng giềng nghe thấy cũng "hiểm"...

…và hôm nay

Quan niệm hễ ai hơn người là đồng nghĩa với kẻ xấu không chỉ tồn tại ở hành vi cụ thể mà còn thường trực trong tư duy. Cho tới hôm nay, trong truyện thiếu nhi, nhân vật giàu có thường gắn với lừa lọc, tham lam, độc ác…

Đã có nghiên cứu khẳng định tính đố kị liên quan tới sự so sánh. Và để tránh tính đố kị thì đừng sống trong thế giới của những so sánh.

Đáng tiếc là ở một vài nơi, trong lớp, một trò nào đó giỏi nhất vẫn thường được giáo viên đưa lên cao, rồi buộc học sinh khác phải triệt để học tập, coi đó như tấm gương sáng ngời. Cùng với việc đề cao một trò nào đó là phê bình (có khi thậm tệ) những em khác mà biểu hiện sinh động là hình phạt và những tờ kiểm điểm.

Thay vì bắt các em phải ganh đua (rất dễ biến tướng thành ganh ghét), thay vì so sánh với bạn này bạn kia, thì nên khuyên trò hãy so sánh với chính bản thân mình ngày hôm qua.

Bởi vì người ta chẳng bao giờ thành công khi cứ rập khuôn theo mẫu hình của người khác. Người ta sinh ra như một nguyên bản thì đừng bao giờ chết đi như một bản sao.

Bill Gate nói: “Đừng so sánh mình với bất cứ ai trong thế giới này. Làm như vậy có nghĩa bạn đang sỉ nhục chính bản thân mình.”

Vì thế, đừng để trường học (vô tình) thành nơi nuôi dưỡng và dung túng sự đố kị, hẹp hòi.

Sẽ có nhiều nguyên nhân khác làm cho người ta mắc tính đố kị, nhưng tôi dừng ở nguyên nhân xuất phát từ chính nhà trường để (cùng với mẩu chuyện có thực xảy ra tại trường đại học ở đầu bài viết) muốn nhắn nhủ rằng, khi không thể dời ngôi trường của con sang Mỹ, sang Anh, thì hãy thay đổi chính mình.

Tức là đừng bao giờ lấy con hàng xóm ra để dạy con mình, và quan trọng hơn, bố mẹ cứ sống cởi mở, đôn hậu, nghĩa tình thì tự khắc con cái sẽ theo.

  • Ngô Thiệu Phong