- Gần đây, Tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) có đưa ra một báo cáo có tên gọi “Những kỹ năng cơ bản phổ dụng (phổ cập): Quốc gia nào có thể thành công”. Đã có rất nhiều bàn luận khác nhau quanh báo cáo này, đặc biệt rất nhiều ý kiến đề cập đến vị trí xếp hạng thứ 12 của giáo dục Việt Nam. Liệu chúng ta đã hiểu và diễn giải đúng báo cáo này?

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}

Đón học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm 2015. Ảnh: Văn Chung

Báo cáo nói trên của OECD phân tích tác động của vốn tri thức đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn ở 76 quốc gia do GS. Eric A. Hanushek và GS. Ludger Woessmann soạn thảo. GS. Hanushek là giáo sư của Viện Hoover (nghiên cứu chính sách công) trực thuộc Đại học Stanford (Mỹ) còn GS. Woessmann đến từ Đại học Munich (Đức).

Cả hai ông đều là các giáo sư kinh tế học và hai lĩnh vực liên quan đến báo cáo là Kinh tế học giáo dục và Tăng trưởng kinh tế đều nằm trong số các lĩnh vực nghiên cứu của hai tác giả này.

Để trả lời câu hỏi ở trên chúng ta hay xem xét hai phương diện sau:

1. Báo cáo của OECD có nhằm mục đích xếp hạng nền giáo dục của các quốc gia không?

Không.

Báo cáo của OECD đã nêu rõ: “Đưa ra các dự đoán dựa trên số liệu từ bài kiểm tra PISA và các bài kiểm tra đánh giá quốc tế khác dành cho học sinh, báo cáo đánh giá tổng quan những lợi ích đáng ngạc nhiên về mặt xã hội và kinh tế mà tất cả các quốc gia, bất kể giàu nghèo, đều có thể được hưởng nếu như các quốc gia này đảm bảo rằng không chỉ 100% trẻ em được đến trường mà, thông qua giáo dục, những học sinh đó còn phải tối thiểu đạt được mức kỹ năng cơ bản để có thể tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội”.

Hơn nữa, báo cáo cũng mô tả vốn tri thức của từng quốc gia với mức độ đầy đủ và chính xác nhất có thể được mặc dù thừa nhận còn một số hạn chế như việc chọn mẫu không bao gồm được những học sinh đã nghỉ học và như thế không có được bức tranh hoàn chỉnh về toàn bộ học sinh của một quốc gia. Báo cáo hướng đến hai kết luận sau: lợi ích kinh tế của mục tiêu đạt được các kỹ năng cơ bản phổ cập và mối liên hệ giữa mục tiêu này với các chính sách giáo dục rộng lớn hơn.

Như vậy, không thể cho rằng báo cáo nói trên của OECD nhằm xếp hạng giáo dục. Báo cáo chủ yếu phân tích tác động về mặt kinh tế và xã hội của việc học sinh ở độ tuổi 15 đạt được các kỹ năng cơ bản phổ cập và đưa ra các gợi ý cho chính sách giáo dục ở tầm quốc gia.

2. Có sự nhầm lẫn khi hiểu các khái niệm trong báo cáo của OECD?

Trước tiên chúng ta hãy xem xét thuật ngữ “khái niệm”. Theo John B. Carroll (1964), các cá nhân khác nhau có thể hiểu một khái niệm theo những cách khác nhau tuỳ thuộc vào quá trình trải nghiệm của họ. Trong khoa học xã hội, cách hiểu một khái niệm khác nhau do những khác biệt định tính mà văn hoá của một cộng đồng quy định. Ví dụ, đối với người Việt, khái niệm gia đình không chỉ bao gồm bố mẹ, con cái, mà còn có thể có cả ông bà. Trong khi đó, người phương Tây nhìn nhận gia đình chỉ gồm có bố mẹ, con cái.

Tuy nhiên, trong một cộng đồng nào đó, họ thường dễ chia sẻ với nhau cách hiểu một khái niệm bao gồm một số đặc điểm chung nào đó. Một người dân bình thường có thể hiểu “chất lượng giáo dục” là điểm số các môn học trên lớp của con mình. Các chuyên gia giáo dục thường nhìn nhận “chất lượng giáo dục” ở nghĩa rộng hơn không chỉ ở các kỹ năng tư duy, kỹ năng xã hội (kỹ năng mềm), mà còn ở các phẩm chất, cảm xúc… Và các chuyên gia kinh tế khi nghiên cứu liên quan đến giáo dục có thể định nghĩa khái niệm này theo một cách phù hợp và đo lường được.

Báo cáo của OECD dựa trên một nghiên cứu định lượng về tác động của vốn tri thức lên tăng trưởng kinh tế. Khái niệm “vốn tri thức” đã được các tác giả báo cáo khái niệm hoá (conceptualization) thành “tập hợp các kỹ năng nhận thức của dân số một quốc gia”, gọi tắt là “những kỹ năng cơ bản” (basic skills) và sau đó “những kỹ năng cơ bản” được thao tác hoá (operationalization) thành điểm số môn Toán và môn Khoa học (có thể đo lường được) trong bài đánh giá PISA.

Riêng môn Đọc đã bị loại ra có lẽ do những chỉ trích của GS. Svend Kreiner (Đại học Copenhagen) trong một bài báo ông viết năm 2010 về những lỗi liên quan đến mô hình thống kê Rasch dùng trong phân tích kết quả điểm số môn Đọc của PISA 2006. GS. Kreiner, vốn là học trò của nhà toán học Rasch, người khai sinh ra mô hình thống kê Rasch, đã chỉ ra sự vi phạm các giả định của mô hình Rasch trong xử lí kết quả PISA, các câu hỏi phụ thuộc vào địa phương trả lời, sự phân biệt giữa các câu hỏi không đồng đều…

Khái niệm “những kỹ năng cơ bản” trong báo cáo còn được gọi “kết quả học tập đạt được” (quality of learning outcomes) hoặc “chất lượng đào tạo” (school quality/quality of schools). Như vậy, “chất lượng giáo dục” được đề cập đến trong báo cáo chính liên quan đến việc được trang bị “những kỹ năng cơ bản” hay cụ thể hơn là điểm số đạt được trong môn Toán và môn Khoa học của học sinh (xét tổng thể) mà những nghiên cứu trước đó của các tác giả cho thấy có thể đại diện được cho “vốn tri thức”.

Trong các nghiên cứu về kinh doanh ở cấp độ doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trên thế giới chủ yếu dùng “số lượng bằng sáng chế” hoặc “đầu vào của nghiên cứu và phát triển” hoặc “số lượng nhân viên có trình độ đại học” (có thể đo lường được) để thay thế cho vốn tri thức (không đo lường được).

Như vậy, việc sử dụng điểm số môn Toán và Khoa học để đo lường thành quả tích luỹ những kỹ năng cơ bản, tức là vốn tri thức là điều có thể hiểu được đối với các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng.

Sau khi thông tin về báo cáo này xuất hiện trên truyền thông Việt Nam, một số chuyên gia và nhà nghiên cứu của chúng ta đã có những phân tích kịp thời và đáng chú ý dựa trên kết quả của bản báo cáo và đưa ra những hàm ý về chính sách giáo dục.

Mặc dù chúng ta có thể hiểu được vì sao công chúng phản ứng khá mạnh mẽ đối với “xếp hạng” về “chất lượng giáo dục” của Việt Nam dựa trên những giả định lẽ thường (commonse) của họ về một nền giáo dục còn có nhiều vấn đề của chúng ta, nhưng có vẻ như một số nhà chuyên môn đã hơi vội vàng khi đưa ra những phân tích dựa trên khái niệm “chất lượng giáo dục” được hiểu theo cách riêng của họ (khác với nội hàm khái niệm do tác giả báo cáo xây dựng) để đánh giá báo cáo này của OECD.

Việc nhân cơ hội này để bàn thêm về chất lượng giáo dục của Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Tuy nhiên, với báo cáo trên đây của OECD cùng với số lượng dữ liệu khổng lồ của bài kiểm tra PISA, các nhà chuyên môn và hoạch định chính sách của chúng ta cũng đã có thể làm được rất nhiều việc trên cơ sở đó.

  • Huỳnh Hữu Hiền (Nghiên cứu sinh ĐH Văn hoá Trung Hoa, Tp. Đài Bắc, Đài Loan)