- Hai học sinh Việt Nam vừa giành huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2015 trong mắt người thân là "game thủ có tiếng" và "siêu tiết kiệm giấy nháp". Họ đã có những chia sẻ thú vị.

HC Vàng từng trốn nhà đi chơi game

3h sáng 12/5, sau gần 9 tiếng trễ bay và thất lạc đồ đạc, đoàn học sinh tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2015 đã trở ra sân bay Nội Bài trong niềm vui của người thân, thầy cô và bạn bè.

Gần 12 tiếng chờ đợi và gần 2 ngày thấp thỏm đợi con về khiến đôi mắt ông Nguyễn Ngọc Danh và bà Trần Thị Mơ – bố mẹ của HC Vàng Nguyễn Ngọc Khánh thâm quầng vì thiếu ngủ. Mệt mỏi nhưng khi được hỏi về con trai cả trong nhà, ánh mắt người cha người mẹ lại vui tươi hẳn lên.

{keywords}
Với tấm HC Đồng năm 2014, năm 2015 Nguyễn Ngọc Khánh (HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đã quyết tâm và giành HC Vàng Olympic Vật lý châu Á. (Ảnh: Văn Chung).

Điềm tĩnh, hiền lành và khiêm tốn là những đức tính ông bà Danh dùng để nói về con trai. “Lúc tôi nghe tin con giành được HC Vàng, tôi gọi điện chúc mừng con. Nó hỏi: Chúc mừng cái gì ạ? – Thì bố nghe cô giáo gọi điện báo tin con được HC Vàng nên gọi chúc mừng con. Nó chỉ bảo: “Bình thường thôi mà…” – ông Danh tâm sự.

Liên tục là học sinh giỏi qua các năm học, giành nhiều giải trong các kỳ thi HSG cấp huyện, tỉnh, quốc gia và khu vực, nhưng Ngọc Khánh cũng đã từng khiến bố mẹ phải phiền lòng.

Năm lớp 6, Khánh mê game và là một game thủ có tiếng. Cậu từng trốn nhà đi chơi game.

Biết vậy, nhưng ông Danh không đánh mắng con. Một vài lần ông biết con chơi ở đâu nhưng không bao giờ đến bắt con tại trận mà nhờ ông bà hoặc người thân tới đón đưa con về.

“Tôi nói không cấm con chơi game vì đó là một trò giải trí. Nhưng con không được quên chuyện học, học ra học, chơi ra chơi" - ông Danh chia sẻ. Nhưng tôi cũng đặt ra mục tiêu cho con trong năm học đó, nếu đạt HSG bố sẽ thưởng. Có lần Khánh đã khóc và hứa với bố mẹ sẽ cố gắng để có kết quả học tập tốt nhất.

{keywords}
Ông Danh bà Mơ đã thức suốt gần 12 tiếng chờ đón con ở sân bay Nội Bài. (Ảnh: Văn Chung).

Năm Khánh học lớp 8, bố mẹ mua máy vi tính và nối mạng để con đọc thêm tin tức, tìm hiểu kiến thức khoa học và đời sống xã hội, và vẫn cho phép Khánh chơi game.

Không chỉ vậy, theo ông Danh - Khánh còn rất mê đọc sách. “Mỗi lần được bố mẹ cho tiền quà hoặc được giải thưởng Khánh thường vuốt thẳng, cất trong những trang sách. Khi bố rảnh, Khánh thường nhờ bố dẫn vào thành phố cách nhà hơn 10km mua sách. Mỗi lần đi Khánh ẵm về cũng 5- 7 cuốn.

Tình yêu Vật lý của Khánh theo ông Danh có lẽ bắt đầu từ đam mê tháo lắp các đồ điện tử từ nhỏ. Thường thì đồ chơi thừa vài bộ phận không biết lắp vào đâu và không…chạy được nữa. Năm lớp 9, Khánh đã giành giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi HSG huyện và tỉnh.

Không chỉ học tập tốt, Khánh còn tham gia vào đội tình nguyện, tiếp sức mùa thi: nấu cơm, chuẩn bị nước uống, hướng dẫn đường đi, tìm nhà trọ giá rẻ…Trong mắt bạn bà, cậu học trò lớp chuyên Lý còn là chàng trai hát hay và thích đá bóng.

Chàng trai “siêu tiết kiệm giấy nháp”

Năm 2015 Vũ Thanh Trung Nam tiếp tục thành công với tâm HC Vàng Olympic Vật lý châu Á (năm 2014 giành HC Bạc Olympic Vật lý châu Á và HC Vàng Olympic Vật lý quốc tế). Giọng nói trầm ấm và cởi mở có phần khác so với bề ngoài tưởng như khó gần khi gặp Nam.

{keywords}
Vũ Thanh Trung Nam chụp chung với mẹ tại sân bay Nội Bài rạng sáng 12/5. (Ảnh: Văn Chung).

Học hết lớp 9 Nam dự thi vào 3 trường THPT chuyên và đỗ thủ khoa Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội); Á khoa trường chuyên ĐH Sư phạm và THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau cùng Nam quyết định chọn trường Hà Nội – Amsterdam vì đây là nơi đã gắn bó hồi học THCS.

Thầy giáo Đinh Trần Phương, giáo viên dạy đội tuyển Vật lý lớp 12 tại trường Ams chia sẻ: “Chỉ sau 3 tháng của lớp 10 Trung Nam đã nổi trội về khả năng học tập, tư duy tốt, khả năng làm bài chính xác”. Tính tự lập, tự giác học tập là điều thầy Phương rất ấn tượng ở học trò.

Trung Nam cho biết: “Mình nghĩ để lọt vào các vòng thi cấp quốc gia, quốc tế, trước hết các bạn phải nắm vững kiến thức cơ bản và hiểu rõ bản chất của các vấn đề, ngoài ra các bạn nên trang bị cho mình một chút kiến thức Toán. Về thời gian học thì mình nghĩ các bạn học tầm 2-3 tiếng một ngày là đủ, còn về phần tài liệu các bạn ngoài làm các sách bài tập còn nên đọc thêm các sách lý thuyết vật lý đại cương”.

Chàng trai lớp 12 Lý 1 còn được bạn bè đặt cho biệt danh “siêu tiết kiệm giấy nháp” khi không để một chỗ trống trên tờ giấy nháp của mình.

Cậu hóm hỉnh: “Thú thực mình nháp không theo trình tự nên cũng lộn xộn. Mình tận dụng mọi chỗ trống trên giấy để viết vì làm như vậy mình sẽ nhìn được tổng quan nhưng gì mình viết. Nếu viết qua tờ khác thì sẽ khó theo dõi.”

Trong suốt 11 năm học, Trung Nam chỉ học thêm một thời gian rất ngắn là trước khi thi vào lớp 6 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hầu hết thời gian còn lại Nam tự học, tự đọc....

Năm lớp 11 Nam ước mơ sau khi tốt nghiệp THPT em ước mơ vào ĐH MIT danh tiếng của Mỹ để học ngành nào đó về Vật lý ứng dụng. Nhưng năm nay cậu dự định học ngành Kỹ sư khoa học của ĐH quốc gia Singapore vì điều kiện kinh tế của gia đình và khả năng tiếng Anh của bản thân.

Tôn trọng con trai ông Danh - một nông dân kiêm nghề buôn bán lạc chạy chợ cũng quyết tâm và ủng hộ ước mơ du học của con trai Ngọc Khánh.

  • Văn Chung