- Lý giải tại sao chủ đề “đại học nghiên cứu” được lựa chọn để thảo luận, bà Nguyễn Thụy Phương cho biết đây là vấn đề mang cả tính quốc gia và quốc tế.

{keywords}
Quang cảnh buổi bàn tròn với chủ đề "Đại học nghiên cứu" diễn ra đầu tháng 4 tại Paris (Pháp)

Xét về bối cảnh nghiên cứu nói chung, tình trạng nghiên cứu ở Pháp hiện nay được nhìn nhận khá bi quan. Vậy thì, điều này có ý nghĩa như thế nào khi Việt Nam muốn tìm kiếm kinh nghiệm để phát triển mô hình đại học nghiên cứu?

- Bà Nguyễn Thụy Phương (điều phối chuỗi bàn tròn giáo dục AVSE, Giảng viên Giáo dục học, ĐH Paris Descartes): Đi tìm hiểu những thất bại hay yếu kém của một nền giáo dục khác cũng là cách để tìm cho mình bài học hay kinh nghiệm mới. Có một điều tiên quyết nên tránh đó là rập khuôn hay sao chép cái của người khác vì nền giáo dục của mỗi quốc gia là sản phẩm hay hệ quả đặc thù cho lịch sử, văn hóa, đời sống kinh tế xã hội của quốc gia đó.

Hơn nữa, dù cũng đang cần cố gắng để phát triển nghiên cứu hơn nữa, Pháp cũng đã đạt được những vị trí nhất định trên thế giới Pháp, đứng thứ 6 về các ấn phẩm khoa học, thứ 4 về các bằng phát minh quốc gia đăng kí bản quyền tại Châu Âu, và thứ 4 về tổng số giải Nobel. Học tập một nước phát triển như thế là điều rất cần thiết.

- Bà Phan Thị Hoài Trang (Phó giáo sư Chính trị học & Quan hệ quốc tế, ĐH Lyon 3): Theo tôi, có 3 cách thức ở Pháp mà Việt Nam có thể học tập. Thứ nhất là có nhiều chương trình đào tạo mang định hướng nghiên cứu. Học sinh ngay từ những năm đầu tiên được học các môn về phương pháp nghiên cứu và làm luận văn cuối học kỳ. Các trường thường có các bộ phận chuyên về quản lý nghiên cứu sinh theo từng ngành (Ecole doctorale), định hướng học sinh đăng ký làm luận văn tiến sĩ. Nghiên cứu sinh cuối kỳ có thể tham gia giảng dạy và các công trình nghiên cứu khoa học của trường.

Thứ hai, giảng viên đại học bắt buộc phải tham gia hoạt động của các nhóm nghiên cứu đơn ngành hoặc liên ngành (Equipe de recherche) do Bộ Đại học cung cấp kinh phí. Các nhóm này lên chương trình hoạt động trong 5 năm. Việc cung cấp kinh phí tiếp theo của Bộ sẽ phụ thuộc vào số lượng và kết quả nghiên cứu của cả nhóm trong 5 năm.

Và thứ ba, lập ra các Đơn vị phối hợp nghiên cứu (giữa các viện nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu đại học - UMR).

{keywords}

Bà Nguyễn Thụy Phương (điều phối chuỗi bàn tròn giáo dục AVSE, Giảng viên Giáo dục học, ĐH Paris Descartes)

Ông/ bà có cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm phát triển đại học nghiên cứu từ các nước khác như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc…. hơn là Pháp? Tại sao?

- Bà Nguyễn Thụy Phương: Pháp không phải là một khuôn mẫu cho Việt Nam, cũng như vậy với bất kỳ quốc gia nào khác! Chúng ta tìm hiểu đặc thù nền giáo dục của một vài quốc gia, phân tích điểm mạnh điểm yếu của họ rồi ta chọn lọc một vài đặc điểm đem thử nghiệm hay ứng dụng ở nước ta. Nhưng chính ở khâu cuối cùng này phải tiến hành cẩn trọng và phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược. Phải có một hội đồng liên ngành bao gồm quan chức một số bộ ngành, giới đại học trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu và cố vấn kinh tế, giáo dục, xã hội trong và ngoài nước. Chính phủ hoặc Bộ GD giao cho các bên tiến hành nghiên cứu, phân tích các vấn đề - nội dung để phát triển ĐH nghiên cứu. Các báo cáo làm xong được đem ra bàn thảo và quyết định thông qua các điều luật để thực thi.

- Bà Phan Thị Hoài Trang: Mỗi một mô hình đều có mặt mạnh, mặt kém mạnh. Cái chính là phải hiểu tại sao lại như vậy và tìm ra được mô hình phù hợp với hiện trạng của Việt Nam.

Pháp mạnh về nghiên cứu cơ bản (nhiều giải Nobel, Fields...) nhưng đóng góp của nghiên cứu cho nền kinh tế thì lại không hiệu quả như một số nước kể trên.

Hệ thống đồng nhất là điều phi thực tế

Việt Nam đang xây dựng những tiêu chí về đại học nghiên cứu cho riêng mình. Ông/ bà đã biết điều này? Và có đánh giá như thế nào?

- Bà Nguyễn Thụy Phương: Phân tầng các cở sở đại học thành ba “định hướng” (nghiên cứu, ứng dụng và thực hành) là thích đáng vì mục đích đào tạo được rõ ràng, từ đó cách thức tuyển sinh, phân bổ ngành nghề đến việc quản lý, tổ chức sẽ được cơ cấu hóa, hợp lý hóa. Ít nhất, chúng ta có thể “quản lý” được đầu ra (số lượng, chất lượng) so với nhu cầu xã hội. Phương thức đầu tư vào các trường hi vọng sẽ thuận tiện hơn vì mỗi loại trường mang tính thống nhất từ mục đích đến phương hướng đào tạo.  

- Ông Damien Verhaeghe (Tổng thanh tra Bộ Giáo dục Pháp): Cá nhân tôi rất tán thành sự chuyên biệt hóa các cơ sở đào tạo đại học, giống như các community colleges ở Mỹ hay Trường Cao học chuyên ngành (HES) ở Thụy Sỹ. Tôi tin tưởng vào một hệ thống mà tại đó mỗi người đều có chỗ đứng và vai trò riêng hơn là một hệ thống đồng nhất, nhất thể, vì đó giờ chỉ còn là điều phi thực tế.

{keywords}

Ông Damien Verhaeghe

(Tổng thanh tra Bộ Giáo dục Pháp)

Theo ông/ bà, thách thức lớn nhất đối với việc phát triển đại học nghiên cứu ở Việt Nam là gì?

- Bà Phan Thị Hoài Trang: Việt Nam thiếu nhiều giáo viên đại học có trình độ tiến sĩ và giáo sư. Nghiên cứu ở Việt Nam cần phải được cọ xát với thế giới: tham giao hội thảo quốc tế, tham gia nghiên cứu chung với các ê kíp nước ngoài. Muốn vậy, trình độ ngoại ngữ của giáo viên và nghiên cứu sinh phải tốt. Kinh phí cho nghiên cứu cần phải rõ ràng, thuận tiện, có tính kích thích.

- Ông Damien Verhaeghe: Thách thức của Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia đang trỗi dậy. Đầu tiên là đại trà hóa giáo dục đại học, nghĩa là đại học phải có khả năng đào tạo số lượng lớn thợ nghề bậc cao, nhân viên, công chức trung và cao cấp, kỹ sư, để tạo nên một tầng lớp trung lưu là động cơ tăng trưởng cho xã hội nhờ vào chính sức sản xuất và tiêu thụ của tầng lớp này. Muốn vậy, phải mở thêm trường đại học, đồng thời mở cửa các trường đại học quốc tế vào và phải gửi số lượng thật lớn sinh viên ra ngoại quốc học tập và tu nghiệp. Thách thức thứ hai là đầu tư tài chính cho chính sách này và phải tìm cho ra mô hình tài trợ hay cấp vốn hợp lý. Mô hình này có thể lấy từ nguồn thuế, hoặc tài trợ từ tư nhân thông qua gia đình hay công ty tư, hoặc là mô hình kết hợp công tư.

Điều quan trọng là không được phân tán các nguồn tài chính vì nghiên cứu đòi hỏi sự tập trung sức lực. Thách thức cuối cùng là sự tự do học thuật đối với nhà nghiên cứu trên phương diện lựa chọn đề tài, dự án, giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng và trên phương diện hợp tác quốc tế.

Không quan tâm cũ – mới, chỉ quan tâm cần – hay không

Việc nghiên cứu ở đại học đang cạnh tranh như thế nào với việc nghiên cứu ở các công ty?

- Ông Damien Verhaeghe: Nước Pháp có một đặc trưng là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu và sáng tạo. Nếu chỉ xét riêng nguồn nhân lực thuộc hai khối công và tư thì đã có những khác biệt quan sát thấy rõ trong vài năm gần đây. Số lượng người làm nghiên cứu trong công ty xí nghiệp tư nhân (60%) chiếm nhiều hơn nhà nước (40%). Tốc độ tăng cũng cao hơn rất nhiều (68%) so với khối công (13%) trong vòng 10 năm (2001-2011). Thực ra ở Pháp không thể nói là có sự cạnh tranh giữa hai khu vực này vì có rất nhiều cách thức hay phương tiện kết nối hai khối với nhau ví dụ tạo điều kiện trung chuyển nhà nghiên cứu từ khối công sang tư hay những dự án với hai bên đối tác công và tư…

- Bà Phan Thị Hoài Trang: Nghiên cứu đại học không vì lợi nhuận vì mục tiêu của đại học là tạo ra tri thức chung cho xã hội, một thứ "của cải chung" cho tất cả mọi người. Hai môi trường nghiên cứu này khó có thể so sánh vì sự khác biệt mục tiêu này.

{keywords}
Bà Phan Thị Hoài Trang

Một nhà lãnh đạo trường ĐH tư thuc ở VN hồi đầu tháng 2 vừa tham gia một hội thảo ở Hàn Quốc bàn về "nhận diện giáo dục trong tương lai". Ông quan niệm: “Nếu chúng ta không ý thức được rằng giáo dục đại học đang thay đổi trên quy mô toàn cầu mà còn tranh cãi những chuyện đã cũ thì đến lúc họ thay đổi xong rồi chúng ta vẫn đang tranh cãi, chưa ra khỏi sự loay hoay”. Theo ông/bà, liệu cách tiếp cận mô hình đại học bám theo "đai học nghiên cứu" có tiếp tục là một cách tiếp cận đúng đắn, hợp xu thế?

- Bà Nguyễn Thụy Phương: Đây cũng là một trong những thái độ phản biện hay tự vấn cần có của người trong giới. Trước hết, xây dựng đại học nghiên cứu là điều tối quan trọng vì đại học “biết làm” nghiên cứu thì mới đào tạo ra nguồn nhân lực bậc cao, mới sản xuất ra tri thức bậc cao, từ đó mới góp phần cải biến hay canh tân xã hội và định hình tương lai. Chỉ có điều có nên “đại trà hóa” mọi trường đại học thành ĐH nghiên cứu không thôi! Tôi không quan niệm đâu là chủ đề hay vấn đề cũ hay mới, vì có thể cũ ở chỗ này lại là mới ở chỗ kia, mà nên quan tâm đến khía cạnh cần hay không cần, thích đáng hay không thích đáng trong hoàn cảnh của chúng ta.

- Bà Phan Thị Hoài Trang: Đại học nghiên cứu là một trong những điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam tiếp cận với nền đại học của các nước phát triển. Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện về chất lượng giáo dục, từ gốc đến ngọn, từ tuyển chọn giáo viên đến làm sách giáo khoa, từ phương pháp dạy học đến triết lý giáo dục. Điều cuối cùng là đại học phải là cái nôi của mọi sáng tạo và đổi mới.

Xin cảm ơn.

Hạ Anh – Ngân Anh thực hiện

Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) được thành lập tháng 5/ 2011 tại Paris (Pháp), tập hợp nhiều nhà khoa học và chuyên gia bậc cao người Việt tại nước ngoài, trong đó nhiều người giữ những vị trí quan trong tại các đại học, tập đoàn, tổ chức hành chính sự nghiệp tại Pháp. Hiện tại AVSE đang tiến hành chuỗi 6 bàn tròn về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam với các chủ đề : 1) Các nguyên tắc chính của giáo dục ; 2) Tự chủ đại học ; 3) Nghiên cứu trong đại học ; 4) Các đại học quốc tế ở Việt Nam ; 5) Môi trường giáo dục đại học và 6) Dạy nghề ở Việt Nam.