Cô Đặng Thị Thu Hoa – Giáo viên Trường Tiểu học Sơn Nguyên (Phú Yên) - chia sẻ kinh nghiệm hình thành 5 kỹ năng cơ bản, cốt lõi cho học sinh lớp 1 thông qua các môn học.

{keywords}

Nhóm kĩ năng tự nhận thức

Đối với học sinh (HS) lớp 1, việc hình thành kĩ năng tự nhận thức vô cùng quan trọng.

Thông qua từng hoạt động và nội dung học tập, giáo viên cần giúp cho các em biết xác định được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, để bước đầu có được niềm tin vào chính mình, biết tự xây dựng kế hoạch học tập, làm việc phù hợp với khả năng của mình, biết khắc phục khó khăn để đạt được mục tiêu trong học tập và trong mọi hoạt động.

Đây sẽ là cơ sở để giúp các em hình thành và phát triển kĩ năng tư duy tích cực và tư duy sáng tạo trong học tập.

Hình thành kĩ năng giao tiếp, ứng xử

Để hình thành kĩ năng giao tiếp, ứng xử tốt cho HS, trong quá trình dạy học, giáo viên cần giúp các em biết rèn luyện kĩ năng nói, kĩ năng nhận xét, giúp các em có khả năng bày tỏ ý kiến của bản thân theo nhiều hình thức; mạnh dạn đứng trước tập thể lớp để trình bày quan điểm của mình đồng thời biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác.

Nếu các em có được khả năng giao tiếp tốt, luôn biết cởi mở, bày tỏ suy nghĩ của mình sẽ tạo được các mối quan hệ tích cực với bạn bè và luôn được bạn bè đồng tình, ủng hộ.

Đây là yếu tố dẫn đến sự phát triển các kĩ năng như: Kĩ năng chia sẻ, cảm thông; kĩ năng thương lượng; kĩ năng tìm kiếm sự giúp đỡ, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cảm xúc và cuối cùng là kĩ năng đạt được mục tiêu.

Kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề

Kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề cũng là những kĩ năng rất cần thiết trong học tập và trong cuộc sống hằng ngày đối với HS.

Nếu giáo viên giúp các em biết lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp và kịp thời sẽ đem lại thành công; ngược lại, nếu học sinh nào hay nhút nhát, rụt rè, đưa ra những quyết định chậm trễ hay sai lầm sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập, cuộc sống sinh hoạt và tương lai sau này.

Vì vậy, trong các giờ học Đạo đức, giáo viên cần tăng cường sử dụng các tình huống, bài tập thực hành; đưa ra các tình huống, bài tập cụ thể, gắn liền với thực tế, khuyến khích HS suy nghĩ và lựa chọn các phương án tốt nhất hoặc nên hay không nên làm…

Thông qua các tình huống, các bài tập giúp HS mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình, từ đó giáo viên hướng các em có cách xử lí và giải quyết vấn đề phù hợp, đúng đắn.

Hình thành kĩ năng hợp tác, chia sẻ

Qua từng nhiệm vụ, từng hoạt động trong các bài học, giáo viên cần giúp HS thấy được lợi ích và hiệu quả của việc làm việc tập thể là vô cùng to lớn. Có những việc phải cần có sự hợp tác của bạn mới đem lại thành công.

Giáo viên cần giúp học sinh biết chung sức làm việc, biết giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động; biết chia sẻ và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm cùng với nhóm, với tập thể lớp.

Ở điểm này, giáo viên có thể phân chia lớp theo các nhóm nhỏ, mỗi nhóm vừa có HS khá giỏi, vừa có HS yếu để tạo cho các em có cơ hội giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, sinh hoạt vui chơi…

Bằng các trò chơi, câu chuyện, bài hát, giáo viên giúp trẻ học cách cùng làm việc với bạn, đây là một công việc không nhỏ đối với các em học sinh lứa tuổi này. Khả năng hợp tác sẽ giúp các em biết cảm thông, chia sẻ và sẽ cùng bạn hợp tác làm việc.

Tổ chức lớp cũng nên đổi mới. Lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó cần thay đổi theo từng tháng để từng học sinh biết được các công việc của người lãnh đạo, các khó khăn gặp phải và xử lý ra sao…đồng thời biết thông cảm với công việc của người chỉ huy. Qua đó rèn cho các em những kĩ năng chỉ huy, lãnh đạo cần thiết.

Hình thành kĩ năng tự phục vụ và quản lí thời gian

Tự phục vụ và quản lí thời gian là một trong những kĩ năng quan trọng trong nhóm kĩ năng làm chủ bản thân.

Đối với HS tiểu học và đặc biệt là HS lớp 1 ở miền núi, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thường cha mẹ ít quan tâm tới việc học tập của con em mình.

Vậy, nếu thực hiện tốt kĩ năng này sẽ giúp các em luôn đi học đều và đúng giờ, tham gia tốt các hoạt động học tập và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, yêu cầu trong học tập, sinh hoạt. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả học tập, làm việc của bản thân, của nhóm.

Ví dụ: Khi dạy bài “Đi học đều và đúng giờ”, giáo viên chú trọng rèn HS các kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề để đi học đúng giờ qua trò chơi sắm vai; hoặc rèn kĩ năng quản lí thời gian để đi học đều và đúng giờ qua hoạt động tự liên hệ bản thân.

Giáo viên cần giúp HS xác định được những việc cần làm để đi học đều và đúng giờ, tự liên hệ bản thân mình đã thực hiện đi học đều và đúng giờ chưa, nếu chưa thì phải làm gì?...

Hoặc khi dạy bài “Em và các bạn”, thông qua trò chơi “tặng hoa”, giáo viên giúp HS thể hiện sự mạnh dạn, tự tin, thể hiện kĩ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng của bản thân...

Cô Đặng Thị Thu Hoa cho biết, giải pháp này được áp dụng cho tất cả các đối tượng HS lớp 1, đặc biệt phù hợp với HS ở khu vực miền núi.

Nhưng trong một lớp học bao giờ cũng có các đối tượng HS giỏi, năng khiếu, các em tiếp thu nhanh hoặc có nhiều em có kĩ năng tự phát. Nếu giáo viên không linh hoạt về phương pháp giảng dạy, giáo dục, không có kĩ năng xử lí tốt vấn đề thì những HS đó sẽ không phát triển theo hướng tích cực.

Vì vậy, khi áp dụng giải pháp trên, đòi hỏi giáo viên phải có sự linh hoạt trong phương pháp tổ chức các hoạt động dạy và học tùy vào tình hình thực tế của địa phương, của lớp nhưng phải đảm bảo được mức chuẩn của rèn luyện 5 kĩ năng cần đạt.

  • Theo Hải Bình (Giáo dục - Thời đại)