Ca sĩ Sơn Tùng M-TP lại được đưa vào đề thi ở cấp bậc phổ thông, nhưng không phải vào môn Văn hay năng khiếu, mà vào môn Hóa học.

{keywords}

Sơn tùng ngậm kẹo khi biểu diễn

Cụ thể, trong đề thi khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 10, trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng), các thầy cô không chỉ muốn kiểm tra các công thức hóa học của các em, mà còn muốn cung cấp thêm cả những kiến thức quý báu về phong cách biểu diễn vô cùng xì-tin của chàng ca sĩ bảnh trai này:

"Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã bị sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng".

Đương nhiên, đề thi lạ ấy lại làm dậy sóng cộng đồng mạng. Đọc đề thi này, người ta có thể bật cười vì sự hóm hỉnh. Hóa ra, các thầy cô giáo của chúng ta đâu phải lúc nào “mô phạm”, mà cũng rất có khiếu hài hước đấy chứ, và đặc biệt cũng rất chịu khó lướt web, vào “phây” (facebook), và có thể còn là tín đồ của các chương trình giải trí trẻ trung trên truyền hình.

Tuy nhiên…

*****

Lại phải nói đến từ “tuy nhiên”, vì tôi không rõ lắm, việc đưa những thứ gọi là “kiến thức xã hội” này vào đề thi để làm gì? Nếu chỉ để cho các em có thể bật cười sảng khoái vì các câu hỏi thú vị thì có lẽ nên cho các em tham gia các liveshow giải trí có tính trắc nghiệm kiến thức trên truyền hình như Đuổi hình bắt chữ, Chiếc nón kỳ diệu…

Ta có thể hiểu, và chắc ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng rất hiểu rằng, đề thi này chỉ có tính hài hước mà thôi, chứ không cố ý “tung tin” anh bị… sâu răng. Nhưng rõ ràng hài hước về một điều không có thật, lại liên quan đến bệnh tật của người khác thì không phải lúc nào cũng… vui. Chưa kể, nếu xét về sự chuẩn mực của kiến thức, thì đề thi cũng không chuẩn. Vì các hóa chất có tính năng diệt khuẩn chỉ có thể phòng ngừa sâu răng, chứ không có tác dụng chữa trị. Xét về kiến thức y học như thế là… sai.

Những phân tích “lặt vặt” như trên chỉ để chứng minh rằng, hài hước cũng là cả một nghệ thuật và phải đặt đúng chỗ, nếu không sẽ chỉ là tầm phào, không có mục đích rõ ràng.

***

Người ta thường nhầm lẫn giữa một đề thi lạ với một đề thi hay. Không phải cứ đưa thật nhiều các kiến thức xã hội, thời sự, giải trí vào đề thi là đã… năng động, sáng tạo và giàu tính thực tiễn đâu.

Đối với học sinh, không phải cứ biết thật nhiều những thứ ngoài sách giáo khoa đã là giỏi, bởi có khi đó chỉ là những thứ vô bổ, tầm phào, càng biết nhiều càng khiến cho đầu óc xa rời việc học hành một cách nghiêm túc, chuẩn mực.

Một đề thi hay phải kích thích được sự sáng tạo của học sinh, hạn chế được tệ quay cóp, và thói học gạo, học vẹt…. Tôi xin chép lại thông tin trên mạng về cách ra đề thi của của Trường All Souls College, thuộc ĐH Oxford của Anh. Kỳ thi giành học bổng của trường này được đánh giá là kỳ thi khó nhất thế giới. Những người giành được học bổng được coi là đạt được danh hiệu học thuật cao nhất của nước Anh. Trường này ra đề thi với các câu hỏi như sau: Mua một chiếc túi 10.000 bảng có phải là thiếu đạo đức không?/ Tính đạo đức của một bữa tiệc chè chén có thay đổi không nếu những người tham gia nó mặc đồng phục của Đức Quốc Xã?/Là người nổi tiếng đồng nghĩa với sự mất mát về nhân phẩm?

Và người ta giải thích rằng: “Không có câu trả lời “đúng” cho những câu hỏi này. Thay vào đó, Oxford nói rằng họ “đánh giá suy nghĩ và hiểu biết mà ứng viên thể hiện vượt ra ngoài phạm vi của kỳ thi này, nhưng không kỳ vọng các ứng viên trả lời đúng một cách hoàn hảo về mọi thứ: sự linh động và khả năng phản ứng nhanh được đánh giá cao”.

Liệu ta có thể phân biệt, thế nào là một đề thi hay và thế nào là một đề thi lạ chỉ để “câu like”.

(Theo Đông Kinh/ Thể thao & Văn hóa)