- Quy định cấm thi vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT khiến không chỉ các trường công lập mà một số trường ngoài công lập có lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh hàng năm lớn cũng băn khoăn. Bộ có xem xét ngoại lệ?

Đón nhận thông tin này PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh khá lo lắng.

{keywords}
Ảnh minh họa. Trong ảnh: Học sinh thi vào lớp 6 Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)

"Đây thực sự là bài toán khó có lời giải. Trường cũng đã nghĩ tới phương án kiểm tra năng lực, IQ, EQ hay phỏng vấn. Nhưng tất cả đều không dễ thực hiện và mất rất nhiều thời gian, nhân lực. Việc xét học bạ, thi phỏng vấn theo ông Cương cũng khó khả thi và đảm bảo tính công bằng cho học sinh" - ông Cương chia sẻ.

Theo ông, ở Hà Nội chỉ có một số trường ngoài công lập cùng các trường như Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Cầu Giấy... là thi tuyển vào lớp 6.

Nếu trường công lập tuyển sinh vào lớp 6 là theo tuyến với mục tiêu phổ cập giáo dục thì trường ngoài công lập tuyển học sinh trên cả nước. Hàng năm Trường Lương Thế Vinh có lượng hồ sơ nộp thi vào lớp 6 vào rất lớn. Như năm học 2014-2015, trường lấy 600-700 học sinh nhưng có đến hơn 4.000 đơn đăng ký.

Ông Cương hài hước nghĩ tới hướng giải quyết là chỉ cho nộp hồ sơ trong một ngày và nhà trường chắc chắn phải xây lại cổng để không bị dòng người chen chân đăng ký xô đổ.

Vì vậy mong mỏi Bộ nên có cơ chế đặc thù cho những trường có lượng học sinh đăng ký vào học đông, đặc biệt với các trường ngoài công lập phải tự chủ về mọi thứ.

"Tôi nghĩ đến thời điểm này, học sinh cũng đã ôn luyện rồi và để trường có được đề án tuyển sinh lâu dài, Bộ GD-ĐT nên có cơ chế đặc thù cho những trường có lượng học sinh đăng ký vào học đông" - ông đề xuất.

Trường THCS Marie Curie có chung trăn trở vì lượng hồ sơ gửi về lên tới hàng nghìn mà chỉ tiêu chỉ có 300.  Hiện nhà trường đã dừng phát hồ sơ đăng ký thi và hoãn kỳ thi vào đầu cấp. Tuy nhiên, nhà trường chưa có hướng giải quyết bài toán tuyển sinh lớp 6.

Không phân biệt công lập - ngoài công lập

Chiều 18/3, trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc cấm thi vào lớp 6 không có ngoại lệ, không phân biệt giữa trường công lập và ngoài công lập.

"Nhà trường nào, dù công lập hay ngoài công lập phát triển bao nhiêu lớp, bao nhiêu học sinh đều phải do cơ quan quản lí giáo dục địa phương phê duyệt. Không phải muốn tuyển bao nhiêu cũng được.

Số người đăng ký quá lớn nhưng điều kiện cơ sở vật chất nhà trường có thể tiếp nhận bao nhiêu em. Việc đó do cơ quan quản lí giáo dục địa phương quản lí. Để bảo đảm giáo dục toàn diện và khắc phục tiêu cực trong việc dạy học quá tải ở tiểu học thì tất cả các cơ sở này đều không được thi tuyển sinh vào lớp 6. " - Thứ trưởng cho biết.

Trước câu hỏi với số lượng tuyển ít, hồ sơ đông thì có cách nào để trường vừa tuyển sinh đảm bảo công bằng, khách quan lại tuyển được em có chất lượng, ông Hiển cho rằng: "Đó là việc của các trường. Bộ không lo việc đó. Ngoài công lập cũng phải thực hiện theo văn bản này, không có văn bản nào nói các trường phải thi tuyển vào lớp 6 cả".

Không có trường chuyên, lớp chọn

Cũng có ý kiến cho rằng, việc cấm thi vào lớp 6 là lộ trình để xóa bỏ trường chuyên lớp chọn ở cấp THCS? - Thứ trưởng khẳng định: Nếu có trường THCS chuyên thì đã xóa ngay từ sau Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII. Do đó, không cần phải có lộ trình. Chỉ có nơi nào đã làm biến tướng hoạt động giáo dục theo kiểu trường chuyên, lớp chọn ở THCS thì phải khắc phục.

"Còn mô hình chất lượng cao đang tồn tại được hiểu là thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, là giáo dục chất lượng cao, được thu học phí cao để bù đắp chất lượng cao, không phải là nơi tuyển học sinh giỏi vào để có chất lượng cao" - lời Thứ trưởng.

Thứ trưởng quả quyết, chất lượng cao đến đâu cũng phải đảm bảo các quy định của chương trình giáo dục THCS, thu học phí đến đâu phải do phụ huynh và nhà trường thống nhất, thoả thuận và được quản lý bởi các cơ quan quản lý giáo dục, nhất định không phải là trường chuyên. 

  • Văn Chung