Mức lương mà anh công nhân mỏ Nguyễn Xuân Trường tiết lộ trong buổi giao lưu Gương mặt trẻ tiêu biểu (do báo Vietnamnet và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức ngày 13/3) khiến nhiều người cảm thấy rất bất ngờ.

Anh Trường có thể bật mí về thu nhập?” – đây là câu hỏi đầu tiên Trường trả lời trong buổi giao lưu này. Và câu trả lời là: “Mức thu nhập của tôi năm 2014 là 256 triệu đồng. Với mức thu nhập này, cuộc sống gia đình cũng tương đối ổn định”.

{keywords} 

Vũ Thị Bích Phương, nữ - 26 tuổi: Bạn có thể chia sẻ về sáng kiến đã làm lợi cho công ty bạn 4,5 tỷ đồng được không?

- Sáng kiến làm lợi cho công ty 4,5 tỷ đồng mà bạn hỏi đó là sáng kiến về nâng cao năng suất lao động, tận thu tài nguyên than ở những vị trí khó.

Cụ thể là tôi phổ biến, truyền đạt cho anh em đồng nghiệp thực hiện tốt kỹ thuật cơ bản, tránh việc làm đí sửa lại, tốn kém rất nhiều công sức và vật tư, thời gian. Đối với việc tận thu than ở những vị trí khó, tôi đề nghị đào những đường lò tránh, những cúp ngắn để bắn tận thu những trụ than bảo vệ. Đây là công việc tương đối vất vả nhưng lại tận thu triệt để tài nguyên, giá thành đầu tư khai thác lại ít.

Hoàng Nghĩa, nam - 28 tuổi: Công ty có tưởng thưởng cho anh một cách xứng đáng với những sáng kiến của anh không? Nếu có một điều ước để đời sống của công nhân than mỏ tốt hơn lên thì anh sẽ ước gì?

- Sau khi có sáng kiến, tôi đã được công ty công nhận và khen thưởng. Tôi cũng rất hài lòng về chế độ đãi ngộ của công ty. Công ty chăm sóc rất tốt về đời sống, ăn ở cũng như các chế độ của người lao động. Ngoài ra mức thu nhập của người lao động trong công ty cũng rất ổn định.

Đặc thù của công việc khai thác mỏ là rất vất vả và độc hại. Nếu được một điều ước, tôi sẽ mơ ước ngành than dần dần cơ giới hóa để giảm bớt sức lao động cho công nhân.

Các bạn hãy làm luôn đi, đừng thử

Vu Ca, nữ - 38 tuổi: Tôi thấy anh thu nhập bình quân năm 2014 là 256 triệu, bình quân 21.3 triệu đồng/ tháng so với mặt bằng chung thì như vậy là cao. Vậy tại sao anh em thợ lò vẫn không yêu nghề và bỏ sang làm công việc khác.

- Đúng vậy, thu nhập năm 2014 của tôi là 256 triệu đồng, bình quân 21.3 triệu đồng/ tháng. Nhưng trong ngành mỏ, để đạt được mức thu nhập như vậy không hề đơn giản, phải bỏ ra rất nhiều sức lực. Trong khi đó, các ngành nghề ngoài xã hội cũng có thu nhập không kém ngành mỏ là bao nhiêu mà lại không vất vả bằng ngành mỏ. Bên cạnh đó, theo tôi, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ sợ khó ngại khổ, không kiên trì. Vì vậy khi gặp khó khăn, các bạn đó không thể vượt qua.

Diệu Linh, nữ - 27 tuổi: Bạn có thể nêu những cái được và mất nếu các bạn trẻ muốn thử sức ở ngành này được không?

- Đầu tiên tôi nghĩ nghề mỏ rất bình thường, không vất vả lắm mà lại có thu nhập cao. Nhưng khi thực sự bước vào nghề, tôi mới thấy bên cạnh việc có thu nhập tốt thì đây còn là một nghề rất vất vả, nguy hiểm và độc hại. Đó chính là những điều mà các bạn trẻ sẽ có được và phải đối mặt khi đến với nghề mỏ.

Nhưng tôi nghĩ, các bạn cứ làm đi, đừng chỉ có “thử sức”, chỉ cần có lòng yêu nghề và nhiệt huyết với công việc chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn ấy.

Lê Trung Đức, nam - 38 tuổi: Tôi thấy người công nhân, người thợ ở Việt Nam giờ vẫn còn nhiều khó. Theo anh Xuân Trường thì điều kiện nào là quan trọng nhất để người công nhân Việt thoát nghèo?

- Để thoát nghèo thì cần nhiều yếu tố. Nhưng những yếu tố cơ bản nhất, theo tôi, người công nhân trước tiên phải có lòng yêu nghề, nhiệt huyết với công việc. Khi đó họ sẽ được ghi nhận và hưởng đồng lương xứng đáng với sức lao động mình bỏ ra.

Về phía các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có những chế độ đãi ngộ hợp lý, trả lương xứng đáng với sức lao động mà công nhân.

Quỳnh Liên, nữ - 45 tuổi: Có thể nói, ở một điểm xuất phát không cao nhưng Trường đã có những thành công thực sự trong công việc. Vậy bạn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khi mới bắt đầu một công việc không?

- Theo tôi nghĩ, một người mới vào nghề trước tiên phải có nhiệt huyết với công việc. Vạn sự khởi đầu nan, lúc bắt đầu bao giờ cũng khó khăn, nhưng khi khẳng định được mình, được mọi người ghi nhận, thì chúng ta sẽ dần dần sẽ cảm thấy yêu nghề. Khi đó, mọi áp lực công việc sẽ biến mất, chúng ta sẽ làm việc với tư tưởng rất thoải mái. Có như vậy chúng ta mới đạt được hiệu quả, năng suất cao. Và có lẽ đó cũng là điều giúp tôi thành công trong công việc.

{keywords}
Nguyễn Xuân Trường (thứ 2 từ trái sang) tại buổi giao lưu. Ảnh Lê Anh Dũng

Tôi từng dừng học lên cao vì phải lo cho gia đình

Trần Song Minh, nam - 33 tuổi: Để có tay nghề giỏi từ khi còn trẻ, bạn đã trải qua quá trình tôi luyện như thế nào? Sự nghiệp có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống riêng của bạn?

- Để có tay nghề giỏi thì xuyên suốt quá trình làm việc tôi luôn luôn đúc kết để rút ra những bài học kinh nghiệm, không ngừng tôi luyện bản thân để thích nghi với mọi công việc từ dễ đến khó.

Với tôi, sự nghiệp và cuộc sống riêng luôn song hành với nhau. Sự nghiệp càng thành công cuộc sống càng vui vẻ.

Phạm Trần Khánh Phương, nam - 24 tuổi: Anh Trường có thể kể về câu chuyện nào gây ấn tượng nhất với anh khi anh mới vào nghề không? Anh đã bao giờ ở vào những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm trong công việc chưa?

- Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trong những ngày mới vào công nhân, khi còn rất bỡ ngỡ với công việc và lần đầu tiên tiếp xúc với công việc độc hại, là phải mang vác những thanh vì chống sắt nặng đến 70kg đi trên những triền dốc 18 - 20o. Tôi đã bị trầy xước hết hai vai, tưởng chừng không thể tiếp tục được nữa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ động viên của các anh đi trước, dần dần mình đã quen với công việc. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi nhận được sự giúp đỡ lớn đến như vậy.

Những khó khăn tôi gặp rất nhiều, nhưng nguy hiểm thì chưa, bởi vì tôi là người rất cẩn thận trong công việc.

Thanh Thanh, nữ - 37 tuổi: Có một thực tế, nhiều bạn trẻ thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn nên có suy nghĩ không tích cực, thậm chí cực đoan nên dẫn đến những hành động phản cảm như đánh nhau, quay lưng lại với gia đình, sa ngã, có lối sống không lành mạnh... Trong môi trường anh có những nhân tố như vậy, anh sẽ chia sẻ với họ thế nào? Làm thế nào để họ vượt qua được khó khăn để sống tốt?

- Tôi có một người em trai bị bệnh từ năm học lớp 7, mất khả năng lao động. Có lẽ đây là động lực lớn nhất giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn trong công việc. Có nhiều khi tôi cũng thấy chán nản, nhưng khi nghĩ tới gia đình, nghĩ tới em trai, trong tôi lại tràn đầy nghị lực.

Tôi cũng thấy một bộ phận không nhỏ thanh niên sa ngã vào các tệ nạn xã hội, sống buông thả, không chăm lo cho gia đình. Qua cuộc giao lưu này, tôi muốn gửi tới các bạn một thông điệp là tuổi trẻ thì phải có nhiệt huyết, không sợ khó, không ngại khổ, càng khó khăn càng giúp ta tôi luyện bản thân tốt hơn. Quan trọng nhất là phải có lòng thương yêu gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và chính bản thân mình.

Hồng Khanh, nữ - 28 tuổi: Đã có khi nào em chán nghề công nhân của mình, muốn chọn một nghề khác đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn chưa?

- Ngày mới vào công nhân, cách đây 7 năm, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình, sự động viên giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể qua được.

Tôi cũng đã từng cảm thấy chán nghề, khihời gian đầu, khi mới vào làm, mình chưa có tay nghề nên bố trí vào những công việc rất vả và thu nhập thấp. Nhưng sau khoảng một năm cố gắng làm việc và rèn luyện, tôi được bố trí vào những công việc đòi hỏi tay nghề cao hơn nhưng có thu nhập tốt hơn.

Dần dần tôi mới hiểu, chỉ cần có lòng yêu nghề thì làm nghề nào chúng ta cũng có thể đạt được thành công. Đó cũng là lý do giúp tôi đạt được mức thu nhập như vậy.

Lê Trang, nữ - 25 tuổi: Câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" có vẻ đúng với anh, tuy nhiên xã hội Việt Nam vẫn chú trọng về bằng cấp và học hàm học vị, anh có định đi học tiếp ko?

- Theo tôi nghĩ được học lên cao là một điều ai cũng muốn, nhưng do hoàn cảnh gia đình tôi đã không thể đi học tiếp mà tốt nghiệp THPT tôi phải đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, đỡ dần bố mẹ chữa bệnh cho em.

Theo tôi, xã hội bây giờ vẫn trân trọng bằng cấp hơn là tay nghề. Với bản thân tôi, cơ hội về thăng tiến khá nhiều, nhưng tôi lại thiếu mất một tấm bằng. Tôi đã quyết định tháng 5/2015 này sẽ theo học Trường ĐH Mỏ - Địa chất hệ tại chức.

Nguyễn Xuân Trường (1985), công nhân Phân xưởng KT12 – Công ty Than Vàng Viacomin. Năm 2014, anh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ tỉnh Quảng Ninh, 1 trong 20 “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” tiêu biểu nhất toàn quốc. Anh có nhiều ý kiến hay, sáng kiến hợp lý hóa sản xuất cấp đơn vị góp phần cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng suất lao động làm lợi cho công ty trên 4,5 tỷ đồng, được tuyên dương là thợ trẻ giỏi, thu nhập cao năm 2013, 2014.

Ban Giáo dục