Không chỉ nổi tiếng nhờ các nghiên cứu về lỗ đen và lý thuyết kì dị hấp dẫn, nhà vật lý nổi tiếng thế giới còn đưa ra cảnh báo về những mối đe dọa nguy hiểm nhất tới sự sinh tồn của loài người.


{keywords}
Stephen Hawking mắc chứng xơ cứng teo cơ (ALS). Ông bị liệt người và phải sử dụng máy tổng hợp giọng nói.

Trí tuệ nhân tạo

Hawking là một trong số ít các nhà khoa học (nhưng đang ngày một tăng) thể hiện lo ngại về trí tuệ nhân tạo “mạnh” – loại trí tuệ có thể ngang bằng hoặc vượt xa trí tuệ một con người.

“Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hoàn chỉnh có thể là báo hiệu cho sự kết thúc của nhân loại” – Hawking nói với BBC hồi tháng 12/2014. Khẳng định này là câu trả lời cho một câu hỏi về hệ thống tổng hợp giọng nói trí tuệ nhân tạo mới mà ông đang sử dụng.

Cảnh báo của Hawking được một số doanh nhân tỷ phú như Elon Musk, CEO của SpaceX và Tesla Motors chú ý và gọi trí tuệ nhân tạo là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất” của loài người. Tháng trước, Hawking, Musk và hàng chục nhân vật quan trọng khác trong giới khoa học đã ký một lá thư ngỏ mô tả những rủi ro cũng như lợi ích của trí tuệ nhân tạo.

“Vì những tiềm năng lớn của trí tuệ nhân tạo, nên việc nghiên cứu cách áp dụng những lợi ích trong khi vẫn ngăn được những cạm bẫy là việc hết sức quan trọng” – nhà khoa học này viết trong bức thư được công bố rộng rãi bởi Viện Tương Lai Cuộc Sống – một tổ chức tình nguyện nhằm giảm thiểu các mối đe dọa tiềm năng với con người.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo nói rằng nhân loại gần như không thể phát triển được trí tuệ nhân tạo mạnh.

Tính hiếu thắng của con người

Nếu như máy móc không thể giết được con người thì chúng ta lại có thể giết chính đồng loại. Hawking tin rằng tính hiếu thắng của con người có thể tiêu diệt nền văn minh.

Nhà vật lý này từng có chuyến tham quan Bảo tàng Khoa học London với Adaeze Uyanwah – một giáo viên 24 tuổi chiến thắng một cuộc thi trên trang VisitLondon.com. Khi Uyanwah hỏi “Thiếu sót gì của con người mà ông muốn thay đổi nhất?” Hawking đã trả lời: “Thất bại mà tôi muốn thay đổi nhất của con người là tính hiếu thắng. Nó có thể mang lại những lợi thế sinh tồn trong thời kỳ nguyên thủy, để có nhiều thức ăn, vùng lãnh thổ hơn hay kết hợp với ai đó để tái sản xuất, nhưng ngày nay tính hiếu thắng đe dọa phá hủy tất cả chúng ta” – tờ The Independent trích dẫn.

Ví dụ, một cuộc chiến tranh hạt nhân lớn có thể sẽ kết thúc nền văn minh và có thể quét sạch loài người – Hawking nói thêm. Khi được hỏi phẩm chất nào của con người mà ông muốn được nhân rộng, Hawking chọn “sự đồng cảm”, bởi vì “nó đưa chúng ta lại gần nhau hơn trong mối quan hệ thân ái và hòa bình”.

Hawking nghĩ rằng thăm dò không gian vũ trụ sẽ là công việc quan trọng để đảm bảo sự sống còn của nhân loại. “Tôi tin rằng tương lai lâu dài của nhân loại phải là không gian bên ngoài Trái đất. Nó là bảo hiểm nhân thọ quan trọng cho sự sống còn của tương lai bởi vì nó có thể ngăn chặn sự biến mất của loài người bằng cách chiếm lấy các hành tinh khác”.

Cuộc sống ngoài hành tinh

{keywords}

Năm 2010, Hawking nói rằng nếu cuộc sống của những người ngoài hành tinh thông minh là có thật thì nó có thể không mấy thân thiện với con người.

“Nếu người ngoài hành tinh từng ghé thăm chúng ta thì tôi nghĩ hậu quả sẽ lớn hơn khi Christopher Columbus lần đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ - phát hiện mang lại kết quả không mấy tốt đẹp cho người Anh-điêng” – Hawking nói trong một tập phim của “Into the Universe with Stephen Hawking” – một chương trình chủ trì bởi kênh Discovery.

Nền văn minh tiên tiến của người ngoài hành tinh có thể khiến họ trở thành dân du mục, tìm cách chinh phục và xâm chiếm bất cứ hành tinh nào họ có thể với tới: “Nếu vậy, họ sẽ khai thác vật liệu ở mỗi hành tinh mới, xây dựng thêm phi thuyền không gian để di chuyển. Ai biết được giới hạn là gì?”

  • Nguyễn Thảo (Theo Livescience)