Xã hội nhiều năm phản ứng chuyện hệ thống giáo dục bị tách ra làm 2 mảng do 2 Bộ quản lý làm nát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, chồng chéo gây lãng phí, rối bài toán phân luồng. Giải pháp cho hồi kết thống nhất hệ thống giáo dục xem ra vẫn chưa hết lùng bùng khâu quản lý.

Giáo dục nghề nghiệp "thoát ly” GD&ĐT?

Chỉ có một nguyên lý để chống lãng phí rối rắm nằm đơn giản trong chân lý sau: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về hệ thống GD&ĐT, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Muốn vậy cần sửa đổi và đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp để phù hợp với Hiến pháp 2013 cũng như thực tế phát triển GD&ĐT của đất nước.

{keywords}
Các trường cao đẳng sẽ về đâu?

Khi hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề trình Quốc hội kỳ họp thứ 7, tháng 6 vừa qua, GS Nguyễn Minh Đường, Ủy viện Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực cũng đề nghị nên đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Nhưng mới đây, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBQG Đổi mới GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Các trường CĐ, TCCN sẽ tách khỏi Bộ GD&ĐT để sáp nhập vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Vậy là đầu mối quản lý giáo dục vẫn tồn tại 2 hệ thống riêng biệt thuộc hai Bộ và vẫn bị cắt khúc, khi giáo dục nghề nghiệp (sơ, trung cấp và CĐ) do Bộ LĐTB&XH quản lý, còn giáo dục từ mầm non đến hết phổ thông và đào tạo ĐH trở lên do Bộ GD&ĐT quản lý.

Thật khó tin cách "đổi chủ” đó hứa hẹn giúp người dân cải thiện được kỹ năng nghề nghiệp, có thêm cơ hội việc làm và thu nhập, góp phần làm cho hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH phát triển hài hòa, ổn định và bền vững.

Bộ GD&ĐT quản nhiều việc nhưng vì vậy mà cắt bớt chức năng giáo dục nghề nghiệp, hệ thống giáo dục sẽ lại rơi vào thảm trạng "cắt khúc”, trong khi ngành lao động cũng quá nhiều việc phải đương đầu, như tệ nạn xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo, gia đình người có công, bảo hiểm v.v...

Thống nhất quản lý Nhà nước về GD&ĐT là đòi hỏi tất yếu của đổi mới căn bản toàn diện. Nếu Bộ GD&ĐT nhiều việc và yếu kém, Chính phủ nên tăng cường sức mạnh cho Bộ, tăng cường phân cấp cho địa phương, thậm chí điều chỉnh người đứng đầu ngành nếu không đảm đương nổi trọng trách lớn.

Chuyện cũ chưa cũ

Thực ra cách đây ít năm, Bộ GD&ĐT từng chuẩn bị Đề án thành lập Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ GD&ĐT. Khi đó Ban Khoa giáo có ý kiến tán thành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng kiến nghị giao công tác dạy nghề cho Bộ này quản lý để thực hiện chức năng GD&ĐT. Sau đó khi tái thành lập Tổng cục dạy nghề, Chính phủ lại giao cho Bộ LĐTB&XH quản lý (Nghị định số 33/1998/NĐ-CP), vì dạy nghề cần gắn với việc làm và lao động.

Nhưng Tổng cục dạy nghề tách khỏi ngành giáo dục gây nên những lỗi hệ thống không thể khắc phục được nhiều năm nay. Nhà nước không có được các số liệu tin cậy về số nhân lực được đào tạo ra từ các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp nói chung, để phục vụ cho lập kế hoạch phát triển nhân lực.

Bộ GD&ĐT quản lý các trường TCCN, CĐ. Bộ LĐTB&XH quản lý các trường trung cấp nghề và CĐ nghề. Cả hai cùng làm tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình, bồi dưỡng đào tạo giáo viên, kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn nghề nghiệp, thanh tra kiểm tra, quy hoạch mạng lưới... Con số chi phí bị nhân đôi cho các nhiệm vụ đó.

Chỉ tính mỗi chương trình khung dạy nghề trình độ trung cấp nghề và CĐ nghề trung bình chi 480 đến 500 triệu đồng, nhân với cỡ 300 chương trình, hết khoảng hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đến hàng trăm chương trình khung TCCN không khác nhiều với chương trình khung dạy nghề. Chưa kể hình thành thêm cơ quan chức năng chuyên quản lý HS, SV ở hai Bộ cũng tốn gấp hai lần, làm phân tán nguồn lực.

Rối rắm "như canh hẹ” còn vì trên địa bàn cấp quận huyện nhiều năm tồn tại ít nhất 3 loại trung tâm đều dạy nghề/giáo dục nghề nghiệp do 2 Sở GD&ĐT, LĐTB&XH quản lý. Tất nhiên cũng lại 2 nguồn kinh phí cấp về theo 2 kênh quản lý nhà nước.

"Thủ phạm” của sự rối rắm, kém hiệu quả, làm khổ người học này lại chính là quản lý nhà nước bị chia cắt, chồng chéo trong vai trò, chức năng  đào tạo nhân lực giữa ngành giáo dục và ngành lao động. Trong khi ngành giáo dục đổi mới tuyển sinh, đào tạo, ngành lao động dường như đứng ngoài và ít có vai trò trong tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông…

"Tái cơ cấu” khiến nhiều trường… ngạc nhiên!

Tới đây nếu Luật Dạy nghề đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua, sẽ tác động lớn đến hệ thống GD&ĐT và chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, hầu hết các trường TCCN, CĐ đang thuộc Bộ GD&ĐT quản lý rất ngỡ ngàng khi họ thuộc diện "đổi chủ” nhưng lại không được tham gia trao đổi, bàn bạc góp ý kiến. Điều này trái với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bên liên quan, đối tượng điều chỉnh của Luật phải được góp ý kiến.

63 sở GD&ĐT, cùng trên 500 trường TCCN, CĐ hầu như không được hỏi ý kiến, vậy không biết Luật GDNN một khi được ban hành sẽ thực hiện thế nào? Do vậy cần lấy ý kiến rộng rãi các trường CĐ, TCCN và 63 sở GDĐT (đều do Bộ GD&ĐT quản lý) về Luật GDNN.

Đã đến lúc chúng ta cần thiết kế thống nhất khung các trình độ xuất phát từ yêu cầu thị trường lao động, đảm bảo tốt nhất cho việc hội nhập quốc tế về văn bằng và công nhận trình độ gắn với các vị trí việc làm trong thị trường này.

Thật khó tưởng tượng việc tái cơ cấu GD nghề nghiệp và quy hoạch tốt mạng lưới cơ sở GD nghề nghiệp ở các địa phương, đáp ứng các trình độ nhân lực thị trường lao động có nhu cầu và hội nhập cộng đồng ASEAN năm 2015, mà lại thiếu vắng vai trò Bộ GD&ĐT.

Trao đổi băn khoăn này, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, đâu phải chỉ dạy nghề mới gắn với việc làm, mà cả hệ thống GD&ĐT, kể cả ĐH và sau ĐH đều gắn với việc làm, gắn với nhu cầu xã hội. Hơn nữa, còn chia cắt trong quản lý nhà nước thì sẽ còn tình trạng mất cân đối cơ cấu trình độ, còn tình trạng phát triển GD&ĐT thiếu quy hoạch: Dạy nghề ít người học, ĐH nhiều người học để rồi thất nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cho biết về giáo dục TCCN, "... hiện 90% công việc quản lý nhà nước Bộ GD&ĐT đã giao cho địa phương, tức UBND và Sở GD&ĐT đang thực hiện rất tốt”.

Như vậy, việc chia cắt trong quản lý hiện nay về GD&ĐT chưa có cơ sở khoa học và đi ngược tinh thần đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ ra, đó là đột phá về thể chế với tinh thần chủ đạo là đẩy mạnh cải cách hành chính.

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang lộ những yếu kém, nhưng xem ra sự tái cơ cấu GD&ĐT lại rất có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đào tạo nhân lực, không đáp ứng cho hội nhập quốc tế. Do đó, điều quan trọng là cần làm rõ trước Quốc hội, Bộ trưởng nào phải chịu trách nhiệm về tình trạng mất cân đối cơ cấu trình độ nguồn nhân lực lâu nay.

Theo Phương Nguyễn - Đại Đoàn Kết