- Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion vừa  báo cáo kết quả khảo sát xã hội về "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh".

Theo đó, trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng...) từ rất sớm: Dưới 3 tuổi chiếm đến 19%, 3 - 5 chiếm 59% trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát. Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ mỗi ngày.

Số trẻ sử dụng trên 4 giờ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4-7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết).

Trẻ làm gì trên thiết bị số?

Câu trả lời của khảo sát này là: Chơi game, nghe nhạc, xem phim, đọc truyện, học tập.

Cụ thể, bé gái chơi các trò chơi ứng dụng vẽ tranh sáng tạo (74%); Các ứng dụng liên quan đến âm nhạc, đàn hát (48%); Học ngoại ngữ (74%) - Đánh vần (59%); Nghe nhạc thiếu nhi, xem phim hoạt hình - thích phim hoạt hình VN hơn bé trai (12%)

Bé trai chơi trò chơi giải trí thông thường (71%); Trò chơi trí tuệ (50%); Học toán (48%); Nghe nhạc, xem phim - thích nhạc và phim của nước ngoài hơn bé gái (12%).

Những nội dung/chương trình do phụ huynh tải xuống cho trẻ có xu hướng về học tập, giáo dục. Những nội dung/chương trình do trẻ tự tải về thường là trò chơi và giải trí.

Những khoảng thời gian trẻ không đến trường, phụ huynh thường có xu hướng cho trẻ sử dụng thiết bị số để vui chơi, giải trí tại nhà. Nhiều phụ huynh thú nhận rằng đây là một cách "giữ trẻ" khi họ không thể vui chơi, trò chuyện cùng con cái.

Một loạt nguy cơ/ tác hại tiêu biểu đã được “kiểm chứng” qua những con số khảo sát: Trẻ dễ xao nhãng việc học hành (69%); Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung thiếu lành mạnh (66%); Trẻ có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân hơn (56%); Trẻ có khuynh hướng ít vận động hơn (73%); Trẻ có nguy cơ bị các bệnh về mắt (85%); Dễ gây nghiện (đến mức quên ăn, ngủ, không còn quan tâm đến thế giới thực xung quanh) (75%); Giảm khả năng tư duy và tưởng tượng (34%).

Phụ huynh: Quản lý theo cảm tính

Kết quả khảo sát này cho thấy đa phần phụ huynh dưới 35 tuổi nghiêng về hướng ủng hộ mạnh mẽ. Trong khi nhóm không ủng hộ gồm phần nhiều là các phụ huynh có độ tuổi nhiều hơn 35.

Tuy nhiên, nhóm khảo sát cũng nhận định đa phần phụ huynh không thực sự có thông tin và kiến thức cụ thể trong việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Cho nên, họ không biết thời lượng mà trẻ được phép sử dụng bao nhiêu mỗi ngày, mỗi tuần là hợp lý. Đồng thời, không thực sự rõ tác hại, tác dụng mà chỉ có được những thông tin mơ hồ.

  • Ngân Anh