- Điều này chỉ làm được nếu nền giáo dục đào tạo được học sinh một cách toàn diện; nhà trường, chương trình đào tạo buộc phải học đều” – GS.TS Đỗ Thanh Bình, Nguyên trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến.

GS.TS Đỗ Thanh Bình, Nguyên trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Để thầy thuốc không chỉ là cái máy!

Nếu chọn môn văn hay nói rộng ra là các môn khoa học xã hội như lịch sử khi tuyển sinh vào trường đại học y thì quá tốt. Không phải vì mình bên khoa học xã hội mà đặt vấn đề này. Đây là câu chuyện, mong mỏi của cả xã hội.

{keywords}
GS.TS Đỗ Thanh Bình (Ảnh: Văn Chung).

Nhiều khi bác sĩ vào phòng khám, gặp bệnh nhân với thái độ dửng dưng hay con mắt xa lạ, lạnh lùng đã đủ làm người ta sợ rồi. Anh chỉ nhìn bệnh nhân là con bệnh. Còn bệnh nhân đi khám nhìn bác sĩ bằng con mắt cầu cạnh, sợ sệt. Nhưng giỏi chuyên môn chưa đủ. Đừng chỉ cho bệnh nhân mũi tiêm đau, hãy cho nhiều hơn những lời san sẻ, động viên.

Tôi cũng đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Nếu con người thiếu đi lòng nhân ái thì khác nào cỗ máy.

Các nước khác như Mỹ trong các kỳ thi quan trọng, học sinh đều phải vượt qua các bài thi ở các môn xã hội như văn hay lịch sử. Việc tuyển dụng người vào làm việc cần có yêu cầu bắt buộc đối với các ứng viên như phải hiểu anh làm cho ai, lịch sử nơi anh sẽ làm,…

Năm nay với việc các trường được tự chủ tuyển sinh, tự xác định các tổ hợp môn thi theo định hướng nghề nghiệp tương lai của sinh viên có thể là một bước tiến tích cực.Về lâu dài khi xã hội trân trọng, người học ra trường có thể tìm kiếm một công việc tốt thì chắc chắn việc học các môn khoa học xã hội sẽ càng thân thiết, gắn bó hơn.

Ở Mỹ họ sẵn sàng có chính sách cho những sinh viên ngành khoa học xã hội nhân văn vào trường y bởi sinh viên có tư duy, biết làm khoa học học nghiêm túc. Nếu các em học đều hoặc tương đối đều các môn khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên thì đây sẽ là xu hướng tốt. Điều này chỉ làm được nếu nền giáo dục đào tạo được học sinh một cách toàn diện; nhà trường, chương trình đào tạo buộc phải học đều.

Ở Pháp, tôi được biết ngành sư phạm chỉ đào tạo cho những người đã tốt nghiệp ở một trường đại học khác. Anh học luật, sử, văn,…xong rồi, ra làm việc được rồi nhưng vì ham thích sự phạm mới thi vào. Sau khoảng thời gian mấy năm anh sẽ được đào tạo tốt về chuyên môn. Người dân vì vậy, nhìn người thầy với con mắt cực kỳ tôn trọng.

Tôi nghĩ trường y cũng nên làm như vậy. Và đào tạo thay vì chỉ 6-7 năm như hiện nay phải nâng lên từ 10-12 năm.

Tuy nhiên để khuynh hướng này phát triển ở VN ít nhất là trong 3 năm tới sẽ là điều khó. Dù Nhà nước có chính sách nhưng muốn áp dụng ngay cũng chưa thể thực hiện khi không có sự vận động thay đổi chung của xã hội, học sinh. Thử hỏi đội ngũ các trường y dược hiện nay nếu lấy toàn các em giỏi văn, ngoại ngữ, sử, địa các thầy có thỏa mãn không.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống,  Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT): Môn văn ngành nào cũng cần.

{keywords}
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. (Ảnh: Văn Chung).

Xét trên diện rộng, ở các nước những môn học công cụ như văn học, toán học đều được chú trọng không chỉ ở phổ thông mà xuyên suốt trong quá trình từ trường học ra trường đời: từ kiểm tra đánh giá đến tuyển dụng.

Ở Mỹ hay Úc chẳng hạn, họ yêu cầu học sinh phải có khả năng đọc hiểu ở tất cả các môn, không riêng gì môn văn.

Tôi tán thành quan điểm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi môn văn có thể cung cấp công cụ giúp người học tư duy, nói năng giao tiếp mạch lạc, viết lách đúng quy cách. Đây là kĩ năng không chỉ ngành y mà mọi ngành nghề đều cần. Bác sĩ ngoài chuyên môn tốt cần có tâm hồn nhân văn nhân hậu. Lòng thương người, nhân từ lại bắt nguồn rất nhiều từ môn văn.

Nói giáo dục toàn diện cho học sinh không phải ta phải dạy tất cả các môn đầy đủ mà dạy người học có chuyên môn giỏi và một tấm lòng, tâm hồn biết bao dung.

Việc đưa môn văn vào tuyển sinh ngày y là lựa chọn của từng trường nhưng tôi hi vọng các trường cân nhắc ý kiến này. Còn mức độ nặng nhẹ thì kiến thức hóa-sinh cần hơn có thể nhân hệ số 2, văn học có thể ở hệ số 1 hoặc là môn điều kiện.

PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Thế giới đã làm từ lâu!

{keywords}

PGS.TS Ngô Minh Oanh. (Ảnh: Lê Huyền).


Đề xuất lấy môn văn làm một trong những môn tuyển sinh vào trường y của một số trường y và được người có vị trí cao nhất ngành y đồng tình làm mọi người đi từ ngạc nhiên đến thích thú và đồng tình.

Xét về lịch sử, do ảnh hưởng của Nho giáo nước ta là một đất nước “trọng văn”. Các cụ ngày xưa muốn ra làm quan “trị nước, giúp đời” đều phải dùi mài kinh sử, sách vở “thánh hiền”.

Một lỗ hổng tri thức quá lớn về con người và xã hội đã tạo nên những con người vô cảm, lạnh lùng dù người đó là một bác sỹ, kĩ sư hay một nhà quản lý. Và hệ quả đã quá rõ khi hàng ngày các thông tin về các vụ trọng án được phản ánh trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác.

Ở Mỹ, trường y đã ưu tiên tuyển sinh đầu vào là những sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành xã hội - nhân văn. Ở Cộng hòa liên bang Đức, các trường y lấy điểm môn lịch sử là một trong những môn xét tuyển đầu vào. Ở Liên bang Nga, trong chương trình đào tạo Cử nhân hóa học của Trường Đại học Tổng hợp Liên bang miền Nam (vùng sông Đông), sinh viên phải học đến 712 tiết tiếng Nga, 176 tiết lịch sử, chưa kể các môn Triết, Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Luật, Tâm lý và Giáo dục học… khoảng 716 tiết trên tổng số 7.984 giờ học của sinh viên phải học, chiếm trên 21%.

Những ví dụ trên cho thấy sau một thời kỳ phát triển, các nước đã nhận thức được vai trò quan trọng của các môn khoa học xã hội – nhân văn đối với việc đào tạo những ngành nghề mà cứ tưởng không “dính dáng” gì đến các môn khoa học xã hội – nhân văn.

Về lâu dài, không chỉ ngành y mà các ngành khoa học tự nhiên khác cần nghiên cứu kỹ hơn yêu cầu về nghề nghiệp, nhất là những ngành nghề cần đến năng lực tư duy logic, diễn đạt và thường xuyên quan hệ với con người thì trong tuyển sinh và đào tạo cần lưu ý đến các môn học thuộc khoa học xã hội - nhân văn.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý cái căn bản, nền tảng vẫn phải là ở giáo dục phổ thông. Bởi nếu không cẩn thận thì điểm đầu vào của môn học có thể cao nhưng cũng chỉ là điểm số, không thực chất.

Việc dạy học các môn khoa học xã hội - nhân văn ở trong nhà trường cần phải đổi mới mới căn bản, hạn chế lý thuyết, những nội dung giảng dạy thiết thực, tăng cường trải nghiệm, gắn việc học với những hoạt động thục tiễn cụ thể, tạo niềm tin và tính bền vững trong suy nghĩ và hành động của người học.

  • Văn Chung - Lê Huyền