- Hàng nghìn công nhân các khu công nghiệp (KCN) – khu chế xuất (KCX) có nhu cầu gửi con nhưng “cung” không đủ “cầu”…

Vấn đề một lần nữa được đưa ra tìm giải pháp tháo gỡ tại Hội nghị Tìm giải pháp phát triển mầm non KCN-KCX do Bộ GD-ĐT chủ trì cùng 7 tỉnh, thành phố tổ chức tại TP.HCM ngày 4/10.

Những con số đối lập

{keywords}

Bà Phạm Thị Hải, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai

Số liệu về khu công nghiệp, dân nhập cư, số lượng công nhân đối lập hoàn toàn với số lượng trường mầm non dành cho con em những đối tượng này.

Tại TP.HCM trong năm từ 2007 đến 2012 lượng dân nhập cư tăng thêm hơn 1 triệu người (7,2 triệu lên 8,3 triệu). Các trường công lập cơ sở vật chất trường lớp chật hẹp, sĩ số trẻ trong lớp học từ 40 - 50 trẻ, đặc biệt có lớp sĩ số lên đến  60 trẻ/lớp.

Thành phố có 15 KCN-KCX với trên 250.000 lao động trong đó có 149.137 lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu gửi con.

Thế nhưng, nhà trẻ cho con công nhân mới chỉ có 23 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng quỹ đất là 58.745 m2, dự kiến đáp ứng khoảng 6.650 trẻ em. Trong đó 6 dự án đã đi vào hoạt động đáp ứng cho 1.930 trẻ; 6 dự án đang trong quá trình triển khai thi công đáp ứng 2.185 trẻ; 11 dự án đã dành quỹ đất để chuẩn bị đầu tư dự kiến sẽ đáp ứng trẻ hơn 2.500 trẻ.

Toàn tỉnh Đồng Nai có 28/31 KCN-KCX đã hoạt động với 443.000 lao động trong đó 60% dân nhập cư; Trong tổng số lao động này có khoảng 70% lao động có nhu cầu gửi con. Thế nhưng mới chỉ có 3 trường mầm non dành cho con công nhân tại 3 công ty.

Riêng tỉnh Bình Dương năm 2014 có 1,952 triệu dân tăng 90.000 người so với năm trước kéo theo lượng trẻ có nhu cầu đền trường tăng 6.000 -9.000 trẻ/năm. Trong khi đó hàng nghìn trẻ mầm non đang phải gửi vào các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục.

Nhiều giải pháp vẫn vướng văn bản

{keywords}

Bà Phạm Thị Huệ Trang, trưởng phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT Bình Dương

Trưởng phòng GD mầm non (Sở GD-ĐT Bình Dương) bà Phạm Thị Huệ Trang cho biết, Bình Dương đã đưa ra 8 giải pháp nhưng vẫn không giải quyết nổi nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh là công nhân ở KCN-KCX.

Nguyên nhân là do việc tìm quỹ đất để xây dựng trường mầm non tại các khu đô thị, dân cư, công nghiệp để xây dựng trường mầm non theo điều lệ trường mầm non (8m2/trẻ) và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất khó.

Lượng giáo viên mầm non thiếu hụt, đặc biệt giáo viên tư thục do chất lượng lao động của GVMN đặc thù cùng với nhu cầu lao động công nghiệp – thương mại- dịch vụ của doanh nghiệp, tư nhân lớn nhưng thu nhập lương giáo dục mầm non thấp.

Nhu cầu gửi trẻ thông tầm (thứ 7, chủ nhật hàng tuần và từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày) do phụ huynh công nhân làm việc tăng ca, các trường mầm non chưa thể đáp ứng được việc giữ trẻ. Các văn bản quy định về xã hội hóa chưa áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có quy mô nhỏ.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hải, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết, tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó trường mầm non cho trẻ con công nhân nhưng vướng mắc quá nhiều văn bản.

Cụ thể, Nghị định 29/NĐ-CP quy định không được xây dựng trường học trong các KCN-KCX là rào cản trong việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân. Các KCN đã quy hoạch được quỹ đất lại ở xa dân cư, không thuận việc đi lại của dân. Các KCN đông công nhân, nhu cầu xây trường lớn lại không tìm được đất sạch do vướng đền bù, giải tỏa.

{keywords}

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM 

Nghị định 164/2013/NĐ-CP cho phép sử dụng đất trong KCN để triển khai các dự án xã hội hóa như nhà công nhân, giáo dục, y tế. Theo văn bản này những dự án xã hội hóa được miễn thuế đất. Tuy nhiên, tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đất đai năm 2013 quy định các dự án xã hội hóa khi thuê đất trực tiếp với nhà nước mới miễn giảm tiền thuế đất. Trong khi các doanh nghiệp đầu tư vào KCN không thuê đất trực tiếp từ nhà nước mà thông qua công ty hạ tầng KCN nên không được miễn giảm.

Quyết định 404/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN-KCX đến năm 2020 giao hội liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì chưa có nguồn vốn để xây trường.

Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị chính phủ điều chỉnh Nghị định số 29/2008/NĐ-CP cho phép bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động trong KCN, KCX và Khu kinh tế.

Đồng thời, cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế để khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển các trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các KCN-KCX để giữ trẻ cho con công nhân.

Lê Huyền