Hầu hết các trường THPT ở TP.HCM đều biên soạn những bộ giáo trình riêng để giảng dạy dưới dạng “lưu hành nội bộ”, thay vì sử dụng SGK của Bộ GD&ĐT.

Thầy Nguyễn Duy Hiếu, trưởng bộ môn toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết nhà trường đang có kế hoạch biên soạn bộ SGK dành cho học sinh (HS) trong trường. Ban giám hiệu trường kêu gọi các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy thành lập tổ biên soạn và in ấn. Hiện tổ biên soạn này đang chờ văn bản hướng dẫn chương trình mới của Bộ GD&ĐT để bắt tay thực hiện.

Chỉ được… lưu hành nội bộ

Nhưng vì sao phải có một bộ SGK riêng cho nhà trường? Thầy Nguyễn Duy Hiếu cho rằng SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn, mà cụ thể là môn toán không phù hợp với trình độ của HS nhà trường. Thầy Hiếu cho biết từ nhiều năm qua, tổ bộ môn toán đã viết bộ giáo trình riêng để phù hợp cho việc giảng dạy của giáo viên và việc học của HS. Các tổ bộ môn khác trong trường cũng biên soạn giáo trình riêng. “Các SGK hiện nay nặng phần lý thuyết mà thiếu các dạng bài thi đại học. Nếu HS chỉ học trong SGK thì chỉ có thể đậu tốt nghiệp THPT, còn khi tiếp cận với đề thi đại học các em sẽ bỡ ngỡ. Vì vậy chúng tôi đưa thêm những bài tập nâng cao, đề thi đại học… vào trong giáo trình để HS có thể tiếp cận nhiều dạng bài tập toán” - thầy Hiếu chia sẻ.

Tại TP.HCM, nhiều trường THPT đã biên soạn các giáo trình riêng từ rất sớm như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Lê Quý Đôn, THPT Võ Thị Sáu... Có giáo trình ra đời cùng thời điểm thay đổi SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì (năm 2006).

{keywords}

Thầy Đồng Văn Ninh, tổ trưởng bộ môn vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, giới thiệu bộ giáo trình vật lý dành cho HS lớp 10,11,12

Thầy Đồng Văn Ninh, tổ trưởng bộ môn vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết từ năm 2006, thầy và trò trong trường đã học theo giáo trình vật lý do tổ vật lý biên soạn. “Khi đó nhận thấy nhiều HS than phiền kiến thức trong SGK quá khô khan, khó tiếp thu, kiến thức mang tính hàn lâm… Vì vậy các giáo viên bộ môn trong trường đã họp và bàn viết một giáo trình mới để HS dễ tiếp thu. Tôi phân công các giáo viên có kinh nghiệm mỗi người chia nhau viết một phần rồi gộp lại thành bộ giáo trình vật lý. Sau nhiều năm bổ sung, hiện nay bộ giáo trình vật lý lớp 10, 11, 12 được in và dùng nội bộ trong nhà trường”- thầy Ninh kể.

Như vậy việc biên soạn SGK không phải là vấn đề quá khó khăn (về đội ngũ biên soạn, về kinh phí biên soạn…) như có ý kiến lo ngại. Tuy nhiên, các giáo trình trên đều không phát hành công khai mà luôn “núp” dưới dòng chữ “lưu hành nội bộ”.

Luồng gió mát

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK. Chủ trương này như luồng gió mát thổi qua các trường.

Theo thầy Nguyễn Duy Hiếu, việc đa dạng hóa SGK để phục vụ việc dạy và học của thầy trò là cần thiết. Khi đó giáo viên sẽ có nhiều lựa chọn để giảng dạy và HS cũng có nhiều cách tiếp cận với các môn học. Ví dụ khi trường có giáo trình toán thì HS thích thú và có thể tự học với giáo trình. Điều này khiến HS chủ động trong việc học và tiếp cận với kiến thức” - thầy Hiếu phân tích.

Thầy Đồng Văn Ninh thẳng thắn cho rằng do trước đây chưa có chủ trương rõ ràng nên việc viết giáo trình như cách làm hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; các tổ bộ môn các trường mạnh ai nấy làm mà không có sự tập trung trao đổi. “Bên cạnh đó việc học của HS hiện nay quá chú trọng vào việc thi cử nên các giáo trình còn nặng phần giải bài tập. Trong khi đó chúng ta lại bỏ quên việc dạy cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tiếp cận tri thức và trau dồi kỹ năng sống” - thầy Ninh tâm sự.

Các nhà giáo tin rằng với chủ trương có nhiều bộ SGK, lúc đó việc biên soạn được công khai, các hạn chế trên sẽ được khắc phục. Các HS sẽ có nhiều bộ SGK để lựa chọn phục vụ cho việc học của mình.

Kiến thức trong SGK bị lỗi thời

Không chỉ HS trong các trường THPT công lập, các trường tư thục cũng biên soạn những giáo trình riêng. Theo ông Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, hiện nay các tổ bộ môn trong trường đều viết giáo trình riêng để dạy học. Bởi theo ông Độ, nội dung trong một số SGK hiện nay xa rời thực tế, không thường xuyên cập nhật nên một số kiến thức đã lỗi thời, việc bố trí chương trình không hợp lý làm HS khó tiếp thu.

Theo Huyền Vi (Pháp luật TP.HCM)