- Đó là những vấn đề được các báo đề cập nhân đầu năm học mới. Những bài học "lá lành đùm lá rách" cho những chủ nhân tương lai của đất nước dường như đối nghịch với những gì người lớn đang làm.

Khi mà các trường học phát động quyên góp từng quyển SGK cũ ủng hộ trẻ vùng khó - thì đâu đó vẫn có hàng chục phòng học bỏ không, trường học đầu tư vài chục tỷ rồi bỏ đó. Rồi những dự án hàng ngàn tỷ đồng dự kiến đưa máy tính bảng vào trường học chưa hết tranh cãi - lại đến dự án vài chục tỷ để mua sắm bảng tương tác và phòng học chuyên dụng (phòng LAB) cho việc dạy và học ngoại ngữ...

Những dự án ngàn tỷ, vì ai?

Hẳn, bạn đọc vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho việc vào đầu năm học TP.HCM có thực hiện việc đưa máy tính bảng áp dụng cho khối 1,2,3 nữa không - nhưng câu chuyện đang tạo làn sóng phản ứng ngược từ phía phụ huynh và các chuyên gia.

Nếu đề án được thông qua, đồng nghĩa những người phụ trách đề án này sẽ "có" 4.000 tỷ đồng để "nhân danh làm sách giáo khoa điện tử" mà hiệu quả được nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Sẽ có nhiều học sinh cận lên, giáo viên sẽ không "theo kịp" để quản thêm 60 cái máy tính bảng...Và hệ quả xa hơn là lãng phí không nhỏ túi tiền của phụ huynh và không phải ai cũng có tiền để mua máy tính bảng?

Đề án 4.000 tỷ chưa kịp lắng - thì báo Thanh niên ngày 3/9 có phản ánh về "Nguy cơ lãng phí mua sắm thiết bị giáo dục tại Nghệ An". Theo bài báo nêu, Sở GD-ĐT Nghệ An đang đầu tư 30 tỉ đồng thực hiện dự án dạy, học ngoại ngữ với việc mua sắm bảng tương tác và phòng học chuyên dụng (phòng LAB) đang bị Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh khuyến cáo là 'xé rào'. Số tiền này từ nguồn ngân sách đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.

{keywords}

Phòng học LAB do Sở GD-ĐT Nghệ An đầu tư (Ảnh: Thanh niên)

Việc đầu tư trên được thực hiện trong khi văn bản số 7110 ngày 24/10/2012 của Bộ GD-ĐT quy định danh mục các thiết bị dạy, học ngoại ngữ, không có thiết bị bảng tương tác và phòng LAB. Trước đó, văn bản số 6414 quy định các trang thiết bị dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp như hiện nay, Bộ chưa khuyến khích xây dựng các phòng LAB, ngoài các trường chuyên đào tạo về ngoại ngữ.

Được hỏi, bà Nguyễn Thị Minh, Phó phòng Cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT Nghệ An (đơn vị trực tiếp tham mưu mua sắm các loại hình thiết bị này) cho biết, trong dự án mua sắm thiết bị ngoại ngữ này, sở đã mua 15 phòng LAB với giá 200 triệu đồng/phòng và đang hoàn thành thủ tục để mua sắm tiếp phòng LAB, bảng tương tác và máy chiếu.

Tuy nhiên, khi được hỏi về tính hiệu quả và nguy cơ lãng phí từ việc mua sắm kể trên, bà Minh cho rằng, do mới sắm nên sở cũng chưa đánh giá được hiệu quả của các phòng học này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2013, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 6.000 tỉ đồng trong khi tổng chi hơn 16.000 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt gần 3.490 tỉ đồng, tổng chi ngân sách cùng thời điểm là gần 7.440 tỉ đồng. Mặc dù hàng năm đang phải trông chờ vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ T.Ư (khoảng 60%), nhưng tỉnh Nghệ An vẫn phê duyệt dự án mua sắm thiết bị dạy, học ngoại ngữ công nghệ cao trong khi chưa có đủ cơ sở để khẳng định những thiết bị này có hiệu quả trong dạy, học hay không.

Trường học tiền tỷ bỏ hoang

Báo Tuổi trẻ cho hay, đầu năm học mới 2014- 2015, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) có 40 điểm trường ngừng hoạt động với 59 phòng học không sử dụng, tập trung ở bậc học mầm non và tiểu học.

Các điểm trường, phòng học này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn thuộc chương trình 135, chương trình 159 xóa phòng học tranh tre, nứa lá; dự án hỗ trợ xây trường của Canada... với mức đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/phòng.

Theo ông Lê Nhân Trí - phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Như Xuân, trước đây số lượng học sinh đông, giao thông đi lại ở vùng sâu vùng xa rất khó khăn nên học sinh không thể đến trung tâm xã để học. Do vậy, tại các bản phải xây dựng điểm trường lẻ, phục vụ phổ cập giáo dục. Ba năm trở lại đây, số lượng học sinh ngày càng giảm, các điểm trường lẻ không đủ học sinh đến học. Bên cạnh đó, đường giao thông đến các bản xa được nâng cấp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại nên các gia đình thường đưa con đến trường trung tâm xã học.

Đó là câu chuyện lãng phí ở một huyện miền núi, nhưng ngay giữa Sài Gòn lại tồn tại một ngôi trường được đầu tư 20 tỷ đồng bị bỏ hoang trong khi thành phố đang thiếu chỗ học trầm trọng. Với diện tích 6.500 m2 tại quận 6, TP HCM - Trường Tiểu học Phú Định đang trên đà xuống cấp trầm trọng với nền sụt lún, tường nứt toác, trang thiết bị rệu rã... vì bỏ hoang nhiều năm nay.

{keywords}
Ngôi trường đầu tư 20 tỷ...

{keywords}
...đang xuống cấp (Ảnh: Vnexpress)

Cử nhân thất nghiệp, giáo viên ngồi chơi

Câu chuyện tiền tỷ như trên - người ta còn dự được độ lãng phí ở mức độ nào. Nhưng có những sự lãng phí khó cân đo đong đếm...

Báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/5, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân băn khoăn về thông tin 72.000 người tốt nghiệp CĐ, ĐH và sau ĐH chưa có việc làm và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, thực hiện các giải pháp đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội (trong thực tế thì theo số liệu của Bộ LĐ-TB và XH, con số thất nghiệp là 158.000 người).

Báo Lao động ngày 31/7/2014 có loạt bài phản ánh thực trạng "Giáo viên ngồi chơi xơi ngân sách" ở tỉnh Bình Phước gây lãng phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Theo số liệu đăng trên trang web của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, vào tháng 9/2009, cấp học THPT có 27.351 học sinh, với 740 lớp và 1.697 giáo viên. Thế nhưng vào tháng 9/2013 (năm học 2013-2014), cấp THPT có 26.770 học sinh (giảm 581 học sinh), với 799 lớp (tăng 59 lớp) và 1.931 giáo viên (tăng 234 giáo viên).

Kết quả kiểm tra và phân tích của Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước có tình trạng kê khống lớp học, giãn lớp, phân chia sĩ số học sinh thấp đã làm tăng số lớp học dẫn đến tăng biên chế không cần thiết, gây lãng phí ngân sách ở tỉnh Bình Phước.

N.H (tổng hợp)