- Nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc nhưng nhiều thủ khoa không tìm được việc như mong muốn. Có bạn học tiếp nuôi hi vọng tấm bằng sẽ giúp tìm việc dễ hơn, có người đi làm nhân viên chăm sóc khách hàng hay kinh doanh quần áo.

Vũ Huyền Vân, cô gái quê Thái Bình đỗ thủ khoa xuất sắc ngành Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, ước mơ lớn nhất của Vân là được làm trong các cơ quan nhà nước vì tính ổn định, được tạo điều kiện học tập nghiên cứu.

Hiện, Vân chưa tìm được nơi nào để nộp hồ sơ. Dù là thủ khoa xuất sắc nhưng theo Vân Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng không có chính sách giữ chân sinh viên giỏi ở lại làm giảng viên.

Tới đây cô sẽ ôn để dự thi vào làm giảng viên của trường. Nếu không đỗ Vân sẽ học tiếp lên thạc sĩ tại trường, hi vọng với sự nỗ lực của bản thân và tấm bằng cao hơn có thể dễ tìm được công việc như mong muốn.

Không thể xin được vào làm nhà nước với tấm bằng xuất sắc 9,06/10- thủ khoa ngành Kế toán (Trường ĐH Hòa Bình) - Nguyễn Thị Mai đã quyết lên Điện Biên lập nghiệp với nghề bán quần áo.

{keywords}

Thủ khoa ngành kế toán Trường ĐH Hòa Bình Nguyễn Thị Mai

Buồn bã vì tấm bằng loại ưu từ một trường dân lập cấp và bị đánh giá thấp hơn các ứng viên khác, Mai cũng đã tìm cơ hội tại nhiều doanh nghiệp tư nhân. Sau một thời gian chán nản vì khó xin việc tại Hà Nội, cô thủ khoa từ bỏ ý định bám trụ lại thủ đô và lên Điện Biên kinh doanh quần áo, bắt đầu từ việc đi bán thuê.

Với sự hỗ trợ của bố mẹ và các chị, Mai chia sẻ đã có được một số vốn nhất định để sau thời gian học việc có thể tự mở một cửa hàng quần áo của riêng mình tại Điện Biên. Mai hi vọng khi công việc kinh doanh sẽ diễn ra thuận lợi, khi lớn mạnh hơn chính cô sẽ tuyển những sinh viên học trường dân lập từng “yếu thế” như mình.

Trong khi đó, thủ khoa xuất sắc Nguyễn Thị Tố Uyên (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) đã đi làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một doanh nghiệp từ tháng 6 với mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Trước đó, dù nộp hồ sơ vài nơi nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên Uyên không được ứng tuyển vị trí kế toán.

{keywords}

Thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Tố Uyên.

Biết được chính sách thu hút thủ khoa của thành phố Hà Nội, Uyên cũng muốn tìm cơ hội nhưng chưa biết cơ quan nào cần tuyển để làm đơn. Dù đạt được nguyện vọng hay không, Uyên cũng dự định thời gian tới tìm việc phù hợp với chuyên ngành kế toán.

Thủ khoa Nguyễn Thanh Thủy (Học viện Hành chính Quốc gia) cũng đang loay hoay tìm kiếm việc làm và đi học thêm tiếng Anh. Khi còn là sinh viên, cô dành nhiều thời gian tham gia hoạt động đoàn hội; khi thực tập thì chăm chút cho các kỹ năng nhỏ, từ cách in ấn photo, cách sửa lỗi nhỏ ở máy tính… để tránh mang tiếng "cử nhân không đánh nổi văn bản".

Mong muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước, cụ thể là vào làm việc tại Thành đoàn Hà Nội. Theo Thủy, đi làm nhà nước dù lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt hiện nay nhưng ổn định, phù hợp với con gái và tân thủ khoa cũng có thời gian học tiếp lên cao học. Dù lương thấp nhưng cô vẫn muốn thử sức.

May mắn hơn, Quỳnh Anh cô gái đến từ Uông Bí, Quảng Ninh (thủ khoa đầu vào và đầu ra Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội) có thu nhập ổn định từ 7-10 triệu/tháng khi đi dạy thêm ở một trung tâm năng khiếu-nghệ thuật có tiếng tại Hà Nội. Trong cuộc sống, Quỳnh Anh cũng được sự giúp đỡ rất nhiều từ gia đình mình và gia đình nhà chồng.

{keywords}

Thủ khoa đầu vào-đầu ra Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội Quỳnh Anh

Dẫu vậy Quỳnh Anh hi vọng mình có thể được ở lại trường làm giảng viên để được rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn. Bạn tâm sự: “Nếu chỉ đi dạy các em nhỏ ở bên ngoài, những kiến thức ngành chỉ huy dàn nhạc mình được học rồi cũng mai một đi”.

Trong khi đó, Nguyễn Việt Hưng, thủ khoa ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) với mức điểm 3,67/4,0 cho biết hiện bạn đang đi làm cho một công ty lập trình game với mức lương 4 triệu/tháng.

{keywords}

Nguyễn Việt Hưng, thủ khoa ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Giao thông vận tải HN)

Bố mẹ đều là giáo viên nên từ lâu Hưng ấp ủ ước mơ được ở lại trường ĐH làm giảng viên. Dù trước đó, Viettel có mời gọi Hưng về làm với mức lương 7 triệu/tháng nhưng thời gian gò bó nên cậu không chọn. Đi làm ở công ty game, Hưng cũng nhận kèm ôn thi ĐH cho mấy em học sinh để rèn khả năng đứng lớp.

Vừa làm thêm, Hưng sẽ vừa học thêm lên thạc sĩ và ứng tuyển làm giảng viên của Trường ĐH Giao thông vận tải. Dù biết mức lương giảng viên thấp, thậm chí “không đủ sinh hoạt” nhưng Hưng vẫn nuôi hi vọng được thử sức.

Nhiều thạc sĩ, thủ khoa trượt công chức Hà Nội

Kỳ tuyển dụng công chức 2014 tại Hà Nội có 41 người thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển, nhưng phải trải qua kỳ kiểm tra sát hạch bằng bài viết và phỏng vấn trực tiếp. Nhiều ứng viên là thạc sĩ, thủ khoa vẫn không đạt yêu cầu đề ra.

Kết quả kiểm tra sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển vừa được Sở Nội vụ Hà Nội công bố cho thấy, có tới 6 thủ khoa trong nước và 4 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc ở nước ngoài (3 trong số này là thạc sĩ) không đạt yêu cầu đề ra.

Căn cứ kết quả trên, Sở Nội vụ và các sở ngành của Hà Nội sẽ thực hiện quy trình tiếp nhận công chức không qua thi tuyển theo đúng quy định hiện hành.

Năm 2013 Hà Nội có 43 thí sinh thuộc diện đặc cách, qua sát hạch có 9 người không đạt, trong đó có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nước ngoài.
  • Văn Chung (Ảnh: NVCC)