- Chiều 3/4, Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Công an TP.Cần Thơ, cho biết đang làm rõ thông tin về sự việc 2 người cứu hộ hành nghề ghe cào đòi thương lượng nhận tiền mới cứu người.

4 học sinh bị đuối nước ở bãi cát sông Hậu, trong đó 2 học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm tử vong. Địa điểm nhóm học sinh bị nạn là bãi tắm có từ lâu, nay được Công ty cổ phần Du lịch Sông Hậu tiếp quản kinh doanh.

{keywords}

Ông Lê Văn Tâm (phải) - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ và Đại tá Trần Ngọc Hạnh – PGĐ Công an TP.Cần Thơ trong buổi họp sáng 3/4 - Ảnh: Quốc Huy

2 em học sinh được tìm kiếm, vớt lên sau cùng là Nguyễn Huỳnh Như (13 tuổi, tử vong trước khi vào viện) và Trần Khánh Linh (14 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất phản xạ phải thở bằng máy, sau đó cũng tử vong.

Trước đó, nhóm học sinh 10 em đi taxi đến khu vực bãi tắm vui chơi, rồi cả nhóm đi cách bờ khoảng 7m để tắm. Một lúc sau nghe tiếng kêu cứu, lực lượng cứu hộ đến vớt được em Nguyễn Thanh Đô (14 tuổi) và Huỳnh Kim Ngân (13 tuổi).

Riêng em Như và Linh thì mấy phút sau khi thương lượng với 2 người hành nghề ghe cào (đánh cá) trên sông Hậu mới vớt lên. Do cứu người chậm trễ, nên 2 em này đã tử vong sau đó.

Nhiều người cho biết, để cứu người bị nạn dưới sông thì anh Cao Văn Điều (43 tuổi, trú tại Q.Ninh Kiều) đã trực tiếp thương lượng với quản lý doanh nghiệp về chi phí cứu người.

Trao đổi với báo chí, chủ ghe cào anh Cao Văn Điều - người trực tiếp tham gia cứu 2 nạn nhân đã tử vong ở bãi cát sông Hậu cho biết, lúc phát hiện ra vụ việc anh còn đi cùng cháu là Hoàng Văn Cầm (39 tuổi, trú tỉnh Đồng Nai) hành nghề cào cá trên sông Hậu.

Trên đường về nhà thì nghe nhiều người hô hoán kêu cứu, thuyền anh Điều áp sát vào bờ.

{keywords}

Anh Cao Văn Điều người trực tiếp vớt 2 học sinh bị nạn dưới sông Hậu.

Khi quan sát không thấy ai nổi trên mặt nước, anh Điều hỏi những người ở trên bãi cát. Thời điểm đó, anh Trường được cho là người quản lý bãi tắm, nói: “Còn 2 người đang bị đuối nước dưới sông”.

Anh Điều đã yêu cầu người quản lý tên Trường về giá cả để cứu sống hoặc vớt thi thể lên bờ. Nếu cứu sống thì trả 6 triệu, còn chết thì trả 2 triệu đồng.

Thời điểm đó, anh Trường đồng ý với bất cứ giá nào miễn sớm đưa 2 người lên bờ. Ngay sau đó, anh Điều và anh Cầm đi một ghe ra sông nhảy xuống lặn và đưa 2 em Như, Linh lên bờ.

Anh Điều còn cho biết, địa điểm tìm thấy 2 nữ sinh sâu khoảng 4m, đưa nạn nhân lên bờ thì khả năng sống sót là rất thấp.

Đến khoảng 14h cùng ngày, một nhân viên mang số tiền 6 triệu đồng để trả công lặn, vớt nạn nhân đuối nước cho anh Điều.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Tổng GĐ Công ty CP Du lịch sông Hậu cho biết: “Chắc là mọi người thêu dệt, đồn đoán lên, chứ trong sổ sách kế toán không thể hiện số tiền này”.

Trong một diễn biến khác, sáng 3/4, ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ chủ trì buổi họp cùng các sở, ban ngành bàn về giải pháp sau sự cố 2 học sinh tử vong ở bãi cát sông Hậu.

Ông Tâm nhấn mạnh, cần rà soát tất cả các hoạt động trên sông không chỉ Công ty CP Du lịch Sông Hậu nói riêng mà cả những đơn vị kinh doanh khác.

“Trung ương quy định hoạt động bãi tắm chỉ diễn ra ở vùng biển và hồ chứ không nói trên sông. Do đó, chúng ta phải vận dụng làm sao thật hợp lý để được hoạt động. Tuy nhiên nếu các hoạt động không đảm bảo an toàn cho người vui chơi thì cho đóng cửa, ngưng hoạt động” - ông Tâm nói rõ.

Ngoài ra, vị chủ trì buổi họp cũng nêu rõ cần có 2 tháp canh và lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần tuyên truyền, nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức khi tham gia hoạt động vui chơi; bồi dưỡng kiến thức bơi lội.

Quốc Huy - Thọ Đức