Trong việc dạy con thường có câu cửa miệng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thế nhưng lại không nhiều bậc phụ huynh hiểu được rằng phải “yêu” như thế nào và “ghét” như thế nào để con nên người.

Sara Imas là một bà mẹ Do Thái từng đến định cư lâu dài ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng theo tiếng gọi của cố hương, bà dắt 3 con quay trở về Israel – nơi mà người dân đang ngày ngày phải sống giữa khói lửa chiến tranh và những đứa trẻ buộc phải học cách sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt này.

Từ một bà mẹ bao bọc con theo kiểu Trung Hoa, Sara Imas trở thành một bà mẹ Do Thái nghiêm khắc – người đã nuôi dạy 2 cậu con trai trở thành triệu phú ngành công nghiệp kim cương và một cô con gái đang theo học một trường đại học danh tiếng.

Điều đáng nói hơn là 3 người con của bà luôn đoàn kết, gắn bó và tràn ngập tình yêu thương với mẹ.

Câu chuyện của bà mẹ mới chỉ học hết cấp 2 gói gọn trong cuốn sách dài hơn 500 trang có tựa đề "A Mother’s Rigorous Love (được chuyển ngữ sang tiếng Việt là “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”).

Bà mẹ đơn thân này cho rằng nếu như tình yêu thương của người mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc con cái suốt cuộc đời thì tình yêu thương của bà mẹ Do Thái giống như một ngọn lửa rực sáng để soi đường cho chúng tự học cách bước tiếp trong cuộc sống.

Trong "rừng" thông tin dạy con, những người mẹ sẽ chọn cách nào? Kiểu Nhật, kiểu Mẹ Hổ, kiểu Do Thái?

{keywords}

TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh: "Khi dạy dỗ con cái, chẳng có ông bố bà mẹ nào nghĩ rằng mình đang làm theo một phương pháp giáo dục nào đó, mà là do chúng ta tự đặt tên mà thôi".

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cho rằng, trước hết mỗi bậc phụ huynh phải tự đặt ra câu hỏi “Chúng ta dạy dỗ con cái với mục đích gì? Chúng ta muốn đứa trẻ sẽ trở thành ai? Một người thành công, hạnh phúc, sống vui vẻ, biết yêu thương hay trở thành người mà chúng muốn…”.

Ví dụ như mẹ Hổ Amy Chua – một bà mẹ người Trung Quốc sống ở Mỹ với khao khát của một người nhập cư là có một vị trí trong xã hội trung lưu Mỹ. Bà đặt mục tiêu hai cô con gái phải trở thành những người thành đạt, vì thế nguyên tắc của bà là nói “không” với các loại hình giải trí và các hoạt động xã hội, và chỉ tập trung vào những môn học, kỹ năng mà chúng cần để trở thành những người thành đạt.

TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng cha mẹ đừng nên lấy quan niệm “yêu cho roi cho vọt” để bao biện cho “sự tàn nhẫn” với thể xác của trẻ.

Còn “sự tàn nhẫn” của bà mẹ Do Thái Sara Imas không phải là sự tàn nhẫn theo nghĩa đen, mà nó chính là sự yêu thương được kìm nén trong cách thể hiện cương quyết và nghiêm khắc.

TS Thụy Anh cũng chia sẻ: “Ngày nhỏ bố tôi cũng từng dùng roi vọt với tôi, nhưng tôi vẫn yêu thương ông bởi vì tôi hiểu tại sao ông lại làm thế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi ủng hộ và sẽ làm theo cách của ông với con mình”.

“Các bậc phụ huynh cũng cần nhớ rằng, dù làm cha mẹ nhưng đôi khi chúng ta cũng mắc sai lầm, vẫn có những lúc không kiềm chế được bản thân mặc dù biết hành xử của mình với con là sai. Chúng ta cũng là con người và có quyền được mắc sai lầm, vì quá trình con học làm người cũng chính là quá trình cha mẹ học làm cha mẹ. Tuy nhiên, đến khi bình tĩnh lại, chúng ta hãy xin lỗi con và nói cho con hiểu tại sao lại làm thế, tìm sự cảm thông từ con”.

Chuyên gia tâm lý giáo dục này cho rằng bà chỉ muốn coi cuốn sách là một câu chuyện, chứ không nâng tầm lên thành một phương pháp giáo dục. Bởi khi dạy dỗ con cái, chẳng có ông bố bà mẹ nào nghĩ rằng mình đang làm theo một phương pháp giáo dục nào đó, mà là do chúng ta tự đặt tên mà thôi.

Cách dạy con của mỗi gia đình còn phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, nền tảng văn hóa, trình độ của cha mẹ, tính cách của đứa trẻ. Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào.

Vì thế như học giả Nguyễn Duy Cần từng nói “Hãy để cho cây hường (cây hồng) nở ra hoa hường (hoa hồng), cây lan nở ra hoa lan”.

Cách dạy con của mẹ Mỹ, mẹ Nhật, mẹ Do Thái hay mẹ Việt Nam đều có những cái hay riêng.

  • Nguyễn Thảo (Ghi)