- Ngày 25/1, Bộ GD-ĐT công bố kết quả  rà soát ngành ĐH, CĐ trong trường đại học. Theo đó, dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở từ năm 2014 do không đáp ứng các điều kiện quy định.

Xem danh sách các ngành bị dừng tuyển sinh TẠI ĐÂY.

Kết quả rà soát Bộ gửi các trường nêu rõ, chậm nhất đến ngày 31/12/2015, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của các ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Sau ngày 31/12/2015, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư 08, Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi Quyết định cho phép đào tạo của những ngành chưa khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ.

Đối với các sinh viên đã trúng tuyển và đang học tập ở các ngành nêu trên, cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đào tạo theo quy định tại Quy chế đào tạo hiện hành.

Cùng ngày, Bộ cũng công bố két quả rà soát ngành CĐ trong trường đại học và thông báo xử lý các ngành đặc thù theo kết quả rà soát, thống kê các trường đại học.

432 ngành có nguy cơ dừng tuyển sinh

Theo kết quả công bố có 296 ngành CĐ thuộc 74 cơ sở đào tạo trình độ đại học hoạt động không đúng quy định. Cụ thể, đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ trì ngành cao đẳng không đủ 4 thạc sĩ, sau khi trừ đi số giảng viên cơ hữu chủ trì ngành đại học tương ứng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với các ngành trình độ cao đẳng được mở ngành theo quyết định của Bộ hoặc theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư 08, không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 08, cơ sở đào tạo được tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo thẩm quyền quy định tại Quy chế đào tạo. Đồng thời cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Chậm nhất trước ngày 31/12/2014, các cơ sở đào tạo lập báo cáo theo quy định tại công văn số 2061 gửi về Bộ. Sau ngày 31/12/2014, những ngành không có báo cáo hoặc không bổ sung được đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định sẽ bị xử lý theo quy định.

Một số ngành chưa đáp ứng điều kiện đã nêu nhưng thuộc diện đặc biệt sẽ được xử lý riêng là: các ngành thuộc các cơ sở đào tạo ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (gồm 47 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc 10 cơ sở đào tạo); các ngành thuộc nhóm ngành ngoại ngữ, nghệ thuật và có từ 5 giảng viên cơ hữu trở lên có trình độ thạc sĩ (gồm 70 ngành đào tạo thuộc 49 cơ sở đào tạo); các ngành có đội ngũ giảng viên cơ hữu, gồm 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ hoặc 01 phó giáo sư và 01 thạc sĩ (19 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc 18 cơ sở đào tạo).

Với 136 ngành thuộc diện xử lí riêng - Bộ cho hay các cơ sở đào tạo được tạm thời tiếp tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo thẩm quyền quy định tại Quy chế đào tạo. Đồng thời cơ sở đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu, khi đủ điều kiện, chậm nhất trước ngày 31/12/2015, báo cáo Bộ để được chính thức đào tạo.

Sau ngày 31/12/2015, những ngành không có báo cáo hoặc không bổ sung được đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định sẽ phải dừng tuyển sinh và bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo theo quy định.

  • Kiều Oanh