Tôi làm cha đơn thân đã 13 năm nay. Cũng giống như tất cả những ông bố, bà mẹ đơn thân khác – hay như bất cứ bậc phụ huynh nào khác, làm cha mẹ luôn là việc không hề dễ dàng.

{keywords}
Ông bố đơn thân Charles M.Blow

Đôi khi người ta nói rằng làm cha mẹ là công việc khó khăn nhất mà bạn từng đam mê. Nhưng tôi tin rằng làm cha mẹ đôi khi khó khăn và mệt mỏi đến mức không phải lúc nào tôi cũng nhớ rằng tôi yêu công việc đó.

Chúng ta cố gắng mang lại những gì tốt nhất cho con cái, nhưng không được nhiều đến mức khiến chúng không trân trọng những gì mình đang có. Chúng ta cố gắng khuyến khích nhưng không được chiều chuộng chúng. Chúng ta trao cho trẻ những món quà, nhưng cũng cố gắng nuôi dưỡng lòng can đảm trong chúng.

Cha mẹ nằm ở ranh giới mong manh giữa những tác động đối lập và không bao giờ biết được rằng những gì chúng ta làm đúng hay sai, có bị bản thân chúng ta và những người khác đánh giá hay không.

Chúng ta cũng là đề tài của vô vàn những nghiên cứu, những cuốn sách và lời khuyên: hãy làm điều này, điều nọ nếu bạn muốn con mình thành công, hay muốn chúng không dành tuổi xuân của mình nằm ườn trên ghế.

Tôi đã cố gắng cân bằng mọi thứ. Khi tôi cảm thấy choáng ngợp, tôi thường gọi cho mẹ tôi. Dường như bà luôn biết phải nói gì.

Khi 3 đứa con tôi còn nhỏ, việc chăm sóc chúng khiến tôi dường như kiệt sức thì mẹ nói với tôi rằng một bà vú em già từng nói với bà khi bà cũng cảm thấy kiệt sức rằng: “em yêu quý, một ngày nào đó chúng sẽ đủ sức tự lấy cho mình một cốc nước”.

Đó là một cách nói đơn giản ngụ ý rằng bọn trẻ sẽ lớn lên và sẽ phải tự lập trong mọi việc, thậm chí là phải vạch ra con đường riêng của mình. Không phải lúc nào bạn cũng phải cơm bưng nước rót suốt ngày cho chúng.

Bà cũng nói với tôi rằng hãy nhớ càng có nhiều người yêu thương trẻ thì chúng càng hạnh phúc. Vì thế tôi đã làm việc chăm chỉ để duy trì và mở rộng vòng tay yêu thương với bọn trẻ.

Mẹ tôi cũng dạy rằng làm cha mẹ giống như là trao một cái ôm. Nó là tình yêu và cũng là áp lực.

Bà dạy tôi rằng đôi khi bạn phải dành thời gian cho bản thân mình để có thêm năng lượng mà chăm sóc bọn trẻ. Thỉnh thoảng hãy cho phép chúng ăn pizza vào ban đêm. Những lần ngoại lệ hiếm hoi sẽ không làm hư bọn trẻ, nhưng làm việc quần quật suốt ngày sẽ khiến bạn mệt mỏi. Hãy nghỉ ngơi đi!

Mẹ cũng dạy tôi phải cho bản thân một chút thời gian để tìm kiếm sự tĩnh lặng. Đôi khi chúng ta bận rộn đến mức quên mất rằng chúng ta đang bận. Chúng ta có quá nhiều việc phải làm trong danh sách ưu tiên mà quên mất rằng điều gì mới là quan trọng nhất.

Bà dạy tôi rằng bọn trẻ không hoàn toàn là của tôi. Chúng không thuộc về tôi. Chúng chỉ được giao phó cho tôi mà thôi. Con cái là món quà mà cuộc sống ban tặng cho tôi, nhưng một ngày nào đó tôi phải trả chúng lại cho cuộc đời. Chúng phải lớn lên và rời xa vòng tay của tôi.

Nhưng khi thời gian của tôi với lũ trẻ kết thúc – khi mà đứa lớn nhất học đại học, hai đứa sinh đôi học trung học, thì tôi bắt đầu cảm thấy nuối tiếc – điều mà tất cả phụ huynh đều cảm thấy khi con cái ra khỏi nhà.

Tôi đã nghĩ rằng đó sẽ là lúc tôi sống cho chính mình: làm việc đến khuya mà không phải lo lắng gì, rong chơi suốt cuối tuần… Nhưng không! Việc chấp nhận rằng bọn trẻ đã đi thật là khó khăn. Tôi phải để chúng đi nhưng trái tim tôi trống rỗng. Tôi không thể tưởng tượng được sẽ như thế nào nếu thiếu chúng.

Dạo gần đây có những lúc tôi cứ nhìn chằm chằm vào bọn trẻ - cái nhìn như muốn nói rằng: “Bố đang nhìn các con đấy. Bố yêu các con bằng tất cả tình yêu của mình – thứ tình yêu bao bọc các con và là lý do bố sống trên đời này”. Những lúc ấy, bọn trẻ sẽ hỏi “bố đang nhìn gì vậy?” Chúng vừa nói vừa mỉm cười – nụ cười cho thấy chúng biết rằng mình đang được yêu thương, nhưng thấy mình đã quá lớn để chạy tới ôm lấy tôi hay nhỏ những giọt nước mắt vì xúc động.

Cuộc đời đã mang bọn trẻ đến với tôi. Và tôi sẽ phải chuẩn bị mọi thứ để trả lại chúng cho cuộc đời.

Chia sẻ của ông bố đơn thân Charles M.Blow

  • Nguyễn Thảo (Theo New York Times)