Nếu bạn không hài lòng với chính mình thì ngay cả những thành tích xuất sắc nhất cũng không mang lại cho bạn sự hài lòng.

{keywords}
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang FED Ben S. Bernanke tại ĐH Princeton

Chủ tịch Ben S. Bernanke

Tại Lễ tốt nghiệp ĐH Princeton, Princeton, New Jersey, Mỹ

Ngày 2/6/2013

Mười Đề Xuất

Thật vui khi được trở lại Princeton. Thật khó để tin rằng đã gần 11 năm kể từ khi tôi rời những hội trường này để tới Washington. Mới đây tôi đã viết một bức thư hỏi thăm tình hình của trường kể từ khi tôi đi và nhận lại được bức thư viết rằng: “Thật tiếc, Princeton đã nhận được nhiều ứng viên thích hợp hơn cho các vị trí giảng viên”.

Tôi sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của mình tới các giảng viên sau. Trước tiên tôi muốn chúc mừng các bậc phụ huynh và các gia đình đang có mặt tại đây. Với tư cách là một phụ huynh, tôi biết rằng việc cho con cái học đại học trong thời buổi này không giống như đi dạo trong công viên.

Cách đây vài năm, tôi có một đồng nghiệp gửi cả 3 con đến Princeton mặc dù cả hai vợ chồng họ đều không học trường này. Anh ấy và vợ đều rất tự hào về thành tích đó. Nhưng anh đồng nghiệp của tôi cũng hay nói rằng, từ góc độ tài chính, kinh nghiệm cho con học đại học giống như mua một chiếc xe Cadillac hàng năm, sau đó bạn lái nó lao xuống vực. Nhưng tôi cũng muốn cho các bạn biết rằng anh ấy luôn khẳng định vẫn sẽ làm vậy nếu được chọn lại. Vì thế, các bậc phụ huynh, người thân của các cử nhân ngồi đây, các bạn đã làm rất tốt.

Đây thực sự là một ngôi trường thích hợp và ấn tượng cho một sự khởi đầu. Tôi chắc rằng, từ bục giảng này, bất cứ nhà lãnh đạo tinh thần nào cũng đã từng được nghe đi nghe lại những bài học về Mười Điều Răn. Tôi không có sự tự tin ấy và dù gì thì chuyện "tham của người khác" (một chi tiết trong Mười Điều Răn) giờ không còn hợp thời nữa. Vậy nên, tôi nghĩ là sẽ dành vài phút ngày hôm nay để đưa ra Mười Đề Xuất, hay có thể gọi là Mười Quan Sát về thế giới và cuộc sống sau khi rời Princeton.

Nhưng các bạn hãy lưu ý rằng, việc tôi đủ khả năng đưa ra những đề xuất này, bên cạnh việc được Hiệu trưởng Tilghman mời tới phát biểu, cũng chỉ giống như lý do ông anh hay bà chị đáng ghét của bạn được phép đi ngủ muộn hơn, đó là tôi nhiều tuổi hơn các bạn. Tất cả những gì tôi nói dưới đây đều đã được trải nghiệm trong những tình huống thực tế, tuy nhiên những thành tích trong quá khứ không phải là sự đảm bảo cho thành công trong tương lai.

1. Nhà thơ Robert Burns từng viết một bài thơ về việc “nhân tính không bằng trời tính”. Triết gia cùng thời Forrest Gump cũng từng nói những điều tương tự về cuộc sống và những chiếc hộp sô-cô-la, về việc bạn không hề biết điều gì sẽ tới với mình. Những gì họ nói đều đúng. Cuộc sống là thứ không thể đoán trước được. Bất cứ một người trẻ 22 tuổi nào nghĩ rằng anh ta hoặc cô ta biết 10 năm tới mình sẽ ở đâu, đơn giản là họ đang thiếu trí tưởng tượng.

Hãy xem những gì đã xảy ra với tôi. Cách đây 12 năm, tôi đang bận rộn với việc dạy môn Kinh tế 101 ở Hội trường Alexander và cố gắng vịn ra những lý do hợp lý nhất để không phải tham gia những cuộc họp giảng viên. Sau đó tôi nhận được một cuộc điện thoại…

Trong trường hợp bạn đang hoài nghi về sự sáng suốt của Forrest Gump thì đây là một gợi ý cụ thể cho các bạn. Hãy dành một vài phút cho cơ hội đầu tiên mà bạn nhận được và hãy trò chuyện với một cựu sinh viên đã ra trường cách đây 25, 30, 40 năm. Hãy hỏi họ về việc họ đã ở đâu cách đây 25, 30, 40 năm. Nếu bạn có thể khiến họ chia sẻ, họ sẽ nói cho bạn biết rằng hiện họ có đang hạnh phúc và hài lòng hay không. Những câu chuyện cuộc đời họ sẽ đầy những tình tiết “bảy nổi ba chìm”. Nhưng tôi dám cá rằng chúng sẽ rất khác so với những gì mà họ trông đợi khi mới bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đó là điều tốt, không hề xấu; chẳng ai muốn biết câu chuyện cuộc đời mình kết thúc như thế nào khi mới chỉ đang ở những chương đầu tiên. Hãy để câu chuyện đó diễn ra một cách tự nhiên.

2. Như vậy, cuộc sống của chúng ta có thể thay đổi chỉ bởi những cơ hội, quyết định và hành động nhỏ. Điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta không cần phải lên kế hoạch và cố gắng thực hiện nó hay không? Hoàn toàn không. Cho dù cuộc sống có được định sẵn cho bạn hay không thì mỗi người đều cần có một kế hoạch dài hạn. Đó là sự phát triển của bạn thân bạn với tư cách là một con người.

Gia đình, bạn bè và thời gian bạn học tập ở Princeton đã cho bạn một sự khởi đầu tốt đẹp. Bạn sẽ làm gì với nó? Tiếp tục học tập, suy nghĩ kỹ càng về những câu hỏi quan trọng nhất? Sẽ trở thành một người mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, giàu tình thương và đạo đức hơn?... Nhiều thứ sẽ xảy ra trong cuộc đời bạn, bạn có thể hài lòng hoặc không, nhưng hãy suy nghĩ về câu châm ngôn của Trường Woodrow Wilson – ngôi trường mà tôi từng theo học: “Nơi bạn đi đến là nơi bạn đã ở”. Nếu bạn không hài lòng với chính mình thì ngay cả những thành tích xuất sắc nhất cũng không mang lại cho bạn sự hài lòng.

3. Khái niệm về thành công khiến tôi phải xem xét cái gọi là “chế độ nhân tài” (là chế độ mà bộ máy quản lý do những người có khả năng thực sự điều hành) và những tác động của nó. Chúng ta được dạy rằng xã hội và các cơ quan tổ chức của chế độ nhân tài là công bằng. Đặt sang một bên sự thật là không có hệ thống nào trong đó có cả hệ thống của chúng ta hoàn toàn là nhân tài thực sự, thì có thể nói chế độ nhân tài công bằng hơn, hiệu quả hơn một số lựa chọn khác. Nhưng công bằng theo nghĩa tuyệt đối ư? Hãy suy nghĩ về điều đó.

Chế độ nhân tài là một hệ thống mà trong đó có những con người may mắn nhất về sức khỏe, về gien, may mắn nhất về sự hỗ trợ, khuyến khích của gia đình và về thu nhập. Họ cũng là những người may mắn nhất về cơ hội nghề nghiệp và giáo dục, may mắn nhất trong nhiều lĩnh vực khác khó có thể kể ra hết. Đây là những người gặt hái được những thành công lớn nhất.

Cách duy nhất để một chế độ nhân tài được đánh giá là công bằng là nếu những người may mắn nhất ấy cũng là những người có trách nhiệm nhất trong việc đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới, để chia sẻ may mắn với người khác. Như Tin Mừng theo Thánh Luca có nói (tôi chắc rằng giáo sĩ Do Thái sẽ tha thứ cho tôi khi trích dẫn Tân Ước vì lý do tốt đẹp): “Ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn” (Luca 12:48 (Tin Mừng theo Thánh Luca đoạn 12 câu 48), Kinh Thánh phiên bản chuẩn mới sửa đổi). Các bạn có thể cho rằng như thế là một hình thức phân biệt đẳng cấp.

(còn nữa)

  • Nguyễn Thảo (Dịch từ Federal Reserve)