- TS Nguyễn Cam- giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học - Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, yếu tố thủ tục hành chính và tài chính chỉ là một phần cản trở động cơ làm việc của giảng viên ĐH.

{keywords}
TS Nguyễn Cam

Những "rào cản"

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng những thủ tục hành chính rườm rà và sự thiếu minh bạch trong tài chính là yếu tố giết chết động cơ làm việc của giảng viên ở trường ĐH hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thủ tục hành chính từ lâu là như thế, thủ tục vẫn là thủ tục và người làm khoa học cũng phải thực hiện. Với tôi, đây là vấn đề không phải khó khăn cho lắm. Có nhiều cơ sở am hiểu, họ vẫn tạo điều kiện cho giảng viên làm nghiên cứu.

Tất nhiên với những người làm khoa học thì đây là một điều không hay bởi họ chỉ muốn tập trung vào chuyên môn. Những điều này nếu như những người quản lý tài chính tạo điều kiện, tránh phải làm tới, làm lui từ chứng từ này đến chứng từ khác thì công việc nghiên cứu sẽ được thuận lợi hơn.

Có thể thấy rằng, so với thế giới, những thủ tục hành chính về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là khá lạc hậu. Một ví dụ đơn giản cho thấy ở những nước tiên tiến những người làm nghiên cứu sẽ không phải làm những thủ tục như thế mà họ chỉ tập trung làm chuyên môn, để mục đích cuối cùng là cho ra được sản phẩm tương xứng với khoản kinh phí được giao. Như vậy toàn bộ tâm sức của nhà khoa học là điều hành, quản lý, thúc đẩy dự án để tạo ra kết quả cuối cùng.

Về tài chính, đây là một việc vô cùng bất cập, từ việc cấp kinh phí nghiên cứu đến việc trả thù lao đọc phản biện đều khiêm tốn. Cho nên với những người làm khoa học thì nghiên cứu phần lớn hiện nay là vì nặng nợ với nghề, như là niềm đam mê , còn nếu chỉ nhắm vào thù lao do nghiên cứu khoa học mang lại thì sẽ không làm được…

Câu chuyện tài chính ở ĐH đang là điểm nóng ở các đại hội công nhân viên chức. Hiện nay ở các trường ĐH, có rất nhiều nguồn tài chính khác nhau, mỗi trường cũng có các quy định thu chi nội bộ khác nhau, do đó tạo nên những băn khoăn, những thắc mắc. Giữa những người làm quản l‎ý và đông đảo giảng viên trong một trường ĐH thường không có sự đồng thuận về phân chia thu nhập. Với cách điều hành như vậy, động lực thúc đẩy làm việc bởi thu nhập của giảng viên là rất khiêm tốn nếu như không muốn nói là không có.

Xin nhấn mạnh rằng, vấn đề này không riêng gì nghiên cứu mà đây là toàn cảnh của vấn đề đãi ngộ cho giảng viên. Chúng ta luôn ở trong vòng luẩn quẩn. Cứ trả lương thấp, thầy giáo tự bươn chải làm nhiều công việc khác ảnh hưởng đến chất lượng, còn nếu như không làm không bươn chải thì chính họ lại không lấy gì để sống và do đó cũng không có sự yên tâm để làm việc.

- Theo ông ngoài những vướng mắc trên còn những yếu tố nào cản trở động cơ làm việc của giảng viên đại học?

Trong điều kiện hiện nay cho thấy nguồn tài chính để nghiên cứu ở các trường ĐH rất khiêm tốn, lại bị phân tán, dàn trải khiến những công trình nghiên cứu không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống , không phục vụ được thực tiễn, nhiều công trình nghiệm thu xong đi vào quên lãng.

Tất nhiên đừng bao giờ nghĩ thực tế theo nghĩa đen, về vấn đề khoa học cơ bản, đừng nghĩ nghiên cứu là phải làm ra cái gì, ứng dụng được gì một cách máy móc. Đối với những lĩnh vực này nhà nước phải bỏ tiền ra tài trợ để tạo ra nền tảng về khoa học cơ bản.

Trong vài chục năm gần đây cho thấy lượng sinh viên giỏi không mặn mà với khoa học cơ bản, những em sinh viên có khả năng ở khoa học cơ bản thường đi sang những lĩnh vực về kinh tế, công nghệ, tài chính. Từ bức tranh đó cho thấy bức tranh về thu nhập, về tài chính, đời sống ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học rất lớn. Nếu chừng nào chưa giải quyết được vấn đề tài chính, thì rất khó để thu hút được những sinh viên giỏi.

Tất nhiên vấn đề ở đây không phải chỉ là trả lương thỏa đáng mà là có một cơ chế để khuyến khích họ làm việc, khuyến khích họ sáng tạo, có cuộc sống ổn định để họ toàn tâm, toàn ý làm khoa học.

Cơ chế quản lý không khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu

- Những vướng mắc này sẽ sinh những hệ lụy gì đối với việc nghiên cứu khoa học? Ông có đề xuất gì để thúc đẩy giảng viên ở trường ĐH làm nghiên cứu?

Như tôi đã nói, nghiên cứu muốn có hiệu quả thì phải có nguồn lực tài chính. Với một nguồn lực còn hạn chế - tất nhiên tài chính phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và điều hành có hiệu quả hay không - nguồn kinh phí khiêm tốn thì không thể mang lại những kết quả có giá trị cao.

Có một thực tế rằng hiện nay cơ chế quản lý không khuyến khích những người làm nghiên cứu, nó không gắn liền với vấn đề đãi ngộ, không trở thành động lực thôi thúc các giảng viên nghiên cứu. Mà trình độ, cấp độ, mức đãi ngộ như thế nào sẽ có những sản phẩm nghiên cứu ở mức như vậy. Về vấn đề thủ tục hành chính nếu máy móc nhiều quá cũng làm hạn chế.

Trong điều kiện hiện nay khả năng tăng kinh phí là rất khó. Nên chăng vấn đề là sử dụng làm sao cho có hiệu quả nguồn lực (tài chính) đã được quy định sẵn. Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu và lập hội đồng nghiệm thu thường diễn ra ở trong trường, mang tính chất hình thức rất nhiều nên hiệu quả mang lại không cao. Ngân sách đã ít lại phân tán nguồn lực, từ bộ chia cho nhiều trường, trường lại tiếp tục chia nhỏ cho các khoa… làm cho nghiên cứu khoa học trở nên manh mún.

Chúng ta chỉ có cách tránh việc nghiên cứu chỉ mang tính hình thức, manh mún, nhỏ lẻ bằng cách tập trung lực lượng, tài chính, lựa chọn những đề tài để làm nên những kết quả hiệu quả hơn. Các đề tài phải nhằm thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo. Nếu tổ chức được như vậy, những đồng tiền nghiên cứu sẽ có hiệu quả hơn.

- Vậy ông đánh giá như thế nào về việc nghiên cứu khoa học trong giáo dục hiện nay?

Trên thực tế hiện nay ta thấy đa phần đại học ở Việt Nam việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo là rất yếu.

Về các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta hiện nay tôi cho là ít về số lượng và không đáp ứng các yêu cầu bức thiết của sự phát triển giáo dục. Trong giáo dục hiện nay có vô vàn vấn đề được đặt ra từ chuyện chương trình bậc phổ thông, chuyện có phân ban hay không, chuyện thi cử và đánh giá, chuyện tuyển sinh vào các trường ĐH, chuyện chất lượng đào tạo ở ĐH, chuyện kiểm định chất lượng giáo dục, chuyện cơ chế quản ly đại học …lại chưa có những nghiên cứu đầy đủ.

  • Lê Huyền (thực hiện)