- Những mâu thuẫn Next Top, The Face trở thành công kích trong lời nói, hành động được phát sóng trên truyền hình đã gây ra nhiều tranh cãi. 

{keywords}
Cảnh thí sinh xô xát trong chương trình Next Top Model bị khán giả phản ứng. 

Mâu thuẫn, bất đồng quan điểm cá nhân trong các chương trình truyền hình thực tế từ trước tới nay đều được xem là gia vị để thu hút sự quan tâm của khán giả và người hâm mộ. 

Vấn đề này được đặc biệt chú ý khi hai chương trình The Face và Vietnam's Next Top Model khiến dư luận nóng mắt vì những cuộc cãi vã, tranh luận thiếu sự tiết chế trên truyền hình. Tranh luận của giám khảo The Face có màu sắc miệt thị, còn Next Top Model là những hành động ném đồ đạc, công kích bằng cử chỉ, lời nói, thậm chí đánh nhau ngay trước ống kính ghi hình.

Tính chất của các chương trình thực tế nhằm mang đến những hình ảnh chân thực về đời sống nhân vật tới khán giả, nhưng thật đến đâu và có cần sự giới hạn hay không là điều cần bàn ở mỗi quốc gia khi nền văn hóa, giao tiếp, ứng xử có những khác biệt nhất định.

VietNamNet đã trao đổi với một số nhân vật đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang để có thêm những quan điểm về vấn đề này.

Giám đốc sáng tạo Nguyễn Hoàng Anh

{keywords}

Các thí sinh Next Top cãi nhau, đánh nhau trên sóng truyền hình có làm méo mó hình ảnh của giới người mẫu hay không thì theo tôi, điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận nghề theo chiều hướng nào. Bản thân tôi thì luôn muốn nghề người mẫu được coi là một nghề chuyên môn, đòi hỏi phải có sự đào tạo và những người hành nghề cần có trách nhiệm định hướng cho xã hội về cái đẹp. Không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp hình thể, trang phục mà còn là vẻ đẹp trong giao tiếp, ứng xử.

Thực tế tôi thấy, họ cũng hành xử với nhau không đến mức khốc liệt như trên các cuộc thi ở truyền hình. Ghét nhau thì cũng chỉ thể hiện ở lời nói hoặc sự cạnh tranh trong công việc chứ ít khi động chân động tay.

Tuy nhiên, chương trình truyền hình thực tế thì luôn cần thu hút sự quan tâm của cộng đồng, việc cãi vã, đánh nhau cũng là một phần phản ánh thực tế nhưng đó thuộc nhóm thiểu số, số rất ít và rõ ràng khi việc đó xảy ra thì cộng đồng có đã có những phản ứng rất rõ ràng để cảnh báo những hành động không đẹp, làm sai lệch sự nhìn nhận về giới người mẫu.

Đối với tôi, việc khai thác nhiều khía cạnh (cả tích cực lẫn tiêu cực) như vậy là chuyện bình thường. Khán giả có quyền phán xét, hành động không đẹp thì họ lên án và đó cũng là cách họ cảnh tỉnh những người không nhìn nhận đúng về nghề, không hành xử văn minh, chuyên nghiệp. Nếu làm không tốt thì tự nhiên chương trình cũng sẽ bị đào thải bởi khán giả. 

MC Tùng Leo (Nguyễn Thanh Tùng)

{keywords}

Vietnam's Next Top Model chia rõ làm 2 mảng: đời sống và chuyên môn. Trong mảng đời sống, mọi sự thật trần trụi sẽ được đưa lên truyền hình. Đã là thực tế đời sống, thì việc cãi vã, xô xát là không tránh khỏi. Ở quốc tế, người ta buộc phải kiểm soát bằng những tiếng "beep" hoặc ô kẻ ca rô để tránh phản cảm.  

Tôi nghĩ, việc xô xát không làm méo mó hình ảnh của giới người mẫu. Nghề nào cũng vậy, không chỉ có màu hồng, hay chỉ có môi trường tươi đẹp và những con người tử tế không có mâu thuẫn. Đó là sự giả dối. Đó là hiện thực cuộc sống và không thể vì thế mà nghề nghiệp nào trở nên xấu đi. Ngay cả cư dân mạng cũng dùng từ ngữ vô văn hóa để chê bai các nhân vật truyền hình.

Truyền hình thực tế nói riêng và ngành giải trí nói chung đưa mong muốn của khán giả vào để thu hút được người xem. Nhu cầu khán giả đã định hướng nội dung truyền hình thực tế. Khán giả thích xem cãi nhau, đó là sự thật. Về chuyên môn, mâu thuẫn tạo nên tính khốc liệt cho nội dung, và nó cuốn hút khán giả. Nhờ mâu thuẫn, các sự kiện, tính cách, câu chuyện được thể hiện rõ, miễn là nhà sản xuất phải tỉnh táo và đừng lạm dụng.

Tính cân bằng giữa yếu tố chuyên môn và tính câu khách được tính theo tỉ lệ 50-50. Những chương trình thiên về chuyên môn thường như Master Chef hoặc Project Runway, The Department chỉ thu hút đối tượng khán giả giới hạn. Câu chuyện truyền hình phải chiếm ít nhất 50% vì nó thay mặt cho chương trình để nói về khán giả, để chính khán giả nhìn lại chính cuộc sống của mình. Từ đó, các thông điệp xã hội được nêu bật lên. Hãy xem truyền hình ở một góc nhìn công bằng hơn, thay vì công kích một cách vô tư hay có chủ đích như hiện nay.

Stylist Mạch Huy

{keywords}

Một tập thể với những cá nhân cá tính ở cùng nhau thì sẽ xảy ra chuyện, không phải chỉ người mẫu mà người thường cũng sẽ xảy ra những xung đột. Cái không hay là những va chạm không hay ấy không nên lên sóng truyền hình, để lại suy nghĩ không hay về nghề mẫu cho những người không hiểu.

Do là chương trình thực tế, và với xu hướng hiện tại, phát ngôn gây sốc hay những tình huống mâu thuẫn lại là cách để đẩy chương trình lên mức độ gay cấn cần thiết. Đây có thể xem như con dao hai lưỡi vì sẽ tạo hai luồng dư luận đối nghịch nhau, kéo theo những bình luận đáng sợ không hiểu biết của giới trẻ trên mạng xã hội. Nên cần có giới hạn để những điều ấy không đi xa hơn trong tương lai làm ảnh hưởng giới trẻ xem truyền hình.

Hai chương trình The Face và Vietnam's Next Top Model đang vào cùng một thời điểm phát sóng, vô tình tính cạnh tranh nhau ngày càng lên cao nên dễ hiểu việc dàn dựng sao cho gay cấn và hấp dẫn là việc mà hai chương trình đang làm nhưng họ quên mất chuyên môn mới là tính chất cần mang lại. Do thế, hãy dàn dựng vào yếu tố cốt lõi mà một chương trình tìm kiếm người mẫu hoặc gương mặt thương hiệu đang cần. Đừng vì sự cạnh tranh mà làm mất tính nhân văn của chương trình. 

NTK Lê Ngọc Lâm

{keywords}

Những chuyện xảy ra trong nhà chung Next Top và báo chí nhắc đến những ngày này dù không phải chủ tâm của nhà sản xuất đều khiến khán giả cho rằng họ muốn tăng kịch tính nhờ những chuyện thị phi hậu trường. Khán giả dễ có cảm giác thí sinh thiếu sự tập trung gây thu hút ở kĩ năng người mẫu mà chỉ tập trung thời gian cho những mâu thuẫn, bất đồng hậu trường. Thực tế, chương trình đã có lượt xem rất cao, có được sự quan tâm của dư luận nhưng các người mẫu, tôi nghĩ sẽ bị dè chừng vì quá hung dữ.

Tôi cũng tự đặt ra câu hỏi, nếu những khán giả trẻ đang nuôi ước mơ làm người mẫu khi xem chương trình họ có e dè và phải chuẩn bị hành trang như thế nào.

Về The Face, những câu nói của giám khảo ít nhiều đã được biên tập lại nên dễ chấp nhận hơn là động tay động chân như Next Top. Giám khảo cũng đã có những vị trí nhất định nên dễ kiềm chế lại khiến khán giả, thí sinh phải kiêng nể.

Để cân bằng giữa chuyên môn và yếu tố câu khách thì khó nói bao nhiêu là đủ. Khi thí sinh có cá tính quá mạnh thì cũng chẳng ai có thể bắt họ diễn hay kiểm soát họ lại được. Điều cần và đủ ở đây là thái độ và kiến thức vì có đủ tầm thì lời nói và hành động sẽ có những tiết chế cần thiết trong giao tiếp, khi đó chương trình không cần các kịch tính vẫn hút người xem.  

Duy Bảo