Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành xuất bản trong năm 2017 đã có những thay đổi vượt bậc.

Sáng ngày 9/3, tại Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Năm 2017 là năm tiếp tục đánh dấu sự thay đổi, chuyển biến của ngành Xuất bản theo hướng ngày càng tích cực. Các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Năm 2017, ngoài việc liên tục đổi mới, đầu tư về mặt hình thức, các nhà xuất bản ngày càng chú trọng vào việc nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân và đã tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Nhìn chung, nội dung xuất bản phẩm luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của năm và phục vụ kịp thời các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Bên cạnh những thành quả đạt được, lĩnh vực xuất bản năm 2017 cũng có nhiều hạn chế.

Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn một số nhà xuất bản chưa thực hiện việc cấp đổi giấy phép thành lập. Mặc dù một số nhà xuất bản đã được cơ quan chủ quản quan tâm, đầu tư cho việc xuất bản xuất bản phẩm điện tử, nhưng cho đến nay, chỉ có Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chính thức hoạt động; một số nhà xuất bản sau vài năm thực hiện vẫn chỉ dừng ở mức thử nghiệm. Hầu hết các nhà xuất bản và cơ sở phát hành chưa có chiến lược cho giai đoạn tiếp theo về phương thức hoạt động này. Vẫn còn hiện tượng đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản; sai thể loại; tóm tắt nội dung không rõ, sơ sài hoặc cố tình đưa nội dung thông tin không chính xác.

Một số cuốn sách có nội dung nhận xét chủ quan. Sách dành cho trẻ em cần có sự chuẩn mực và trau chuốt về nội dung, câu từ, hình vẽ minh họa, đặc biệt là không được sai chính tả, song một số nhà xuất bản đã không coi trọng việc này, biên tập hời hợt dẫn đến sai sót, không phù hợp, thậm chí sai lệch nội dung tư tưởng. Một số cuốn tự truyện, hồi ký hoặc viết về doanh nhân Việt có nội dung ca ngợi quá mức, thậm chí phản cảm (trong đó có cả những doanh nhân đã bị kết án nhưng vẫn được tôn vinh). 

{keywords}
 

 Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực rà soát, cắt giảm, bãi bỏ… điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất bản, in, phát hành, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động của các nhà xuất bản, các có sở in và phát hành.

Đây cũng là năm cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thể hiện qua việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản; việc cải tiến, nâng cao chất lượng của công tác đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý đã tác động tốt đến hoạt động xuất bản. Cùng với đó là những nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những sai phạm để lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản. Đây có thể xem là điểm tiến bộ vượt bậc, rất đáng ghi nhận của ngành Xuất bản trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để có được những bước phát triển tiếp theo và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động xuất bản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng ngành Xuất bản còn phải đối mặt và giải quyết một số vấn đề sau.

Thứ nhất, thành tựu đạt được trong giai đoạn vừa qua của toàn ngành chỉ mới ở bước phát triển ban đầu, phần lớn vẫn đang ở giai đoạn vượt qua khó khăn, từng bước đi vào hoạt động chính quy, bài bản. Nhìn chung, cơ sở vật chất của ngành Xuất bản đang ở mức chưa ngang tầm nhiệm vụ. Số lượng nhà xuất bản hoạt động có quy mô, bài bản như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ chưa nhiều. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chủ quản trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà xuất bản.

Thứ hai, đối với chất lượng đội ngũ và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực mặc dù cơ quan chủ quản đã cố gắng bố trí cho nhà xuất bản những cán bộ trẻ, có tri thức, có chuyên môn và nhạy bén, năng động hơn. Song xét về mặt tổng thể, chúng ta chưa có chiến lược lâu dài đào tạo đội ngũ nhân lực cho ngành Xuất bản. Hiện nay, đã có một số cơ sở đào tạo chuyên ngành Xuất bản trên cả nước, nhưng bản thân các cơ sở này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo như đội ngũ giáo viên, đối tượng tuyển sinh... Vì vậy, để xây dựng được chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực cho toàn ngành, đề nghị các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như có chiến lược đào tạo bài bản hơn cho một ngành giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, nhưng trong một thời gian dài chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành.

Thứ ba, ngoài một số nhà xuất bản vững mạnh như đã nêu trên, không ít nhà xuất bản khác vẫn đang chật vật, loay hoay tìm bước đi trong giai đoạn mới. Ngoài việc chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, về nguồn lực, thì các nhà xuất bản vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng chiến lược, quy trình hoạt động theo hướng hiện đại và đặc biệt là xây dựng thương hiệu của nhà xuất bản.

Thứ tư, Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ vai trò, vị trí của hoạt động xuất bản trong các văn bản chỉ đạo và văn bản quản lý nhà nước. Luật Xuất bản cũng đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của nhà xuất bản. Tuy nhiên, vẫn có cơ quan chủ quản chưa thực sự thực hiện tốt vai trò này.

“Tôi mong rằng, trong thời gian tới các cơ quan chủ quản, các cơ quan, Ban ngành, các địa phương cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động xuất bản theo đúng tinh thần của Luật Xuất bản 2012, Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW”, ông Trương Minh Tuấn phát biểu.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thực sự chung tay góp sức cùng xã hội xây dựng ngành Xuất bản phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh, ngày càng có vị trí cao hơn nữa trong đời sống văn hóa xã hội đúng như vị trí vốn có của nó, bởi tri thức là thứ không thể thiếu được trong đời sống của loài người.

Tình Lê