"Trần trụi con người  -  cuốn sách mới luận giải về thế thái nhân tình, lẽ sống, đạo làm người, đặc biệt, cách luận giải của nhà văn lại rất mực đời thường, gần gũi". 

Trần trụi con người - truyện ngắn chọn lọc là tập truyện ngắn mới nhất của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi gồm 15 truyện ngắn. Trong sự nghiệp ba mươi năm sáng tác của mình, đây là tập sách mà tác giả dành nhiều tâm huyết nhất và tự lấy làm tâm đắc nhất.

{keywords}

"Điều gì huyền bí ư? Có đấy, đó là tấm lòng ở đời, tận tụy với nghề, con ạ. Khi con người có tấm lòng tận tụy và yêu thương cộng với vốn tri thức đã có thì con người đó có chiếc chìa khóa mở cửa vào mọi huyền bí. Nhưng ác thay, đó là điều mà con người ta khó truyền bảo nhau nhất. Con hãy tự tìm ở trong chính bản thân mình. Ta không giúp được gì cho con nữa đâu"- Đây là lời của Hải Thượng Lãn Ông trước khi lâm chung căn dặn học trò Chu Hy của mình trong truyện Hồng y bảo ngọc. 

Hầu hết các truyện ngắn (Hành trạng tâm linh, Trần trụi con người, Nhìn từ ánh chiếu khúc xạ, Quyền và Đức) được tác giả nhuốm màu sắc huyền thoại như thế vào những câu chuyện lịch sử, tạo cho tác phẩm của mình một không gian thật đặc biệt. Từ những nhân vật như Tuệ Trung, Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Thị Lộ,… cho đến cô gái làm thơ, anh nhà báo, cậu bốc vác,… đều nói những điều cao thâm, uyên bác tạo cho truyện kể đầy chất nhân sinh, là con thuyền chở đầy ắp quan niệm văn chương, nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Thông qua các nhân vật, sự kiện, Đỗ Trọng Khơi luận giải về thế thái nhân tình, lẽ sống, đạo làm người, đặc biệt, cách luận giải của nhà văn lại rất mực đời thường, gần gũi. Tập sách hơn ba trăm trang mà chứa đựng biết bao chân lí của đời sống hiện thực, kích thích người đọc tưởng tượng, tư duy và phản biện. Bìa sách được họa sĩ Ngô Xuân Khôi thiết kế trang nhã, sử dụng tranh bìa của họa sĩ Trương Tiến Trà đầy phong vị triết học, đã tạo nên diện mạo tập truyện ngắn nổi bật, hấp dẫn.

Ngày Nguyễn Trãi chào đời, bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh mời nhạc phụ và một ông thầy tử vi người Tầu tới xem số bát tự. Quẻ lập xong, vẻ mặt quan Tư đồ nửa vui nửa lo âu. Rồi chẳng phán bảo gì ông rũ áo bỏ đi vào trong nhà. Còn thầy tử vi sau ba ngày đêm đèn sách, người trong nhà thấy vẻ mặt ông ta cũng mang sự lưỡng lự vui buồn. Mọi người lấy làm thắc mắc lắm.

Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh gặng hỏi. Ông thầy tử vi bảo, chỉ vẻn vẹn có sáu chữ:

- Mệnh này phúc quốc, họa nhà!

Hỏi cách hóa giải thì trả lời, giọng buồn và ghê như vượn khóc:

- Cho yểu tử!

Bà phu nhân họ Trần nghe vậy ngã vật xuống giường bất tỉnh.

Quan Tư đồ thì giọng trầm uẩn nhủ:

- Họa dù một nhà mà phúc cho bách tính, chẳng phải đạo trời hằng lấy một dưỡng muôn, đó ư! Mệnh được vậy chẳng đáng để kẻ sĩ sống trong cõi trời đất này dốc lòng gắng gỏi sao! Ý trời đặt thế, nhà ta chấp thế. Nề chi! Nề chi! Ha... Ha... Đoạn quan Tư đồ ngửa mặt cười sang sảng.

Nghe cha con quan Tư đồ đối đáp, ông người Tầu rùng mình toát mồ hôi, miệng lẩm bẩm: "Chí lớn, đức dầy. Nhân ấy, địa ấy sức nào chế ngự được!" Rồi ông tạ từ, giữ mấy cũng không ở lại.

Câu chuyện trên nếu chưa làm bạn đọc thỏa mãn thì ba cuộc thoại sau, tấm chân dung tinh thần Nguyễn Trãi sẽ được khắc họa hơn chăng. Ba cuộc thoại ghi theo cuốn sách dạng tộc phả nhà một người họ Đỗ, ngụ ở chân núi Phượng Hoàng, cách Côn Sơn chừng dăm bảy dặm đường.


(Trích đoạn về Nguyễn Trãi)

T.Lê