Tác giả, nhà báo Trần Nhật Minh vừa mới ra mắt cuốn sách thơ "Khúc hát cánh đồng" như một cách tri ân với tuổi thơ của riêng anh.

Trần Nhật Minh là gương mặt quen thuộc của Ngày thơ Việt Nam ở mục sân thơ trẻ trong nhiều năm nay.

{keywords}
Nhà thơ, nhà báo Nhật Minh (vest đen) trong buổi ra mắt tập thơ Khúc hát cánh đồng


"Khúc hát cánh đồng" là tuyển tập những bài thơ được Nhật Minh sáng tác sau khi cha của anh qua đời. Theo Nhật Minh tập thơ ban đầu có tên "Cánh chim mặt trời" - tên một tác phẩm múa của mẹ anh, một nghệ sĩ ba-lê có tiếng. Tuy nhiên, sau đó, Nhật Minh đổi lại thành "Khúc hát cánh đồng", bởi anh muốn cuốn sách là sự tri ân với cả tuổi thơ, với những kỷ niệm còn dang dở và anh mang nợ đến tận hôm nay. 

{keywords}
 


"Khúc hát cánh đồng" với 49 bài thơ là 49 tầng cảm xúc. Tất cả các ngôn từ, hình ảnh đều rất đỗi quen thuộc và thân thương, không có dấu vết của tu từ. "Về ngủ vùi cùng quê/ Sương vui hơn đứa trẻ/ Tiếng reo cũng thật khé/ Sợ vỡ điều hồn nhiên", những câu thơ vô cùng giản dị trong "Khúc hát cánh đồng".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lời giới thiệu về tập thơ này đã phải thốt lên: "Ôi những câu thơ giản dị như không thể có gì giản dị hơn sao có thể làm lòng ta muốn khóc".

"Trong thơ của Trần Nhật Minh, giữa bao tầng cảm xúc, giữa lớp lớp hình ảnh và sự chìm sâu của suy tưởng, tôi thấy một con đường hiện lên. Đó là con đường của sự trở về. Và tôi vừa bị ám ảnh, vừa được gợi mở từ con đường ấy. Con đường trở về ấy là con đường để rời bỏ những phù phiếm, những cám dỗ, những hoang mang vô định và trở về một nơi chốn mà những giá trị muôn đời trú ngụ. Chỉ ở đó, nhà thơ, một con người, mới tìm thấy những gì thực sự có ý nghĩa với đời sống", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét về tập thơ. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ đọc thơ Trần Nhật Minh, ông có cảm nhận được thêm 2 tiếng "thơ ca". "Tính nhạc tràn vào cả câu chữ, hình ảnh, âm thanh. Có cảm tưởng ở đâu, lúc nào, tiếng đàn thơ trong tâm hồn Minh đều có thể bật lên cung điệu, và những cung điệu đó bất cứ khi nào cũng tạo được sự đồng điệu trong hồn người", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.

Đọc thơ của Trần Nhật Minh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thấy rằng dù tác giả có viết gì đi chăng nữa thì vẫn là viết về mình mà thôi. Nhưng thẳm sâu trong thơ của Nhật Minh vẫn buồn một nỗi buồn nhân thế. Cái buồn đó dìu dịu, lặng lẽ làm cho những câu thơ của Nhật Minh chỉ nên đọc ở một gam trầm, không vóng vót, không ồn ào.

Tình Lê