“Giáo dục cần phải đào tạo ra cá tính hay tính cách chấp nhận được, nhưng chuyện đào tạo ra quá nhiều cá tính cũng hơi gay go, nhất là giáo viên không phải là người cá tính”, đó là chia sẻ của nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ nhân dịp ra mắt cuốn sách mới.

Sau “Phố vẫn gió”, “Còn nhớ nhau không”, “Những gặp gỡ không ngờ”, “Thương thế ngày xưa” … tiếp tục mạch hoài niệm, Lê Minh Hà lại dẫn dụ người đọc theo dòng ký ức của mình trở lại những ngày xưa chưa xa với chuyện trường chuyện lớp.

Từ tuổi thơ sơ tán ở vùng quê nghèo ven sông Đáy, gặp người thầy đầu tiên, đi qua những ngày tháng trên ghế nhà trường nhiều nỗi chênh vênh, những năm tháng tuổi trẻ nhiều nốt trầm thời bao cấp, rồi khi đã trở thành một người thầy với bao trăn trở về nghề.

 

{keywords}
Tháng ngày ê a - cuốn sách mới của nhà văn Lê Minh Hà


Bằng những trang viết chân thực, giàu cảm xúc, “chan chứa nỗi niềm với người, với đất”, Lê Minh Hà cuốn người đọc vào những kỉ niệm tuổi thơ, tuổi trẻ của mình, những câu chuyện “bập bênh giữa buồn giữa vui, giữa khổ và sướng, giữa không thích và thích” của nghề giáo.

Trong những trang viết của Lê Minh Hà, độc giả gặp lại một Hà Nội với vẻ đẹp mộc mạc của những ngày xưa chưa xa với những chuyến tàu điện leng keng, những món quà vặt của học trò thời thiếu thốn, những ngôi nhà, góc phố, những mặt người giờ đã thành quá vãng.

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Lê Minh Hà nói: “Tôi không làm một nghiên cứu về giáo dục, không phán xét hay bàn luận về giáo dục, tôi viết một tác phẩm văn chương, trong đó lần đầu tiên tôi biến tôi thành nhân vật chính”.

Với tác phẩm của mình, chị khẳng định bản thân chưa đến tuổi để viết hồi ký, cũng không có một vị thế xã hội gì to tát đến mức nghĩ rằng mọi người muốn biết về cuộc đời mình. “Cuốn sách của tôi vì thế không có tên thể loại, nó chỉ đơn giản là câu chuyện rất thật những ngẫm nghĩ từ đó của một đứa trẻ, của một cô gái, của một người đàn bà suốt đời ngớ ngẩn” - chị tâm sự.

Chị cho hay mình chẳng ngần ngại gì khi nói về những lầm lỗi, điều mà những người viết hồi ký thường một cách có ý thức, nhiều khi cũng là vô thức họ tìm cách gạt đi, bởi với chị “Tại sao ta phải lẩn tránh sự thật, bởi vì có ai mà không lầm lỗi?”.

Tình Lê