Nguyễn Vân Anh - 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam đã có một hành trình trải nghiệm Sơn Đoòng qua cuốn sách mới vừa ra mắt - Đá nhọn vực sâu. 

Vốn là cái tên quen thuộc với công tác bảo vệ quyền của những người yếu thế, trẻ em và phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực trong suốt 20 năm qua, Nguyễn Vân Anh - người sáng tổ chức Csaga đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. 

{keywords}
Tác giả Vân Anh (giữa) chia sẻ về hành trình khám phá Sơn Đoòng

Cuốn sách Đá nhọn vực sâu là những trải nghiệm thực tế Sơn Đoòng của chính tác giả Vân Anh. Thông qua những gì đã trải qua trong suốt chuyến đi, tác giả đã xâu chuỗi lại những kỷ niệm thời ấu thơ, kỷ niệm về mẹ, gia đình cho tới khi trưởng thành hòa vào chuyến đi trải nghiệm quý giá Sơn Đoòng rồi qua đó đúc kết được nhiều giá trị cho bản thân.

Cuốn sách sau khi phát hành đã nhận được sự chào đón rất tích cực từ phía độc giả bởi đề cập đến địa danh Sơn Đoòng – một kỳ quan thiên nhiên đặc biệt mà không phải người Việt Nam nào cũng có cơ hội được tiếp cận và khám phá do mức giá đắt đỏ tới 3.000 USD/người (khoảng 64,5 triệu đồng) cho một tour du lịch khám phá.

Tại buổi ra mắt sách, tác giả Nguyễn Vân Anh chia sẻ: "Tôi không ghi chép lại chi tiết kỹ thuật để đi được mà đó là những cảm xúc đặc biệt ở trong hang. Bởi khi không liên hệ bất kỳ thứ gì với thế giới bên ngoài, tôi đã tách bỏ thế giới 100%, chỉ có người với người, người với thiên nhiên. Chúng ta cần những ngày để làm sạch tâm hồn mình, để sống với bản thân mình sâu sắc và kỹ nhất".

Tác giả kể lại rằng, giây phút sợ nhất là lúc vừa xuống hang vì không biết cái gì phía trước. “Tôi không hình dung được đã đi bao nhiêu kilomet. Sơn Đoòng là rừng nguyên sinh trên núi đá nhọn, có thác, có sông. Ngày đầu chúng tôi đã đi 17,5km". 

Chia sẻ về cuốn sách, Nguyễn Vân Anh đã nhắc đến việc đi qua nỗi sợ như một cách tìm ra bản thân. Muốn thực sự du lịch để trưởng thành thì đừng bao giờ đi theo đám đông. Người ta tìm thấy mình trên cơ sở nền tảng văn hóa và kiến thức, suy nghĩ nhất định. Chạm được một vùng đất mới là chạm được bản thân bởi tác giả đã đọc rất nhiều, nghĩ, nhìn và đi.

Trả lời câu hỏi từ độc giả: “Sau này không thể tự đi được thì có muốn xây cáp treo vào Sơn Đoòng không?”. Cả tác giả cuốn sách và khách mời đều đồng thanh trả lời: “Không!”. 

{keywords}
Nếu chưa có điều kiện phám phá Sơn Đoòng, cuốn sách này giúp bạn hình dung phần nào kỳ quan thiên nhiên đã ban tặng Việt Nam

 Tác giả Nguyễn Vân Anh cũng khẳng định: “Tôi sẽ không để lại chiếc cái cáp treo nào cho con cháu. Chân tôi nhũn ra và há hốc mồm khi đứng trước vẻ đẹp của Sơn Đoòng. Máy ảnh cũng không thể ghi lại được. Mỗi khi đi qua những đoạn mà tôi vuông góc với tường đá, tiếng hô Rope free là hiệu lệnh để mỗi người leo lên. Tiếng hô rất to và tạo động lực cho tôi. Rope free! Điều này được tôi viết trong sách Đá nhọn vực sâu. Tôi là một phần của thiên nhiên và sống hòa hợp với thiên nhiên. Nhiều tháng sau chuyến đi, tôi không thể trở lại bình thường. Về nhà tôi nghĩ, có nhất thiết phải sống như thế này không. Sống trong hang có khi tôi mới là người!”.

T.Lê