Để yên cho bác sĩ 'Hiền' - cuốn sách mới tập hợp các câu chuyện đời, chuyện nghề qua giọng văn nhiều cung bậc cảm xúc, sắc sảo, tinh tế, thâm thúy của bác sĩ Ngô Đức Hùng với nghề, với đời.

Không đơn thuần là cuốn sách tự sự hay tản văn, bởi có thể coi cuốn sách là sự tổng hòa giữa bút ký, tự sự và tản văn với cấu trúc được phân theo bốn chương như một tiểu thuyết xoay quanh những góc nhìn về cuộc sống của chính tác giả-bác sĩ Ngô Đức Hùng, bao gồm: Chuyện nghề, chuyện bệnh viện, chuyện đời và chuyện tôi.

 

{keywords}
 

 

Xuyên suốt chương I và chương II, người đọc có cơ hội tiếp cận với đời sống thực của các bác sĩ từ khi còn là sinh viên năm nhất lơ ngơ cho đến khi ra trường. Không mang đến những câu chuyện dạng bài học theo kiểu “món xúp cho tâm hồn” đầy lãng mạn thường dễ bắt gặp ở khuôn viên bệnh viện, cuốn sách chỉ làm nhiệm vụ ghi chép thuần túy và kể lại những câu chuyện phía sau điều ta vẫn thấy bằng mắt thường như bệnh tật, mất mát hay cái chết, hay những lời phong thanh rầm rĩ dọc hành lang bệnh viện với cái nhìn thực tế hơn, nhàu nhĩ hơn, đau đớn hơn, cũng “người” hơn.

Trong khi đó, chương III và IV đưa độc giả ra khỏi khuôn viên bệnh viện để đến với nhịp sống hối hả mỗi ngày của cuộc sống. Điều đặc biệt, đây lại chính là lúc độc giả thấy được tác giả rõ rệt nhất, không phải một bác sĩ có miệng lưỡi sắc như dao, mà là một chàng trai với trái tim ấm áp và tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Ấm áp để ngóng chờ một bà lão bán mẹt hàng xén quen trở lại trên góc phố sau mùa rét đậm. Nhạy cảm để yêu những khoảnh khắc giao mùa. Tinh tế để quan sát những đổi thay của hai hàng cây bên con đường mỗi ngày vẫn đi qua, đều đặn. Tính cách lãng mạn và mơ màng của một thi sĩ khao khát tình yêu cuộc sống được che giấu kỹ ở hai chương đầu dần lộ ra qua những con chữ.

Để yên cho bác sĩ 'Hiền' không chỉ mang lại những câu chuyện để mua vui vào lúc “trà dư tửu hậu”, mà còn phản ánh một xã hội đang dần đánh mất khả năng lắng nghe khi ai cũng có quyền được nói và nhao lên nói nhờ sức mạnh của mạng xã hội và được tiếp tay bởi truyền thông câu khách. Cuốn sách cũng mang lại cho người đọc cơ hội để chậm lại một chút, lắng nghe nhiều hơn một chút, một cách cẩn trọng và trân trọng hơn. Độc giả có thể lật lên phía dưới lớp ngôn ngữ thượng tầng để nhìn thấu được những nỗ lực của các Y bác sĩ, nhất là các bác sĩ công tác tại phòng hồi sức cấp cứu, nơi “mọi cái giường đều có người chết”.

Để khi khép sách lại, chúng ta, độc giả, những người luôn từ ngoài nhìn vào cánh cửa phòng khám, có thể thở ra một hơi nhẹ, để thấu hiểu hơn và chia sẻ hơn với nhau thế giới qua góc nhìn còn lại bởi cuộc sống còn có một chữ tình. Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” 

Tình Lê