“Tế Bào Gốc – Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học” sẽ trang bị cho bạn nhiều kiến thức để biết cách tự định hướng và phân biệt được đâu là niềm hy vọng chính đáng và đâu là sự thổi phồng cường điệu trong lĩnh vực này. 

Tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện thú vị kể bởi Giáo sư Peter Agre, người nhận giải Nobel về Hóa học năm 2003 cho những phát kiến về kênh vận chuyển nước qua màng tế bào, Aquaporin. Ông kể rằng mãi tới 2008, mẹ ông mới vui mừng nói với ông rằng “Mẹ rất hãnh diện vì nghiên cứu…khó hiểu nhiều năm của con cuối cùng cũng đã giúp làm đẹp da cho phụ nữ!”.

Ông té ngửa khi thấy mẹ ông gửi kèm bức ảnh chụp sản phẩm của một hãng mỹ phẩm ghi thêm chữ nhỏ bên dưới “Ứng dụng sáng kiến của giáo sư Peter Agre, giải Nobel 2003” hay đại ý như vậy mà thật ra người ta chẳng liên hệ gì với ông về việc đó. Ngoài ra, sản phẩm đó chưa chắc có được công hiệu như quảng cáo!

 

{keywords}
 

 

Câu chuyện trên không chỉ cho thấy mối quan tâm và cách suy nghĩ của người dân và nhà khoa học là rất khác nhau; nó làm nổi bật tầm quan trọng của truyền thông khoa học. Giải thích các vấn đề khoa học theo ngôn ngữ dễ hiểu với cộng đồng là một công việc cần thiết và cũng rất khó khăn. Đó là vì các kết quả nghiên cứu thường khô khan và phức tạp, cần được diễn giải trong bối cảnh cụ thể nhưng đa số người dân không đủ kiên nhẫn hay kiến thức để suy xét thấu đáo.

Các đơn vị truyền thông nhiều khi lại hay đơn giản hóa vấn đề hoặc cố tình giật tít nhằm thu hút sự chú ý hay dẫn dắt dư luận. Sự hời hợt trong việc lý giải và đưa tin khoa học, hay “lợi dụng/mượn danh khoa học” trong kinh doanh đang được xem là một vấn nạn trên toàn thế giới.

“Tế bào gốc” đang là một từ khóa “nóng hổi” được giới khoa học và công chúng trên toàn thế giới quan tâm, có lẽ cũng vì những kỳ vọng chính đáng từ ngàn xưa của con người về việc chữa lành các bệnh nan y, cải lão hoàn đồng hay đơn giản hơn là làm đẹp. Giải Nobel dành cho Shinya Yamanaka và John Gurdon năm 2012 nói lên tầm ảnh hưởng của lĩnh vực này trong khoa học đương đại và cả triển vọng thay đổi nền y học tương lai với hàng ngàn nghiên cứu được công bố hằng năm liên quan tới tế bào gốc.

Tuy nhiên, lĩnh vực tế bào gốc cũng đang gặp phải vấn đề truyền thông khoa học nói trên, khi mà chỉ một số kết quả nghiên cứu được chuyển tải “đúng như là nó” tới cộng đồng và phần nhiều trong đó đang được phóng đại lên để thu hút dư luận. Điều này dẫn đến sự hình thành và đối đầu giữa hai thái cực trong dư luận; một bên quá lạc quan về tiềm năng của điều trị bằng tế bào gốc khi chỉ mới có kết quả trên mô hình động vật hoặc tế bào (preclinical data) và bên kia thận trọng kêu gọi kiểm chứng kỹ lưỡng hiệu quả và những nguy cơ tiềm ẩn của điều trị tế bào gốc trong các thử nghiệm lâm sàng khắt khe trên người (clinical trials), cũng như cân nhắc các vấn đề về y đức.

Là một bác sĩ điều trị có vài kinh nghiệm nghiên cứu tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, tôi thỉnh thoảng được hỏi về điều trị tế bào gốc, một lĩnh vực tôi không chuyên sâu nhưng rất quan tâm. Tôi luôn thấy cần phải có một tài liệu tham khảo thích hợp cho cộng đồng về vấn đề này, vì đa số sách tham khảo về tế bào gốc hiện nay đều thiên về một trong hai thái cực nói trên, và rất ít sách do người có chuyên môn viết nên theo ngôn ngữ mà người dân có thể hiểu, trên quan điểm không thiên vị.

Sự xuất hiện của cuốn sách mới “Tế Bào Gốc – Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học” của Giáo sư Paul Knoepfler đã như một làn nước mát giải tỏa mong mỏi đó, và tôi đã thật sự bị quyến rũ từ những dòng đầu tiên. Với kinh nghiệm của một nhà khoa học lão luyện “dấn thân” làm blogger đối thoại với cộng đồng, những kiến thức quan trọng về tế bào học, sinh học đã được giải thích cặn kẽ và dễ hiểu. Sau khi người đọc hiểu rõ thế nào là tế bào gốc, những kiến thức cơ bản về bệnh tật, thử nghiệm lâm sàng và vị trí hiện nay của tế bào gốc trong việc điều trị từng mặt bệnh đã được trình bày rất chi tiết và công tâm.

Giáo sư còn trả lời một cách lý thú những câu hỏi bình dị về kỳ vọng của tế bào gốc trong tăng vòng ngực, mọc lại tay chân, kéo dài tuổi thọ, hay căng da mặt và chữa hói đầu! Thêm vào đó, cuốn sách còn nêu lên những thông tin quan trọng về an toàn y tế, như các quy định khắt khe trong quản lý chất lượng sản phẩm liên quan tới tế bào gốc, cách theo dõi các tác dụng ngoại ý đặc trưng cho các phương pháp điều trị này. Hiểu biết về những thách thức khó khăn của việc thử nghiệm điều trị tế bào gốc về mặt luân lý, luật pháp, tài chính và kỹ thuật là rất quan trọng để có cái nhìn thực tế và kỳ vọng đúng đắn hơn về những phương pháp điều trị mới.

Một điểm đặc biệt nữa của cuốn sách này là nó đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi nhóm dịch “kỳ duyên hội ngộ” gồm ba nhà khoa học nữ: Châu Tiểu Lan, Dương Thị Thư và Nguyễn Ngọc Kim Vy. Công tác tại ba múi giờ khác nhau, nhóm dịch đã rất cố gắng để mang về Việt Nam những thông tin khoa học giá trị và thiết thực trong thời gian ngắn nhất.

Tôi rất vui mừng vì cuốn sách rất chuyên nghiệp này đã ra mắt tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, với sự chào đón nồng nhiều của nhiều độc giả. Đúng như lời dẫn nhập, cuốn sách này sẽ trang bị cho bạn nhiều kiến thức để biết cách tự định hướng và phân biệt được đâu là niềm hy vọng chính đáng và đâu là sự thổi phồng cường điệu trong lĩnh vực này. 

Cuốn sách bằng tiếng Việt này cũng sẽ góp phần giúp nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh thu hẹp khoảng cách tri thức về một lĩnh vực mới mẻ, hấp dẫn nhưng cũng nhiều thử thách và không ngừng tiến bộ trong ngành y sinh. Đối với nhiều bác sĩ, tôi nghĩ rằng kiến thức trong cuốn sách này không chỉ giúp tư vấn bệnh nhân tốt hơn, mà còn mang lại một dịp suy tư về đạo đức y khoa khi con người có thể nhân giống cơ quan/nội tạng hay làm được những việc mà xã hội trước giờ chưa ai dám nghĩ tới.

Những suy tư đó sẽ lại giúp các bác sĩ có cái nhìn thận trọng hơn khi tham gia các thử nghiệm lâm sàng khác. Nền y học dựa vào tế bào gốc có tiềm năng tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa nếu không hiểu rõ và phòng tránh. Thiết nghĩ rằng cuốn sách lý thú này sẽ là hành trang không thể thiếu để tôi và bạn cùng hòa mình, một cách an toàn, vào dòng chảy không ngừng của tiến bộ y học.

BS.TS. Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư nội khoa, Trung tâm ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản)