Những câu chuyện chân thật về cuộc sống ở Trường Sa... đã được thể hiện trong cuốn sách ảnh "Trường Sa - Nơi ta đến" của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà.

"Trường Sa - Nơi ta đến" bao gồm 150 bức hình được chọn lựa từ hàng nghìn khoảnh khắc được nhà báo Mỹ Trà ghi nhận lại trong hai chuyến công tác biển đảo trong hai năm liên tiếp (2016 - 2017) nơi biển đảo Trường Sa nhiều nắng gió. Trường Sa trong cảm nhận của nhà báo Mỹ Trà rất đỗi trong trẻo và tráng lệ như một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, một cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Nhưng bên cạnh đó là cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính đảo, là cảm xúc nhớ đất liền và nhớ về những người đã ngã xuống. 

{keywords}
 

Những bức ảnh lắng đọng cảm xúc và chiều sâu nghệ thuật của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà, chất chứa bên trong là niềm tự hào mãnh liệt về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Độc giả sẽ tìm thấy nhiều cung bậc cảm xúc trong những trang sách, từ sự choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ của Trường Sa đến những cảm xúc nhẹ nhàng của một cuộc sống thanh bình trên đảo.

"Là một nhà báo nữ, làm ở mảng văn hoá đời sống nên những góc nhìn của tôi rất bình dị. Trước giờ mọi người vẫn biết đến Trường Sa với những điều hùng vĩ, can đảm, kiên trung, nhưng trong cuốn sách của tôi, Trường Sa trở nên nữ tính hơn, mềm mại hơn. Có lẽ Trường Sa là vùng đất chưa bình yên của Tổ quốc nên tất cả những điều có thể ở đất liền đó là điều bình thường nhưng ra đến Trường Sa, đó là những điều luôn khiến tôi cảm thấy xúc động. Nhất là những ô cửa Trường Sa luôn khiến tôi háo hức, tò mò với những điều ở sau đó", nhà báo Nguyễn Mỹ Trà tâm sự. 

{keywords}
Nhà báo Mỹ Trà

 "Cuốn sách "Trường Sa - Nơi ta đến" được ra mắt vào dịp rất đặc biệt và vô cùng thiêng liêng. Bởi vì nó đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Không có sự hy sinh nào dữ dội như sự hy sinh của những người lính hải quân. Ở đất liền còn có đất che chở, có rừng bao bọc... nhưng ở ngoài khơi chỉ có những lòng dũng cảm và Tổ quốc che chở cho họ. Nhà báo Mỹ Trà là nhà báo nữ nhưng sự dũng cảm của cô vượt cả nam giới bởi ở nơi đây, sóng gầm gào, chỉ cần sẩy chân là xác không còn tìm thấy. Nhưng Mỹ Trà đã có những bức ảnh rất đẹp về giàn khoan, những góc chụp khó phải leo trèo", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ. 

Cuốn sách "Trường Sa-Nơi ta đến" được thể hiện ở dạng song ngữ Anh-Việt, phần dịch do các biên tập viên Kênh tiếng Anh 24/7 (VOV5-Đài Tiếng nói Việt Nam) đảm nhận. Sách được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, trong Tủ sách Biển đảo Việt Nam.

Tình Lê