- Nhạc trưởng Lê Phi Phi đã có những trải lòng với chuyên mục Hotface về người vợ Tây chơi violon, về con trai duy nhất 19 tuổi đẹp trai, cao lớn thích theo đuổi lĩnh vực công nghệ.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi tiết lộ về cuộc hôn nhân với người vợ Tây.
: Cách dạy con của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Xem toàn bộ buổi trò chuyện với nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nhà báo Hà Sơn: Anh Lê Phi Phi thân mến, mọi người đều biết anh có vợ nghệ sĩ tài năng và bao năm qua cuộc sống vợ chồng anh rất hạnh phúc với cậu con trai 19 tuổi. Một người đàn ông Việt ở với người phụ nữ Phương Tây, làm thế nào để giữ được hạnh phúc trọn vẹn và lâu đến thế?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi phải đính chính một người đàn ông Việt sống với một người phụ nữ Phương Đông của Phương Tây vì về mặt địa lý Châu Âu chia ra làm Tây Âu, Đông Âu, Nam Âu, Bắc Âu và vùng vợ tôi sinh ra và lớn lên ở Nam Âu rất gần Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì ảnh hưởng của văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ rất gần với văn hóa Phương Đông của ta, đấy là điều đầu tiên tôi trả lời tại sao từng ấy năm chúng tôi lại sống hạnh phúc và tâm đầu ý hợp.

Chúng tôi quen nhau từ thời sinh viên, là bạn học cùng, sau đấy yêu nhau rồi thành hôn. Tôi nghĩ sau hơn 20 năm sống càng hiểu nhau hơn. Tính chất của hôn nhân giữa một người xa xứ và một người bản xứ với tôi đến thời điểm này không vấn đề gì. 

Nhà báo Hà Sơn: Chị cũng làm nghệ thuật, anh cũng làm nghệ thuật, sự hỗ trợ cho nhau có nhiều không? Thường anh góp ý nhiều hơn hay vợ góp ý nhiều hơn trong nghệ thuật?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Có một câu ngạn ngữ: "Đứng sau người đàn ông thành đạt là người vợ tốt". Tôi không nói mình góp ý nhiều hơn hay vợ nhưng nghề của tôi là nhạc trưởng, vợ là nghệ sĩ violin trong dàn nhạc nên khi làm việc tôi góp ý cho vợ trên cương vị nhạc trưởng góp ý cho nhạc công, khi về nhà vợ luôn luôn nhận xét về công việc của tôi bởi không ai hiểu người nhạc trưởng là tôi như cô ấy.

Sau buổi biểu diễn, quan trọng nhất là những nhận xét có tính xây dựng và chuyên nghiệp nên hai người bổ trợ cho nhau, nhưng vấn đề đó đôi khi ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Ngày xưa, khi chúng tôi mới về Macedonia làm việc, tôi làm 10 năm ở dàn nhạc giao hưởng quốc gia, vợ là nhạc công, ngoài công việc ở cơ quan về nhà lại nói chuyện công việc ở cơ quan. Sau đó tôi chuyển sang Nhà hát nhạc vũ kịch và làm giảng dạy bên nhạc viện, hai vợ chồng không làm cùng ít nhất không có những câu chuyện chung về công việc. Ngày xưa về nhà thi thoảng tôi lại nói: "Thôi nhá về nhà là không nói chuyện công việc, chuyện cơ quan".

Nhà báo Hà Sơn: Vợ chồng anh sống ở Macedonia cũng ít thời gian về Việt Nam, vợ anh không phải làm dâu ở với mẹ chồng như nhiều con dâu khác ở Việt Nam, vậy tình cảm của vợ với mẹ anh như thế nào?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi không phải là người phong kiến, bố mẹ cũng không suy nghĩ truyền thống phong kiến theo kiểu châu Á, tức là khi con trai lấy vợ nhất định con dâu phải về sống với bố mẹ chồng và làm dâu. Tôi nghĩ cuộc sống gia đình quan trọng nhất là tự do của gia đình nhỏ, thậm chí là gia đình lớn của bố mẹ, sau đó là con trai, con dâu, con rể... Trong một gia đình có 3 thế hệ sống với nhau chưa chắc đã tốt nên thà không sống với nhau nhưng thường xuyên qua lại quan tâm, thăm hỏi là tốt nhất.

Bố mẹ tôi không bao giờ phải đặt câu hỏi khi lấy vợ phải có con dâu về làm dâu. Hơn nữa tôi lấy vợ ngoại quốc nên muốn cũng không thể làm dâu được nhưng điều đó không có nghĩa mỗi lần nghỉ phép về thăm gia đình, vợ tôi không làm tròn trách nhiệm người vợ, người con dâu. Như năm ngoái bố mẹ tôi ốm nằm trong bệnh viện, vợ tôi dù vẫn phải đi tập với dàn nhạc nhưng chiều tối nào cũng vào thăm ông bà. Kể cả không về Việt Nam, vợ chồng tôi cũng chat trò chuyện với bố mẹ hàng ngày...

Nhà báo Hà Sơn: Anh chị có sống gần với bố mẹ vợ không?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Gia đình tôi ở Macedonia rất gần với bố mẹ vợ, đi bộ 5 phút. Tôi chọn mua nhà gần ông bà ngoại là vì hai vợ chồng đi diễn muốn gửi con sang ông bà. Ngoài ra đi chợ vợ chồng mua mớ rau hay gì đó cho ông bà cũng tốt điều đó thể hiện sự gần gũi và quan tâm đến nhau.

Nhà báo Hà Sơn: Con trai anh năm nay 19 tuổi nhưng không theo nghệ thuật mà muốn học IT, anh không định hướng cho con theo nghệ thuật sao? 

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Lúc còn nhỏ, khi con trai vào cấp 1 tôi thấy cháu không có đam mê về âm nhạc mặc dù nhà có piano, đàn violin. Bình thường nhiều gia đình khác sẽ áp đặt, con phải học đàn với suy nghĩ phải nối nghiệp cha mẹ. Nhưng sự nối nghiệp trong nghệ thuật phải là do trời phú cho đam mê, nghệ thuật âm nhạc, tôi không thể bắt con trở thành nghệ sĩ khi mà cháu không muốn tập nhạc.

Mặc dù sự cảm nhận về nghệ thuật và âm nhạc của con trai tôi rất tốt. Như khi nghe bản nhạc cháu phân tích rất đúng, đó là mức độ cảm nhận chứ không phải chơi nhạc được. Học xong trung học con trai quyết định đi thi tin học, đối với vợ chồng tôi đó là thông tin đáng mừng vì ở thời đại ngày nay công nghệ thông tin là ngành nghề hot nhất nên luôn luôn tôn trọng ý kiến của con.

Nhà báo Hà Sơn: Có nhiều gia đình sinh sống ở nước ngoài các con bị ảnh hưởng suy nghĩ, tư duy, văn hóa ở nước ngoài và thực tế nhiều bạn trẻ không nói được tiếng Việt và không hiểu văn hóa Việt. Cách anh dạy con hướng về đất mẹ ra sao?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khi con trai sinh ra tôi đã rất mất công đặt toàn bộ đồ gỗ ở Việt Nam và gửi sang Macedonia qua đường tàu biển. Tôi nhờ bố tôi - nhạc sĩ Hoàng Vân chọn tủ chè, khảm trai, tủ thờ, ghế mặt đá, bàn đá để mang sang bày ở phòng khách. Điều này tạo cho tổ ấm của tôi không gian Việt Nam. Ngoài ra, khi cháu sinh ra, tất cả những bài tôi hát ru cho cháu đều bằng tiếng Việt.

Khi cháu bắt đầu đi học lớp 1, học chữ, rất tiếc nơi tôi ở cộng đồng Việt Nam không có ai nên cháu không có môi trường để nói tiếng Việt. Vợ tôi lại là người ngoại quốc nên nói và viết tiếng Việt của cháu không được tốt nhưng cảm nhận của con sau những lần về Việt Nam thì rất nhiều. Quan trọng là tương lai của con như thế nào? Nếu một ngày khi tốt nghiệp đại học cháu muốn về Việt Nam sinh sống và làm việc lúc đó học tiếng Việt cũng chỉ vài năm là nói tiếng Việt được. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng con trai tôi vẫn có tâm hồn Việt. Quan trọng nhất không phải là nói tiếng Việt mà tâm hồn Việt.

Nhà báo Hà Sơn: Con trai anh đã có bạn gái chưa?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi cũng mong lắm!

Nhà báo Hà Sơn: Anh có mong con trai lấy một cô gái người Việt không?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi không nghĩ rằng bố mẹ có thể se duyên cho con cái cũng như tôi với vợ là duyên số. Mong muốn của tôi cũng như bố mẹ muốn người bạn đời của con cái mình không quan trọng quốc tịch, địa lý mà có hạnh phúc với nhau không. Mong muốn nhất của tôi là con trai có bạn gái sớm bởi biết yêu cháu sẽ nhìn cuộc đời bằng con mắt khác. Với tôi vợ không cứ là người Việt Nam hay nước ngoài...

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Xuân Quý - Bạt Tuấn - Huy Phúc