-  Trò chuyện cùng Trọng Tấn sau buổi tập dượt của anh cho Điều còn mãi sắp diễn ra vào 2/9 tới. Vẫn phong thái kín kẽ, điềm đạm, giọng ca hàng đầu của dòng nhạc bán cổ điển chia sẻ về chương trình, về các danh xưng gây nhiều tranh cãi và cuộc sống gia đình.

Trọng Tấn trình diễn tại hòa nhạc Điều còn mãi 2015

Chưa bao giờ xem mình là Ông hoàng

- Gắn bó với Điều còn mãi trong suốt nhiều năm, cảm xúc của Trọng Tấn thế nào khi tiếp tục được đồng hành cùng chương trình năm nay?

Tôi may mắn hơn so với các anh chị đồng nghiệp khác vì được đồng hành hầu như xuyên suốt với chuỗi chương trình. Điều còn mãi với tôi không chỉ là một chương trình âm nhạc trình diễn, mà trên hết, nó còn là nơi chứa đựng những giá trị tinh thần cốt lõi của âm nhạc Việt Nam.

Trước sự lên ngôi của gameshow, các chương trình ca nhạc đòi hỏi chiêu trò, kĩ xảo nhiều như hiện nay mà các bạn vẫn giữ được cho công chúng một chương trình âm nhạc "sạch" đúng nghĩa, theo tôi đó là điều rất đáng để trân trọng.

{keywords}
"Điều còn mãi đã vượt xa khỏi khuôn khổ của báo VietNamNet để trở thành món ăn tinh thần cho người dân cả nước vào ngày trọng đại của toàn dân tộc". 

- Việc làm mới ca khúc là điều cần thiết để phù hợp với thời đại nhưng cũng là đề tài thường xuyên gây tranh cãi của không ít người. Giữa những luồng ý kiến khác nhau, anh có sự chuẩn bị gì về tiết mục trình diễn của mình sắp tới?

Cá nhân tôi được giao thể hiện hai tác phẩm, gồm bản hợp xướng Hồi tưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân và một bài đơn ca. Chúng tôi luôn ý thức phải làm sao để truyền tải được thông điệp đến thế hệ trẻ một cách gần gũi nhất. Thời của chiến tranh, mất mát tang thương đã qua, quá khứ cũng không thể thay đổi. Thứ chúng ta cần là nhìn về phía trước bằng sự lạc quan và niềm hy vọng.

Nếu nhạc pop hay các dòng nhạc khác dàn nhạc có thể đón đưa, linh hoạt với ca sĩ. Còn với dàn nhạc giao hưởng hàng trăm người, chỉ một sai sót nhỏ của bạn cũng ảnh hưởng đến màn trình diễn. Bản thân người hát cũng không được quá phóng túng, tự ý phiêu theo mình mà cần cân đo đong đếm các yếu tố. Nói tóm lại, mọi thứ đều được chúng tôi đặt ra với quy chuẩn cao.

- Trong danh sách các 'Ông hoàng, bà hoàng' nhạc Việt được nhắc đến nhiều hiện nay, Trọng Tấn góp mặt với danh xưng 'Ông hoàng nhạc đỏ'. Tuy nhiên, theo quan sát của cá nhân tôi, những tên gọi này đang dần trở nên tiêu cực trong mắt công chúng. Anh nhìn nhận thế nào về sức nặng của những mỹ từ ấy?

(Cười) Bạn đừng quên tôi từng vướng phải sự cố không đáng có cũng bởi danh xưng này. Thú thật được nghe mà bảo không thích và tự hào thì chẳng khác nào nói mình xạo. Nhưng tôi chưa bao giờ tự dán nhãn mình là ông hoàng để được người khác tôn thờ, như thế thì rất mau hỏng. Còn chuyện một số nghệ sỹ vỗ ngực hay ngạo nghễ với các danh xưng tôi nghĩ cũng đáng phải bàn. Chúng ta nên biết những sự ngộ nhận đều "chết" rất nhanh.

Hơn nữa, nếu đã là mỹ từ như bạn nói thì nó sẽ luôn đẹp và cũng chẳng bao giờ chúng ta chiếm hữu được. Đâu ai có quyền trao vương miện hay giấy tờ chứng thực để mình sống mãi với danh xưng kiểu như NSND hay NSƯT do nhà nước cấp được? 

Thế mới nói, khi làm nghề, tôi luôn quan trọng mình làm được những gì, công chúng nhìn nhận mình ra sao. Đó mới là danh hiệu vững bền mà không ai có quyền tước đoạt của bạn được.

{keywords}
Trọng Tấn và vợ.

- Ở nước ngoài, dòng nhạc thính phòng/ cổ điển rất được coi trọng và có hẳn đời sống của riêng nó. Còn Việt Nam, dù không ít người tuyên bố sẽ vực dậy dòng nhạc này nhưng cho đến nay vẫn không mấy khởi sắc. Anh có thấy chạnh lòng không khi nhìn vào thực tế dòng chảy âm nhạc nước ta hiện nay?

Mỗi dòng nhạc và nghệ sĩ có giá trị riêng trong sự vận hành của bộ máy âm nhạc. Châu Âu hơn mình ở chỗ họ đã có sẵn nền tảng lâu đời và đối tượng khán giả trung thành. Tôi lấy ví dụ, một vở nhạc kịch với cùng một kịch bản duy nhất, khán giả bên đó họ có thể xem đi xem lại rất nhiều lần trong năm. 

Họ say đắm tận hưởng và bản thân mỗi người nghệ sĩ cũng như đạo diễn những vở kịch phải ý thức làm sao để dù diễn nhiều lần nhưng không bị chai lì cảm xúc. Sự đồng bộ từ nghệ sỹ, đơn vị sản xuất đến khán giả để vận hành như bộ máy chuyên nghiệp, đó là điều ta chưa làm được.

Ở TPHCM thì tôi không rõ nhưng thật ra ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc số lượng khán giả nghe nhạc chính thống khá cao. Trọng Tấn xuất hiện chương trình nào, Thanh Lam, Đăng Dương ở đâu họ đều nắm kỹ. Những kênh riêng của tôi trên Youtube vẫn tương tác ổn, lượng phát hành đĩa đều đặn. Hơn nữa, theo tôi biết thì những em theo dòng nhạc chính thống hay dân gian cũng có đời sống khá tốt. Đối tượng khán giả của chúng tôi khác nhau nên cũng không thể đòi hỏi phải thu nhập cao như với các bạn dòng nhạc trẻ được.

- Anh Thơ - Trọng Tấn vẫn là một cặp "trời sinh" trong âm nhạc. Đếm hết thảy thì nhạc Việt cũng không có quá nhiều cặp đội hiểu nhau khi cùng song ca như anh chị. Nhưng dường như hai người không còn mặn mà lắm khi kết hợp với nhau thì phải?

Cả tôi và chị Anh Thơ thực tế vẫn là hai nghệ sĩ hoạt động độc lập. Chúng tôi cùng được học hành bài bản, hát tốt ở một vài dòng nhạc nên khi ghép đôi lại vô tình tạo được hiệu ứng khán giả tốt. Cả hai vẫn thỉnh thoảng đi diễn chung theo lời mời đấy thôi, chỉ là không thường xuyên xuất hiện trên sóng trực tiếp nên mọi người không biết.

Anh Thơ thời gian qua cũng hát với những người khác và Trọng Tấn cũng kết hợp cùng chị Thanh Lam, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương,… Tôi nghĩ đã là nghệ sỹ thì cần phải đa dạng. Không thể giữ sự mặc định anh hát nhạc đỏ, nhạc thính phòng thì anh phải giữ y nguyên một màu như vậy được.

Sẵn sàng lăn xả vào bếp phụ vợ

- Trên trang facebook của mình, Trọng Tấn thường chia sẻ hình ảnh về các thành viên trong gia đình kèm những đoạn status bày tỏ yêu thương vợ và các con. Rõ ràng không thể phủ nhận hình ảnh một Trọng Tấn lịch lãm, vẹn toàn trong vai trò người chồng, người bố bao giờ cũng đẹp mắt hơn so với một ca sỹ lúc nào cũng tất bật chạy show, hối hả với sự nghiệp. Anh có đồng tình khi tôi nhận định như thế?

(Cười) Cái đó còn tùy thuộc quan niệm mỗi người. Tôi là mẫu người của gia đình thì chỉ đơn giản là mình thèm cảm giác quây quần cùng vợ và các con trong mỗi bữa cơm. Nhưng có những người họ vẫn yêu nhưng nói không với việc kết hôn.

Tất nhiên việc giữ kẽ hình ảnh của mình trước công chúng là điều cần phải có. Bản thân một nghệ sĩ có nền tảng gia đình tốt đẹp bao giờ cũng được quý trọng và chính họ cũng có niềm say mê để làm nghề hơn. Khán giả có thể ngưỡng mộ, học hỏi nếu nhìn vào một hình ảnh tốt đẹp thì có gì mà mình che giấu? 

Tôi phải luôn tự đặt ra những câu hỏi mong muốn của bạn về gia đình là gì, vai trò của người chồng, người bố như thế nào. Có rất nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì không giải được bài toán này.

{keywords}
Gia đình Trọng Tấn 

- Với không ít nghệ sỹ, việc gìn giữ tổ ấm luôn là một áp lực vì đó không chỉ là chuyện của cá nhân hai người mà đôi khi còn là câu chuyện chung của truyền thông, công chúng. Với Trọng Tấn, chắc hẳn có bí quyết riêng?

5 năm đầu của cuộc hôn nhân là thời kỳ dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn nhất. Khi đó giữa hai con người, hai cá tính khác nhau thì việc không hài lòng về đối phương là không tránh khỏi. Cái cần nhất là cùng gạt bỏ bản thân sang một bên để lắng nghe. Điều này có thể hơi cũ và sách vở nhưng thực tế tôi nghĩ như vậy.

Tôi công nhận rằng nghệ sĩ thì cái tôi rất lớn. Nhưng nếu mang cái tôi trong nghệ thuật mà áp vào đời sống gia đình thì không được. Bạn có quyền cực đoan, quyết liệt khi làm nghề, đó là điều cần thiết. Nhưng khi trở về cùng vợ và các con, bạn phải bỏ lại hết những điều ở thế giới ngoài kia trước khi đặt chân vào thềm cửa.

Nói nôm na một người nghệ sĩ luôn phải đóng hai vai, một cho khán giả và một cho gia đình, mà bất cứ vai diễn nào cũng cần phải đạt đến độ hoàn hảo nhất có thể. Tôi vẫn có thể lăn xả vào bếp phụ vợ, hay quét dọn nhà cửa, rửa bát… Đừng quan trọng chuyện vai vế vì nếu càng đi gần chúng ta sẽ càng tìm ra được điểm chung giữa mình và người vợ. Khi đó sẽ không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự gắn kết, yêu thương giữa những con người với nhau.

- Suy nghĩ thấu đáo về gia đình như thế nên trong quan điểm dạy con của Trọng Tấn cũng có nhiều điều thú vị?

Đương nhiên, là bậc cha mẹ, tôi và vợ vẫn mong con có một tương lai tốt. Nhưng cũng không đồng nghĩa mình ép buộc chúng phải sống theo suy nghĩ của mình. Hai bé nhà tôi chỉ mới học cấp 2 nhưng vừa qua đã thi đỗ vào Nhạc viện. 

Tôi luôn dạy con dù chỉ học cấp 2 nhưng khi bước vào Nhạc viện thì các con đã là sinh viên nên cần phải có trách nhiệm với bản thân. Ngay cả những hình ảnh gia đình chụp chung tôi vẫn thường hỏi chúng xem các con có thích bố đăng lên facebook không? Nếu chúng không thích tôi cũng không thể tự ý đăng. Từ những việc nhỏ như thế để chúng thấy rằng bản thân được tôn trọng từ bố mẹ.

Xin cảm ơn anh!

Tuấn Chiêu

{keywords}