- "Tôi từng góp ý, thậm chí mắng Tân Nhàn nhiều lần để cô ấy hoàn thiện mình hơn" - nhạc sĩ Tuấn Phương chia sẻ.

Clip nhạc sĩ Tuấn Phương chia sẻ về hòa nhạc Điều còn mãi

Sau ngày nghỉ hưu, nhạc sĩ Tuấn Phương không còn tham gia ekip truyền hình trực tiếp hòa nhạc Điều còn mãi trên sóng VTV. Nhưng bù lại, anh tiếp tục gắn bó với chương trình trong vai trò nhạc sĩ có tác phẩm được trình diễn. Ca khúc "Trở về" rất nổi tiếng của anh hứa hẹn gợi nhớ nhiều hoài niệm qua giọng hát Tân Nhàn, nhưng đồng thời được làm mới lại khi kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng. Đài Truyền hình Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp chương trình Hòa nhạc Điều còn mãi 2018 trên kênh VTV1.

- Mỗi nhạc sĩ đều có một phong cách sáng tác khác nhau. Còn anh viết nhạc như thế nào?

Tôi muốn viết gì là phải viết liền. Ngày xưa góc làm việc của tôi là một chiếc bàn kê sát tường, treo thêm một quyển lịch, tôi hay nói đùa là quay mặt vào tường làm nghệ thuật. Nhưng nửa năm trở lại đây tôi chuyển tới nhà mới ở ngoại thành. Không gian làm việc của tôi hướng thẳng ra cánh đồng, rất yên tĩnh. Con người tôi thích rất nhiều thứ nên cũng viết rất nhiều dòng nhạc, từ dân gian tới nhạc trẻ, từ ca ngợi quê hương đất nước tới những bài tình ca. Ngày trước, tôi còn viết rất nhiều nhạc phim.

Chủ đề tôi yêu thích nhất là tình yêu, nhưng chủ đề tôi viết thành công nhất là nông thôn. Trông tôi cũng hiện đại lắm chứ nhỉ? Tôi đâu có chất nông dân gì đâu. Vậy mà, tôi thấy mình thành công nhất ở mảng đề tài này. Âm nhạc giúp cuộc sống của tôi có ý nghĩa, an ủi tôi trong cuộc sống dù vui dù buồn.

{keywords}
Nhạc sĩ Tuấn Phương mang đến nhiều sáng tác thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau.

- "Trở về" được anh viết trong hoàn cảnh như thế nào?

Năm 2010, một người bạn gửi cho tôi bài thơ có tựa đề Trở về của một tác giả gốc Việt từng viết khi sinh sống ở Nga, nhờ tôi phổ nhạc cho tác phẩm đó. Bài thơ gốc dài lắm, có khổ nói về mẹ, có khổ nói về bè bạn, có khổ nói về quê hương, đất nước.

Tôi mở đầu ca khúc bằng câu “Ta trở về với tiếng gọi mẹ ơi”, nhưng thực ra đoạn thơ đó nằm ở giữa bài thơ. Quá yêu thích ý tưởng của những vần thơ gốc, tôi không mất nhiều thời gian để phổ nhạc cho Trở về.

Tôi tìm cách liên lạc với tác giả của bài thơ gốc là anh Lê Tự Minh để trò chuyện, chia sẻ về cảm hứng sáng tác của anh ấy, về nỗi lòng của người con xa xứ. Tôi cũng đưa thêm những cảm xúc cá nhân vào tác phẩm, bởi khi viết nhạc cho thơ, nhạc sĩ phải tìm cách thổi hồn cho từng câu chữ.

Chính những vần thơ rất dung dị đã chắp cánh cho ca khúc, đưa Trở về chạm đến tâm hồn của rất nhiều người. Trở về là cầu nối cho tình bạn của tôi với Lê Tự Minh. Tôi và Minh thường xuyên trao đổi thư từ, chia sẻ về văn hóa, nghệ thuật. Tôi rất ấn tượng tài năng và tâm hồn thi ca của anh Minh. Anh ấy từng dịch rất nhiều bài hát nước ngoài sang tiếng Việt như Bonjour Vietnam, Gặp mẹ trong mơ…

 

Clip ca khúc Trở về qua giọng ca Trọng Tấn

- Ở hòa nhạc quốc gia "Điều Còn Mãi" năm nay, "Trở về" được thể hiện bởi ca sĩ Tân Nhàn – một giọng ca từng hát ca khúc này nhiều lần. Anh nhận định thế nào về chất giọng của Tân Nhàn với nhạc phẩm của anh?

Tôi có thói quen, khi sáng tác luôn định hình sẵn ca khúc dành cho giọng nam hay giọng nữ, đôi khi còn “đo ni đóng giầy” cho ca sĩ nào. Điều này giúp cho phong cách màu sắc của bài hát rõ ràng hơn. Tôi từng viết nhiều bài hát dành cho giọng ca nữ, nhưng riêng Trở về, tôi hướng đến một giọng ca nam cao. Tôi cũng không rõ tại sao như vậy, có thể là vì bài thơ được sáng tác bởi một tác giả nam. Khi hoàn thành Trở về, tôi mong muốn Trọng Tấn sẽ trình bày ca khúc, bởi trong bài hát có những quãng cần nội lực giống như Tấn và thực sự, phần thể hiện của Trọng Tấn rất thành công.

Một thời gian sau, Tân Nhàn thích Trở về quá, xin tôi cho đưa bài này vào đĩa nhạc riêng của cô ấy. Hồi đó, tôi không kịp hướng dẫn Tân Nhàn tập luyện ca khúc này, nên tôi rất bất ngờ về dấu ấn riêng mà Nhàn lưu lại với Trở về. Trước cái bóng khá lớn của Trọng Tấn, Tân Nhàn chịu nhiều áp lực nhưng vẫn thể hiện ca khúc Trở về quá tốt.

Tân Nhàn trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai, sở hữu một giọng ca đẹp và tinh thần nỗ lực rất lớn. Thời kỳ đầu, chất giọng của Tân Nhàn mang nhiều tính thanh nhạc, nghĩa là quá bài bản, đặc trưng của những người mới rời khỏi trường lớp đào tạo. Tôi là một người rất khó tính trong âm nhạc. Tôi từng góp ý, thậm chí mắng Tân Nhàn nhiều lần để cô ấy hoàn thiện mình hơn. Càng ngày, Tân Nhàn hát càng tốt, đủ độ chín của người đàn bà, trở thành một nghệ sĩ thực thụ.

{keywords}
Nhạc sĩ Tuấn Phương là một trong những nhạc sĩ có cống hiến với nền âm nhạc Việt Nam.

 

- "Trở về" từng được thể hiện ở nhiều sân khấu lớn nhỏ và ca sĩ trọn ra album nhưng tác phẩm được trình diễn với dàn nhạc giao hưởng thì chưa bao giờ. Anh có lo lắng gì?

Trước khi trở thành nhạc sĩ, tôi từng tham gia dàn nhạc giao hưởng 20 năm, tôi rất hiểu về chất nghệ thuật của thể loại này. Tôi vẫn đang chờ bản phối mới từ các đồng nghiệp nhưng tôi tin, kết hợp với dàn nhạc, màu sắc dân gian dung dị của Trở về sẽ càng được chắp cánh và nâng tầm nghệ thuật. Hiệu ứng của dàn nhạc giao hưởng sẽ giúp chất nhạc của Trở về chuyên nghiệp và dày dặn hơn. Đó là điều mà chưa chương trình nào làm được, đáng để mong đợi. Hy vọng là phần biểu diễn này sẽ ấn tượng.

- Gắn bó với "Điều còn mãi" qua nhiều năm, anh ấn tượng với phần trình diễn nào nhất?

Ngoại trừ năm đầu tiên, năm nào tôi cũng trong ekip của VTV tham gia truyền hình trực tiếp Điều còn mãi. Thật khó cho tôi để nói phần biểu diễn nào ấn tượng nhất, vì quá nhiều tiết mục hấp dẫn. Chương trình Điều còn mãi mang một ý nghĩa rất đẹp, là một ý tưởng tuyệt vời của báo VietNamNet mà ít nơi thực hiện được.

{keywords}
Nhạc sĩ Tuấn Phươngbên bà xã và vợ chồng con trai lớn tại Nhật Bản.

- Tiếp tục đam mê âm nhạc thì mới đây, anh giới thiệu tác phẩm mang tên "Một nửa". Bài hát này hiện thu hút nhiều sự chú ý. Tại sao anh chọn Tùng Dương thể hiện?

Đơn giản vì Tùng Dương hát hay. Có lần Lê Anh Dũng tới nhà tôi chơi, nghe thử tôi đàn piano bài này thì rất thích, nói vui với tôi là muốn thu âm một bản. Mỗi ca sĩ đều có màu sắc riêng khi thể hiện. Lê Anh Dũng có chất giọng dịu dàng, còn Tùng Dương mang tới phong cách hiện đại.

- Song hành với sự nghiệp âm nhạc, cuộc sống của anh như thế nào?

Trong gia đình, tôi là người duy nhất làm nghệ thuật, vợ con tôi không liên quan gì tới công việc của tôi. Bà xã tôi làm bên ngành giáo dục nhưng cũng rất yêu nghệ thuật. Con trai lớn của tôi sau khi tốt nghiệp ở Mỹ làm việc và định cư tại Nhật Bản cùng vợ. Cậu thứ hai đang học cấp 3. Hai con tôi càng lớn càng yêu âm nhạc nhưng không ai theo nghiệp của bố.

Tôi chưa từng chủ ý định hướng cho các con học nhạc bởi vì một khi có khả năng và đam mê, các con tôi sẽ tự tìm đến với âm nhạc. Điều này tôi đúc rút từ trải nghiệm của chính tôi, bởi tôi bén duyên với âm nhạc khá muộn.

Phong Kiều 

{keywords}
Tân Nhàn, Đức Tuấn trở lại trong Điều Còn Mãi 2018

Tân Nhàn, Đức Tuấn trở lại trong Điều Còn Mãi 2018

Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi 2018 hứa hẹn là buổi hòa nhạc đỉnh cao đầy mới mẻ với những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ: Hoàng Vân, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Thương, Vũ Thanh...

Tân Nhàn nói gì khi làm sếp Anh Thơ, Lan Anh?

Tân Nhàn nói gì khi làm sếp Anh Thơ, Lan Anh?

Là Phó trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ca sĩ Tân Nhàn hiện là "sếp" của hai ca sĩ đàn chị Anh Thơ và Lan Anh.

Căn hộ đẹp ngất ngây của vợ chồng Tân Nhàn

Căn hộ đẹp ngất ngây của vợ chồng Tân Nhàn

Vợ chồng ca sĩ Tân Nhàn - Tuấn Anh vừa chuyển tới căn hộ mới được một tháng. Với phong cách cổ điển Châu Âu đẹp mắt, căn hộ của cặp vợ chồng nghệ sĩ khiến các vị khách không khỏi bất ngờ và ngưỡng mộ.