- Đã vào tuổi 91, lần đầu dự buổi hòa nhạc “Điều Còn mãi 2017” nhưng ông Nguyễn Xuân Sâm - một trong những người tham gia biểu tình 18/8/1945, chiếm Bảo an Binh, được phân công “Bảo vệ Lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình” ngày 2/9/1945 lịch sử đã có nhiều cảm xúc đặc biệt.


Tết Độc Lập hôm nay nhớ thời tuổi trẻ hào hùng

Trong khán giả dự buổi hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” 2017 có vị khách cao tuổi chống gậy bước chậm chạp lên khán phòng Nhà hát Lớn. Tôi đỡ ông lên bậc thang được ông chia sẻ những kỷ niệm xưa.

“Năm nay mình đã sang tuổi 91 rồi, sức khỏe có giảm hơn trước và ít khi lên phố. Nay được người quen chuyển cho vé tôi rất phẩn khởi cùng vợ đi dự” - ông Sâm hào hứng khoe.

{keywords}
Ông Xuân Sâm cùng vợ tại Nhà hát Lớn chiều 2/9.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ở Hà Nội, tôi tham gia chiếm trại “Bảo An Binh” (trên phố Hàng Bài, đối diện rạp Tháng 8 bây giờ) những thanh niên Cứu Quốc có chân trong mặt trận Việt Minh được phát súng, vừa lấy được trong trại. Lần đầu tiên được cầm khẩu súng trường dài ngoẵng thấy mình chững chạc hẳn lên, tiểu đội tôi có anh thấp đeo súng lên vai báng súng gần sát đất. Chúng tôi được tổ chức thành tiểu đội, phân đội. Cán bộ tiểu đội, phân đội do anh em bầu. Mọi sinh hoạt hậu cần được các chị buôn bán ở chợ Đồng Xuân lo cơm nước chở bằng xe tay vào ủng hộ bộ đội, rất chu đáo. 

Ông Xuân Sâm bảo ngày 2/9/1945 đơn vị được nhận nhiệm vụ đặc biệt “Bảo vệ Lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình”. “Bây giờ tôi vẫn còn như thấy không khí hào hùng ngày hôm ấy khi đơn vị được đứng ngay dưới kỳ đài, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập cả một biển người im phăng phắc lắng nghe.

{keywords}
Ông Xuân Sâm cùng vợ tại phòng Gương của Nhà hát Lớn.

Khi Bác nói “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm “Có! Có!”.. Nhiều người vừa hô vừa khóc bởi không ngờ Bác Hồ lại giản dị và gần gũi đến thế. Đứng trong đội bảo vệ kỳ đài ông Sâm cũng hô khản cả cổ và bật khóc lúc nào không hay.

Sau đó phân đội của ông dưới sự chỉ huy của đại uý Vương Thừa Vũi đi đón đại đội Việt Mỹ từ chiến khu về. Đồng chí Đàm Quang Trung dạy những động tác quân sự đầu tiên: Đứng nghiêm, quay phải trái, chào, lắp đạn vào súng, nhắm bắn. Ai là Việt Minh và được mặt trận giới thiệu được đặc cách tách ra, vào một đơn vị khoảng 160 người. Đơn vị này chưa có phiên hiệu. 

“Chúng tôi hành quân đóng ở “Nông lâm đại học đường” bây giờ là trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được dăm ngày lại hành quân đến đóng ở Xuân Mai. Nhân dân thủ đô Hà Nội đã gửi ngay con em của mình ra trận. Đó là hai đoàn quân Nam Tiến và Tây Tiến. Gia đình tôi có hai anh em trai: Anh trai tôi theo đoàn Nam Tiến, tôi theo đoàn quân Tây Tiến.

Ở đây chúng tôi được học tháo lắp và lau chùi súng đạn, ném lựu đạn. Một hôm có đồng chí Lê Hiến Mai, Ủy viên Chính phủ trực tiếp lãnh đạo đơn vị, tới công bố quyết định: “Đơn vị được tổng chỉ huy giao phiên hiệu “Đội vũ trang trinh sát miền Tây”, nhiệm vụ là đơn vị Tây Tiến đầu tiên đi trinh sát và tìm giặc đánh, gây phong trào cách mạng, hỗ trợ nhân dân lập chính quyền cách mạng ở miền Tây”, ông Sâm nhớ lại.

Từ Xuân Mai, ông Sâm và đồng đội lên đường tiến về phía Tây. Đó là miền đất rộng lớn, có tầm quan trọng về chiến lược, mà chưa có phong trào cách mạng. Từ thị xã Hòa Bình chúng tôi đi đường núi hang Miếng. Vượt qua những con dốc có tên rất lạ tai như Tin Túc (Chân Rơi), Khoai Háy (Trâu Khóc). Trên đường gian khổ ấy, chúng tôi dừng lại các bản để vận động Phìa Tạo cung cấp lương thực và người dẫn đường, thu lượm tin tức giặc qua nhân dân. 

Ông Xuân Sâm kể sáng 18/10 đến thị xã Sầm Nứa. Vừa đói vừa rét và mệt mỏi sau cuộc hành quân, ông và đồng đội được đồng bào cho ăn, sưởi ấm để lấy lại sức. Khi đến Mường Láp lúc sẩm tối ngày 20/10, khi đó quân Pháp vừa tới Mường Láp đang nghỉ xả hơi, bắt Phìa Tạo đưa con gái trong bản nhảy xòe, quân Pháp nhiều đứa ở trần uống rượu hò hét ầm ỹ.  

“Đội xung kích tiếp cận thấy tên lính da đen ngồi gác, ta ném quả lựu đạn nhưng không nổ. Tên này hốt hoảng bắn một phát súng chống cự, bị tiêu diệt ngay. Các tổ chiến đấu hô “Xung phong” vang trời. Quân Pháp bị bất ngờ, hoảng hốt chạy tán loạn vào rừng trong đêm tối. Chúng bỏ lại hàng trăm con ngựa thồ, hàng trăm phu khuân vác, hàng đống súng đạn, điện đài, thuốc men và những đồ quân dụng khác thuốc men trang bị y tế . Đây là kho báu giữa lúc quân ta thiếu thốn đủ mọi bề.

Sau đó ngày 27/2/1947 trung đoàn Tây tiến được thành lập “Đội vũ trang trinh sát miền Tây” là nòng cốt đồng chí Chu Đốc là trung đoàn trưởng, đồng chí Hùng Thanh là chính trị viên. Đến ngày 16/5/1947 trung đoàn Tây tiến đổi phiên hiệu là Trung đoàn 52. Cuộc đời tôi gắn bó với những cuộc hành quân bảo vệ tổ quốc” - ông Xuân Sâm nhớ lại.

Hoà nhạc Điều còn mãi khơi gợi niềm tự hào dân tộc 

Ông bà ngồi chăm chú xem mỗi khi kết thúc đều nhiệt tình vỗ tay đầy xúc động. Ông nói: “Lần đầu tiên được dự khán cuộc hòa nhạc này tôi thật bất ngờ và sung sướng. Những tác phẩm thuần Việt này nhất là những ca khúc tôi đều nghe qua hoặc đã từng tham gia hát cùng đồng đội, hôm nay được các nghệ sĩ nổi tiếng trình bày với dàn nhạc Giao hưởng quốc gia và nhạc trưởng Lê Phi Phi đã mang đến cho tôi bữa tiệc âm nhạc sang trọng và hoành tráng’’.

Nguyễn Phú Cương 

{keywords}