"Gala ngôi sao sân khấu" tại Hà Nội tối 26/9 thu hút rất đông nghệ sĩ nổi tiếng như Hoàng Dũng, Trung Hiếu, Hoài Linh, Hồng Vân... Chương trình kéo dài đến độ Xuân Bắc còn động viên khán giả nếu xem hết "sẽ được mời đi ăn sáng".

Tối 26/9 tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm ngày sân khấu Việt Nam với chủ đề "Gala ngôi sao sân khấu". Nghệ sĩ như con tằm nhả những sợi tơ đẹp, và đêm qua NSND Doãn Hoàng Giang - tổng đạo diễn của chương trình đã kết nối được những sợi tơ đẹp nhất từ người nghệ sĩ. Để đêm Gala như một tấm lụa óng ả, mượt mà mà ở đó, chỉ có cảm xúc được lên ngôi. 

Mở đầu chương trình là màn Trống hội được dàn dựng công phu với chủ đề 60 năm Hội NSSK Việt Nam do các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng biểu diễn. Tinh thần của nghệ sĩ được truyền tải qua những màn trống 'đã tai' khiến người xem luôn kỳ vọng vào tương lai của nền sân khấu sẽ bừng sáng.

{keywords}

NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Hiếu - 2 thế hệ Giám đốc của Nhà hát Kịch Hà Nội diễn cùng nhau trên sân khấu trong vở "Cát bụi". Diễn cùng nhau trong nhiều vở của nhà hát thì 2 nghệ sĩ đã từng, nhưng chỉ đối thoại với nhau riêng ở trích đoạn này, đây là lần đầu tiên. Cảm xúc được đẩy lên cao trào bởi sự nhập vai của 2 nghệ sĩ đầy tài năng, khán giả vỗ tay không ngớt và họ - đúng là nghệ sĩ của nhân dân.

Chương trình còn đưa khán giả tới xứ Huế mộng mơ, mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Bên cạnh Nhã nhạc Cung đình, Ca Huế thì còn tồn tại một loại hình mà ít người biết tới đó là - hát Chầu văn. Chầu văn - một nội dung quan trọng trong di sản nghi lễ Thờ mẫu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận không chỉ tồn tại ở đồng bằng Bắc Bộ mà còn hiện diện ở các vùng miền khác. Trong đêm hội tụ những ngôi sao sân khấu này, khán giả được thưởng thức những cái hay, cái lạ của Chầu văn Huế qua sự thể hiện của nghệ sĩ Kiều Oanh và các nghệ sĩ Nhà hát Ca kịch Huế.

Tiết mục rối cạn do các nghệ sĩ Nhà hát múa Rối trung ương biểu diễn

Trích đoạn Chèo “Thị Mầu lên chùa” cũng làm nức lòng người xem bởi sự 'đỏng đảnh' của cô Mầu do NSƯT Thu Huyền và các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn.

Ra đời từ năm 1934, thiên phóng sự "Kỹ Nghệ lấy Tây" của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã gây một tiếng vang lớn trên Văn đàn Việt Nam bấy giờ. Hơn 70 năm qua, tính thời đại và giá trị nhân văn của tác phẩm vẫn hiện diện trong những bi - hài của số phận nhân vật. 

Trong đêm Gala một trích đoạn "Kỹ nghệ lấy Tây" phiên bản Sân khấu, do NSND Hồng Vân, NS Lan Phương... biểu diễn. Tài năng và cái duyên sân khấu của NSND Hồng Vân một lần nữa lại được khẳng định. Tiếng cười xen lẫn những xót xa của khán giả cho thân phận đàn bà thời bấy giờ là thành công của các nghệ sĩ.

Tiểu phẩm “Điều còn mãi”, cùng với sự kết hợp giữa NSND Tự Long, NSND Lan Hương, NSƯT Xuân Bắc, NS Xuân Nghĩa cho người xem thấy được đằng sau những phút vinh quang, những lần 'lên xe xuống ngựa', 'má thắm môi son' của các nghệ sĩ là cuộc sống đời thường vất vả. Xem vở kịch này, người ta trân trọng nghệ sĩ hơn, trân trọng cả tình nghệ sĩ nữa.

Vở kịch của NSƯT Hoài Linh là vở 'vedette' của đêm Gala. Khán giả Thủ đô đã chờ tới màn cuối cùng để xem phần hài kịch "Nhà dột từ nóc". 

Một đêm diễn mà các nghệ sĩ đều rất thăng hoa. Dù thời lượng cho mỗi trích đoạn chỉ có 15 phút nhưng ngày hội của họ, dường như ai cũng muốn cống hiến nhiều hơn nữa và chương trình kéo dài tới gần 12h đêm mới kết thúc. Chương trình dài đến độ nghệ sĩ Xuân Bắc còn động viên khán giả nếu xem hết "sẽ được mời đi ăn sáng" nhưng không khán giả nào than. Tất cả đều ngồi đến phút cuối cùng, như muốn nhận hơn nữa những sợi tơ đẹp đẽ. 

Tình Lê