- Có tiếp tục chọi trâu hay không và cho chọi trâu hình thức sẽ như thế nào là vấn đề mà nhiều người và cả cơ quan quản lý phải đau đầu trong trong mùa Lễ hội năm 2018.

Sáng 2/2, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nhiều vấn đề nóng của mùa Lễ hội 2017 được mổ xẻ, nêu nguyên nhân và tìm giải pháp để Lễ hội 2018 được hiệu quả cao.

Một trong những vấn đề được quan tâm đề cập tại hội nghị là việc tổ chức lễ hội chọi trâu ở một số địa phương như Hội thi chọi trâu ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái… 

{keywords}
 

 Ông Nguyên Văn Phan, quyền Giám đốc Sở VTTDL Tuyên Quang cho rằng người dân của Tuyên Quang muốn biết có cho chọi trâu hay không, có cấp phép tiếp hay thu hồi, căn cứ điều khoản nào để yêu cầu dừng chọi trâu chứ không thể nêu chung chung là phản cảm.

"Hiện nay có hàng trăm con trâu đã được tập kết, và chỉ chờ ra Tết là người dân sẽ tổ chức chọi trâu. Có rất nhiều cuộc hội thảo về trâu của Tuyên Quang, các nhà khoa học còn cho rằng, Đồ Sơn còn phải lên Tuyên Quang để tìm trâu tốt. Tại sao nơi này được tổ chức mà nơi khác lại không? Nên tôi mong có sự chỉ đạo cụ thể", ông Nguyên Văn Phan nói. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, câu chuyện về chọi trâu đã là vấn đề "nóng" từ năm 2014. Bộ VHTTDL những năm qua đã yêu cầu các địa phương có biện pháp tuyên truyền vận động, đồng thời có quan điểm rõ ràng không tiếp tục tổ chức các lễ hội có hình thức như vậy, chỉ trừ một lễ hội duy nhất được công nhận là Di sản cấp quốc gia là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

"Lễ hội chọi trâu được coi là vấn đề "nóng" bởi thực tế cho thấy ở một số nơi việc tổ chức lễ hội không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào. Việc tổ chức lễ hội thường được giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh.

Một số nơi, Lễ hội chọi trâu gây phản cảm khi ngay sau sới trọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, thậm chí trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm nhất mà loại hình lễ hội này thể hiện. Lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều có bán vé thu tiền, tức là vi phạm quy định tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn...", Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết. 

Do đó, trong mùa lễ hội năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu các địa phương cần kiên quyết xử lý, không để tái diễn loại hình lễ hội này ở địa phương.

Tiếp thu ý kiến, bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái khẳng định, năm 2018 Yên Bái sẽ không còn địa phương nào tổ chức Lễ hội chọi trâu.

Cũng liên quan đến lễ hội chọi trâu, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc đề nghị Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy giao cho Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng xem xét nguyên nhân nhiều doanh nghiệp, đơn vị đua nhau xin cấp phép tổ chức chọi trâu, không cho chọi trâu chuyển sang chọi dê, đua ngựa.

Trên thực tế, những đơn vị, doanh nghiệp đứng ra tổ chức các hoạt động này thường đặt lợi nhuận lên trên hết. Thêm vào đó, việc nghiên cứu cũng là căn cứ để giải thích cho nhân dân các địa phương hiểu, đồng thuận với việc không nên tổ chức các loại hình lễ hội có yếu tố kích động bạo lực, đầy tính thương mại hóa như chọi trâu…

Giống như chọi trâu, Lễ hội cướp Phết Hiền Quan (Phú Thọ), cướp Phết (Bản Giản, Vĩnh Phúc), hay cướp hoa tre ở Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), là những vấn đề được dư luận cho rằng còn phản cảm.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT cho rằng, cần hạn chế để xảy ra tình trạng "cướp".

"Cướp trong các lễ hội của ông cha ta thời xưa là “cướp” có văn hóa, nói là “cướp” nhưng người trẻ nhường người già, đàn ông nhường phụ nữ... Ngày nay, “cướp” là đè nhau, chen lấn, xô đẩy, giành giật phản cảm. Năm nay, các địa phương cam kết tìm giải pháp hạn chế những hành vi này. Như Lễ hội Đền Sóc, thay đổi nghi thức cướp hoa tre. “BTC sẽ tán lộc cho mọi người sau khi thực hiện nghi lễ. Đảm bảo giữ được văn hóa và đảm bảo không phản cảm",  ông Tô Văn Động cho biết.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, mùa Lễ hội 2018 phải giải quyết tốt một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội... Phải có cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tránh tư tưởng đùn đẩy...

Thứ trưởng cũng cho rằng, báo chí cũng là kênh quan trọng trong việc đưa tin chính xác, khách quan và nhanh các vấn đề nóng xảy ra trong Lễ hội.

T.Lê